- Cứ nói thẳng, nói thật, công khai, minh bạch. Bởi sự úp mở chính là nguyên nhân rất quan trọng chứa chấp tham nhũng, ung nhọt của xã hội - Chủ tịch nước nói với cử tri TP.HCM.

Sẵn sàng nhận hình phạt

Hôm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có các cuộc tiếp xúc với cử tri quận 1 và 3, TP.HCM sau kỳ họp QH.

Cử tri Hồ Bá Chính (quận 3) nói với ông, người dân đang chờ kết quả xét xử của các vụ án tham nhũng lớn.

Cử tri Lâm Ngọc Mạnh (quận 3) đề nghị đại biểu QH cho người dân biết, lợi ích nhóm là những ai, nguồn gốc sinh ra lợi ích nhóm và biện pháp của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề này ra sao?

Ông Mạnh cũng nêu: Chúng ta làm công tác cán bộ rất chặt chẽ, vậy tại sao cán bộ tham nhũng vẫn ung dung trong bộ máy nhà nước?

{keywords}
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cử tri TP.HCM. Ảnh: Tá Lâm

Giải đáp các câu hỏi của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, bên cạnh những vấn đề đã làm được, những điều chưa làm được trong công tác phòng chống tham nhũng còn rất lớn và phải nhìn thẳng vào sự thật này.

“Thỉnh thoảng tôi cũng nghe trên báo, đồng chí A đồng chí B phát biểu lạc lõng và không đúng sự thật, dân người ta rất là phiền. Chúng tôi cố gắng hết sức nói đúng sự thật, tất nhiên nói là phải làm”, ông Trương Tấn Sang nói.

Điều quan trọng nhất để chống tham nhũng, ông cho rằng, phải làm tốt nghị quyết TƯ 4.

“Các đồng chí có quyền chất vấn chúng tôi, chất vấn mạnh hơn nữa. Mong là các đồng chí về phường, quận cũng làm tương tự như vậy. Cứ nói thẳng, nói thật, công khai, minh bạch. Bởi sự úp mở chính là nguyên nhân rất quan trọng chứa chấp tham nhũng và tiêu cực, những cái ung nhọt của xã hội, của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi phải đấu tranh nhưng trách nhiệm nặng nề hơn các đồng chí, khi cần phạt phải phạt mạnh hơn các đồng chí. Chúng tôi sẵn sàng nhận những hình phạt đó, không có gì phải né tránh”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước cũng cho biết, TƯ đã tổ chức 8 đoàn đi kiểm tra và phát hiện trên 60 vụ tham nhũng tiếp tục điều tra xử lý và 8 vụ đang xử. “Tôi hy vọng rằng, những vụ xử tiếp theo thì độ nghiêm minh gia tăng và đúng pháp luật”, Chủ tịch nước bày tỏ.

Đối với câu hỏi của cử tri Lâm Ngọc Mạnh, ông Trương Tấn Sang cho hay, nhóm lợi ích là ám chỉ ý xấu mâu thuẫn với lợi ích của Tổ quốc, dân tộc và của Đảng, phải bài trừ.

“Thái độ chúng tôi thế nào, câu hỏi này rất đắt giá. Đã là cấp cao thì phải quan tâm điều này, chỉ đạo cho tốt. Nếu không chuyển biến được thì cấp cao chúng tôi phải chịu trách nhiệm, không né tránh được”, Chủ tịch nước khẳng định.

Chắc chắn không phải 1% công chức cắp ô

Nhiều cử tri băn khoăn trước con số 1% hay 30% công chức cắp ô. Họ cho rằng, số công chức không làm được việc phải là 30% chứ không như Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn của QH chỉ có 1%.

{keywords} 

“Chúng ta cứ đi thực tiễn sẽ nhận thấy tại sao lại có 30% công chức không làm được việc như lời Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói”, cử tri Chính nói.

Chủ tịch nước cho rằng, nếu quả thật chỉ có 1% cán bộ yếu kém thì đề ra nghị quyết TƯ 4 làm gì. Ông nói: “Làm gì cực khổ, tốn kém ghê gớm, TƯ đến phường xã họp hành liên tục, kiểm điểm ngày này qua ngày khác. Chắc chắn không phải 1%, tôi không tin. Vì trên giấy trắng mực đen đã ghi rõ ‘một bộ phận không nhỏ’ mà, 1% đâu có lớn, mà không biết anh em căn cứ vào cái gì”.

Thông qua Hiến pháp với kết quả cao

Nhiều cử tri bày tỏ thái độ vui mừng khi QH thông qua Hiến pháp với tỷ lệ 97,59%. Nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ quan điểm chưa hài lòng khi Hiến pháp không đạt tỷ lệ 100%, có nghĩa là vẫn có ý kiến còn khác nhau, chưa đồng thuận.

Trước ý kiến còn băn khoăn này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho hay, tỷ lệ thông qua Hiến pháp vừa qua gần như tuyệt đối, chỉ có hai vị đại biểu QH không biểu quyết. “Đó là một kết quả cực kỳ cao. So với các nước thông qua Hiến pháp, không phải ở nước nào cũng có tỷ lệ cao như vậy. Con số này rất tốt”.

Ông cho rằng, phải tôn trọng ý kiến còn khác nhau: “Như thế mới có đạo luật bền vững và lâu dài. Không nên có tình trạng trong hội trường thì tán đồng 100%, bước ra khỏi cửa là ý kiến khác”.

Tá Lâm