- Một chủ doanh nghiệp nhỏ ở Thụy Điển quá bận nên gần thời hạn khai thuế đã gửi fax đến cơ quan thuế: "Xin lỗi, tôi không thể hoàn thành kịp", và sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả. Một bản fax gửi lại: "Không sao, quý vị cứ từ từ làm".

Có lẽ vì thế mà chắc chỉ ở Thụy Điển mới có chuyện cơ quan nhà nước được người dân yêu thích nhất lại chính là cơ quan đi thu tiền của dân. Thuế cũng được bầu là cơ quan nhà nước hiện đại nhất ở nước này.

{keywords}
Đất nước Thụy Điển thanh bình và tiến bộ. Ảnh: Chung Hoàng

Kết quả này không phải một sớm một chiều mà có, vì Thụy Điển cũng như mọi quốc gia khác, cũng từng có quan điểm cũ kỹ về việc thu thuế.

Theo bà Charlotte Nilsson, đại diện truyền thông của Cơ quan thuế Thụy Điển, "những năm 1970, việc thu thuế là mệnh lệnh hành chính, người nộp thuế với chính quyền không khác gì 'kẻ thù'. Những năm 1980-1990, quan điểm về thuế thay đổi, trở thành một dịch vụ nhà nước cung cấp cho người dân. Đến những năm 2000, thuế được coi là vấn đề lòng tin, dân tin nhà nước thì họ sẽ nộp thuế. Kể từ năm 2010, chúng tôi chuyển mạnh sang dịch vụ điện tử, xử lý tự động hầu hết các công đoạn, đồng thời tăng cường giao tiếp với dân".

Kinh nghiệm bà chia sẻ chính là: Lắng nghe người dân, người nộp thuế để thấy mình sai - điều mình cho là quan trọng nhất có khi lại là điều ít quan trọng nhất với họ. Nói cách khác, có sự khác nhau khá lớn trong cách nhìn nhận của cán bộ thuế và người nộp.

Khi cán bộ thuế đối xử với người nộp thuế chỉ như "nguồn nộp tiền", không quan tâm, không giải thích, người dân sẽ thấy mình kém cỏi, tự ti. Tệ hơn, nếu họ cảm thấy cơ quan thuế có thành kiến, đề phòng họ, họ cũng không tin tưởng cơ quan thuế nữa, có phản ứng tiêu cực như không hợp tác, than phiền, thậm chí kiện tụng.

Từ đó, Cơ quan thuế Thụy Điển tự đặt cho mình mục tiêu phải "năng động, đáng tin cậy và hữu ích", trong đó "hữu ích" là phẩm chất đột phá.

Bắt đầu từ con người, cán bộ được tuyển vào cơ quan thuế không những phải giỏi chuyên môn mà còn phải có khả năng giải thích và giao tiếp với người dân, doanh nghiệp. Nếu có cán bộ ứng xử không tốt với dân, cơ quan thuế sẽ có ngay lời xin lỗi, sửa sai, có thể ra tòa nếu cần thiết.

Cơ quan thuế tăng cường trao đổi với báo chí và minh bạch về mọi thứ. "Mọi người dân đều có thể truy cập thông tin không chỉ của mình mà của người khác, để thấy mọi người đều nộp thuế một cách công bằng, những người nộp thuế chậm hay gian lận thuế cũng tự thấy xấu hổ mà không cần biện pháp mạnh", bà Nilsson chỉ ra.

Cơ quan thuế ở Thụy Điển còn "hữu ích" đến mức họ đến với các doanh nghiệp không chỉ những lúc thu thuế mà theo sát giúp đỡ doanh nghiệp từ khâu sổ sách kế toán, để đảm bảo thu đúng thu đủ chứ không phải thu nhiều hay ít.

Người nộp thuế là cá nhân cũng không phải lo lắng những quy trình phức tạp khi khai thuế. Nắm trong tay đầy đủ thông tin, cơ quan thuế "điền trước" hầu hết số liệu cho người dân. Đến thời hạn nộp, người dân chỉ cần truy cập để kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh thông tin nếu cần và xác nhận. Ngày càng ít người phải đến tận cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ một cách thủ công.

Đó là do trong quá trình thay đổi tư duy, Cơ quan thuế ở Thụy Điển đã quyết định ứng xử với người dân một cách tôn trọng hơn: cung cấp nhiều thông tin và kiến thức hơn, khuyến khích động viên, thậm chí ghi nhận khen ngợi nhiều hơn, trả lời thắc mắc kịp thời hơn, giúp đỡ những người khó khăn như ở xa, hạn chế về ngôn ngữ, phương tiện...

Còn điều đã thúc đẩy Cơ quan thuế tự thay đổi mình như vậy chính là điều làm nên hình ảnh của Thụy Điển trước thế giới: hệ thống an sinh xã hội hàng đầu.

"Thuế chính là công lý, công bằng xã hội, là nguồn thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội", đại diện truyền thông của Cơ quan thuế cho biết.

Những người làm công tác thu thuế ở Thụy Điển vô cùng tự hào về công việc của họ, vì những gì miêu tả ở trên chính là mục tiêu năm 2018 mà ngay lúc này, họ đã hoàn thành.

Chung Hoàng