- Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long chia sẻ với báo chí rằng nhiều khả năng hai quận mới sẽ giữ tên gọi Từ Liêm, lấy trục đường 32 làm ranh giới phân định.

Trao đổi tại cuộc giao ban báo chí hàng tuần chiều 3/12, ông Phan Đăng Long cho biết: "Hiện chưa có phê duyệt cuối cùng nên chưa có tên chính thức, nhưng khả năng nhiều là theo phương án Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Nguyên nhân cơ bản, quan trọng là ý chí nguyện vọng của nhân dân".

"Lúc đầu bản thân tôi cũng băn khoăn cách đặt tên Bắc - Nam nghe không hay, nhưng sau đó thấy tâm lý người Việt nói chung là gắn bó với địa danh quê hương, ai cũng muốn giữ tên gọi cũ truyền thống", Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nói. "Phần được giữ lại tên Từ Liêm thì người dân tán thành, phần có phương án đặt tên mới thì người dân không nhất trí".

{keywords}
Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy HN Phan Đăng Long: Dân muốn giữ tên, thành phố không còn cách nào khác. Ảnh: Hồng Nhì

Trước băn khoăn tại sao các quận mới thành lập gần đây như Hoàng Mai, Tây Hồ... có thể lấy tên mới, ông Long giải thích là do các quận này thành lập trên cơ sở ghép diện tích và dân số của nhiều quận huyện khác nhau.

"Lần này, hai quận mới nằm trọn vẹn trên đất huyện Từ Liêm. Qua thăm dò, hầu hết người dân trực tiếp sống ở đây đều muốn giữ tên cũ. Thành phố không còn cách nào khác là làm theo ý chí, nguyện vọng của người dân", ông Phan Đăng Long khẳng định.

Thời điểm thích hợp

Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng cho biết việc chia tách huyện Từ Liêm đã được chuẩn bị gần chục năm nay. "Tôi nhớ Từ Liêm từng đề nghị tách một phần đã đô thị hóa thành quận đặt tên là Thăng Long, nhưng khi đó Thành ủy chưa đồng ý do chưa đáp ứng đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng", ông Phan Đăng Long chia sẻ.

"Ta rút kinh nghiệm từ các lần lập quận trước do duy ý chí và dùng mệnh lệnh hành chính trong khi cơ sở hạ tầng vẫn là nông thôn, tác phong nếp sống vẫn là nông dân, sau một đêm thành thị dân gặp không ít khó khăn", ông Long nhận định. "Từ nay, quá trình lập quận phải theo sự phát triển tự nhiên, khi có đủ điều kiện, đặc biệt về hạ tầng kỹ thuật cơ sở, mới quyết định".

Ông cũng chỉ ra: Theo quy hoạch chung, trung tâm Thủ đô sẽ chuyển dần sang phía Tây. Địa bàn huyện Từ Liêm đã cơ bản có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu vực có hạ tầng theo hướng một đô thị tương lai, nên bây giờ là thời điểm thích hợp để lập quận.

Chia sẻ với báo chí bên lề họp HĐND sáng nay, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cũng nhận định "khi hạ tầng cơ sở đã phát triển đến mức mà thượng tầng kiến trúc cần thay đổi thì phải thay đổi".

"Hiện nay huyện Từ Liêm đã cơ bản đô thị hóa xong, nếu vẫn giữ chính quyền cấp huyện sẽ không đáp ứng được nhu cầu quản lý, sẽ kìm hãm sự phát triển, phải chuyển thành chính quyền cấp quận. Nhưng để một quận thì quá lớn, phải tách ra để vừa sức người lãnh đạo, người quản lý, đặc biệt là về mặt hành chính trong bối cảnh ngày càng nhiều chính sách ra đời", ông Thăng nhận định.

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 2/12, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Từ Liêm Nguyễn Văn Việt cũng chia sẻ: "Cán bộ huyện hiện đang quá tải vì số đầu việc cải cách hành chính của Từ Liêm hiện gấp nhiều lần các huyện khác".

Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho biết đây sẽ là lần cuối cùng thực hiện việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính theo Hiến pháp cũ. Theo Hiến pháp mới, việc này sẽ phải qua Quốc hội chứ không do Chính phủ quyết định.

Chung Hoàng