- Thủ tướng cho hay dự án xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận phải làm theo luật định, báo cáo Quốc hội, không thể khoán dự án cho đối tác theo kiểu “chìa khóa trao tay”.


Một trong những nội dung được đề cập tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tại Hà Nội chiều 27/11 là triển khai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Nguồn vốn triển khai, cơ chế, chính sách đặc thù vùng thực hiện dự án và phương án di dân là những vấn đề chính được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận báo cáo, đề nghị với Thủ tướng.

{keywords}
Ảnh: VGP


Theo Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Thanh, dự án có tổng vốn đầu tư 4.551 tỉ đồng, được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đã bố trí và dự kiến bố trí đến năm 2015 2.335 tỉ đồng, mới bằng 50% nhu cầu.

Để thông dự án, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đề nghị Thủ tướng quan tâm xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 hoặc nguồn vốn trái phiếu phát hành thêm 2014-2016 để giúp tỉnh có điều kiện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, kịp phục vụ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư vận động các dự án ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật.

Báo cáo Quốc hội mới làm được

Đề cập các vấn đề lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chính quyền tỉnh Ninh Thuận có “trách nhiệm chính trị cao” cùng cả nước lo chuẩn bị triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước.

Về phía Nga (đối tác được lựa chọn cung cấp công nghệ - PV), Thủ tướng cho hay, Nga khẳng định sẽ đảm nhận thiết kế, thi công, nếu Việt Nam tin tưởng chỉ việc nhận theo hình thức “chìa khóa trao tay”.

“Tuy nhiên theo luật Việt Nam quy định, phải lập thiết kế, thẩm định dự án và tính tổng mức đầu tư, sau đó báo cáo Quốc hội mới làm được. Điều này khiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chậm mất mấy năm” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu.

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận hiện có nhiệm vụ quan trọng nhất là thực hiện tái định cư, lo đời sống cho dân.

Kinh nghiệm của các nước xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Pháp, Nhật, Hàn Quốc… cho thấy người dân ở sát khu vực nhà máy được chính quyền chăm lo đời sống rất tốt.

Thủ tướng không tán thành với đề nghị cho hai huyện Ninh Hải và Thuận Nam (địa bàn xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân) được hưởng thụ cơ chế, chính sách hỗ trợ như các huyện nghèo như lãnh đạo tỉnh nêu.

Thay vào đó, Thủ tướng gợi ý, đề xuất “cơ chế chính sách hỗ trợ đặc biệt” cho hai huyện trên và giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng, Chính phủ.

Ông cũng nhất trí việc tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phối hợp cùng Bộ Kế hoạch - Đầu tư vận động các dự án ODA đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó ưu tiên tập trung cho thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để phục vụ chuyên gia nhà máy điện hạt nhân.

Di dân cách xa 600 mét?


Báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết tỉnh đang tiến hành việc di dân, tái định cư, với quy mô khoảng 900 hộ ở cả 2 dự án điện hạt nhân.

Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn chỉ đang ở giai đoạn kiểm kê, áp giá và tuyên truyền cho dân. Vướng mắc hiện nay là chưa hoàn tất việc xác định vị trí, vành đai dự án.

“Theo quy định hiện nay thì việc di dân phải cách nhà máy 500 mét tính từ tâm. Theo thông tư, nghị định mới phải cách thêm 500 mét nữa.

Tỉnh đang kiến nghị chỉ cách thêm 100 mét (tức 600 mét) để làm “vành đai trắng” thôi, còn lại 400 mét thì cho dân tiến hành tiếp tục sản xuất, nhưng không xây dựng ở đây. Chúng tôi đang chờ các bộ, ngành trình Thủ tướng thì tỉnh sẽ hoàn tất phương án di dân, tái định cư” - Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho biết.

Bên cạnh đó, ông Thanh đề nghị bổ sung vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 cho dự án tuyến đường ven biển, phục vụ cho việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh, đồng thời tạo điều kiện để sắp xếp lại dân cư vùng ven biển.

Linh Thư