- Cùng nhìn lại 2013 với những sự kiện đối ngoại quốc phòng nổi bật, từ thông điệp về lòng tin chiến lược ở Shangri-La 12 đến sự kiện tàu ngầm Kilo đầu tiên xuất xưởng.

VietNamNet khởi đăng loạt bài Nhìn lại 2013 với những sự kiện đối ngoại quốc phòng, in dấu ấn thành quả hội nhập quốc tế ấn tượng:

Nhộn nhịp các chuyến thăm

2013 là năm nhộn nhịp trao đổi đoàn cấp cao quốc phòng cũng như đoàn làm việc các cấp, từ đối thoại chính sách, chiến lược hợp tác cấp thứ trưởng, họp ủy ban hỗn hợp cho đến trao đổi về đào tạo giữa Việt Nam và các nước.

{keywords}

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại Hà Nội tháng 3/2013. Ảnh: Lê Anh Dũng

Có thể kể đến chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 3 của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và chuyến thăm chính thức LB Nga của Đại tướng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tháng 8.

Không chỉ có Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam làm điểm đến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã thăm chính thức Hà Nội đúng năm tròn 40 năm quan hệ ngoại giao.

Quan hệ quốc phòng được lãnh đạo cấp cao Việt - Nhật xác định là một trong những nội hàm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, New Zealand cũng thăm chính thức Việt Nam để thúc đẩy hợp tác quốc phòng.

Shangri-La 12 và "lòng tin chiến lược"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo cấp cao Chính phủ đầu tiên của Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 hồi tháng 6 tại Singapore với bài phát biểu được truyền thông quốc tế chú ý về thông điệp xuyên suốt.

Đó là xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương; nhấn mạnh muốn có hòa bình, phát triển thì phải tăng cường xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược.

CLIP TRÍCH PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG VỀ LÒNG TIN CHIẾN LƯỢC:

Là khách mời, diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng đã phân tích bức tranh tổng thể khu vực, nêu trúng những vấn đề quan tâm chung.

Trong đó nhấn mạnh Việt Nam có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực, nhưng với xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự - nhất là từ các nước lớn - thì bên cạnh những mặt tích cực, cũng tiềm ẩn những rủi ro mà các nước phải cùng nhau chủ động ngăn ngừa.

Để xây dựng lòng tin chiến lược, các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn, nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.

Thủ tướng cũng đã trình bày một cách hệ thống đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chính sách quốc phòng của Việt Nam, trong đó khẳng định Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy của tất cả các nước, tích cực chủ động hội nhập quốc tế và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

{keywords}

"Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam; Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác" - Thủ tướng phát biểu tại Shangri-La 12.

Tàu ngầm Kilo đầu tiên

Tàu ngầm Hà Nội, tàu ngầm đầu tiên trong số 6 tàu ngầm thuộc dự án 636 lớp Varshavyanka (NATO gọi là Kilo) mà Nga đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam, đã được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam để bắt đầu hành trình về cảng Cam Ranh dự kiến vào tháng 1/2014.

Hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm cho Việt Nam ký năm 2009 còn bao gồm cả hạng mục đào tạo thủy thủ đoàn cũng như cung cấp thiết bị, vật tư kỹ thuật. Khóa huấn luyện thủy thủ đoàn Việt Nam đã bắt đầu vào cuối tháng 7 tại Saint Petersburg.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và thị sát tàu ngầm Kilo 636

của Hải quân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tàu ngầm Kilo thứ hai mang tên HQ-183 TP Hồ Chí Minh đang trải qua các thử nghiệm trên biển Baltic. Theo kế hoạch, Nga sẽ bàn giao chiếc cuối cùng cho Việt Nam năm 2016.

Việt Nam tuyên bố việc mua tàu ngầm chỉ để bảo vệ vùng biển, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác.

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ

Sau 8 năm chuẩn bị, tại Shangri-La 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự, tham mưu.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ở New York tháng 9/2013

Cuối tháng 9, ở phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ, Thủ tướng đã chính thức tuyên bố với thế giới về quyết định quan trọng trên.  

Công binh, quân y là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Hơn nữa, đây là những lĩnh vực thể hiện tính chất nhân đạo,  phù hợp với chủ trương không gửi quân tham gia các nhiệm vụ ở những nơi có xung đột, chiến tranh.

Dự kiến, Việt Nam sẽ cùng quân đội các nước thực thi gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan và Mali trong thời gian sớm nhất.

"Đã phải trải qua những cuộc chiến tranh ngoại xâm tàn bạo và đói nghèo cùng cực nên khát vọng hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam càng cháy bỏng. Chúng tôi luôn nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh của chúng ta. Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Chúng tôi sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp chúng tôi giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo.

Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ.

CLIP THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH PHÁT BIỂU TRÊN VTV VỀ SỰ KIỆN NÀY:

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, việc tham gia hoạt động trên không phải đơn thuần là hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và thế giới đang nổi lên theo hướng có lợi cho Việt Nam mà là thể hiện cách tiếp cận mới, coi thách thức an ninh chung của khu vực và thế giới cũng là thách thức an ninh của Việt Nam.

"Với tư duy này, Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, thể hiện là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng ASEAN và quốc tế. Việc tham gia hoạt động đó thể hiện rõ ràng tư duy mới, coi hòa bình, ổn định của mọi khu vực trên thế giới đều nằm trong lợi ích của Việt Nam" - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu trong bài viết riêng trên tạp chí Quốc phòng toàn dân.

L.Thư - N.Nhâm - H.Duyên - Nguồn clip: VTV