- Muốn cải cách, phải đột phá vào bộ máy và công chức. Đây là việc khó, nhưng nếu chọn khâu đột phá ở đâu đâu thì không giải quyết được vấn đề - Trò chuyện với TS. Đặng Đức Đạm, nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, một ngày trước hội nghị tổng kết thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước 2001 - 2010 và thảo luận chương trình 10 năm tới (2011 - 2020).
Theo ông Đặng Đức Đạm, có hai cách đánh giá kết quả CCHC. Một là đánh giá dựa trên số lượng những công việc đã làm, như cách đánh giá mà các cơ quan hành chính của chúng ta thường làm. Theo cách này thì có thể "kể công" cho CCHC không ít.
Ông
Đặng Đức Đạm: Lương công chức quá
thấp, lại bị điều tiết bởi lạm phát cao
Tình trạng khiếu nại, tố cáo cũng phản ánh tâm trạng bất bình của người dân trước những yếu kém của nền công vụ. Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, năm 2010 cả nước đã phát sinh gần 23.000 lượt đơn tố cáo với trên 13.000 vụ việc, tăng 29,3% đơn so với 2009. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ hơn 94%, mà chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, tham nhũng...
Lương thỏa đáng
Theo ông, khâu đột phá của cải cách hành chính ở Việt Nam là gì?
Rường cột của bất cứ nền hành chính nhà nước nào cũng phải là bộ máy và công chức, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Muốn cải cách có kết quả thực sự thì phải đột phá vào chính những khâu quan trọng nhất này. Tất nhiên đây là việc khó, nhưng vì thấy khó mà không tập trung sức để làm, lại chọn khâu đột phá ở đâu đâu thì không giải quyết được vấn đề.
Trong cuộc hội thảo về Chương trình tổng thể cải cách hành chính tổ chức ở Đồ Sơn cuối năm 2010, nhiều vị lãnh đạo phụ trách CCHC ở các bộ, tỉnh, thành phát biểu thẳng thắn rằng: Giai đoạn 2006 - 2010, Chính phủ chưa chỉ đạo, điều hành toàn diện các mục tiêu và nội dung của CCHC mà chủ yếu thiên về cải cách thủ tục hành chính. Sự chỉ đạo "lệch trọng tâm" này dẫn đến công tác CCHC có phần đi xuống. Vụ trưởng Vụ CCHC của một bộ còn nói: Chúng ta chỉ làm được một việc con con là cải cách thủ tục hành chính trong số 69 công việc phải làm của Chương trình tổng thể.
Vậy chúng ta phải làm gì để đạt được sự chuyển biến trong những khâu đột phá này?
Công cuộc cải tổ bộ máy hành chính ở Việt Nam phải bắt đầu bằng việc xác định lại vai trò và chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Công bằng mà nói, Nhà nước hiện nay ôm đồm quá mức sinh ra "lực bất tòng tâm", đồng thời cũng "đá lộn sân" nhiều, nên gây khó cả cho thị trường và doanh nghiệp. Có những việc mà báo chí đã nói từ lâu là Nhà nước đầu tư rất nhiều nhân tài vật lực vào khu vực sản xuất kinh doanh là khu vực mà tư nhân làm tốt hơn Nhà nước, trong khi nhiều lĩnh vực xã hội và môi trường thì bỏ ngỏ hoặc bất lực, như vệ sinh an toàn thực phẩm hay kiểm soát ô nhiễm môi trường đang thiếu nhân lực hết sức trầm trọng, mà ở những lĩnh vực này ngoài Nhà nước ra, không ai có thể làm được.
Đối với vấn đề cán bộ, công chức, có thể phải tiếp cận từ hai phía. Một mặt, cần có những chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động về quản lý cán bộ, công chức, như quán triệt nguyên tắc "công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép"; đánh giá công chức một cách thực chất căn cứ vào việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong bản mô tả công việc của từng người, bỏ cách đánh giá cán bộ theo kiểu "mẹ hát con khen hay" đang rất thịnh hành hiện nay.
Mặt khác, phải có chính sách tiền lương thỏa đáng, đãi ngộ xứng đáng người làm được việc và trọng dụng nhân tài. Tiền lương của ta hiện còn quá thấp, lại bị điều tiết bởi lạm phát cao.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, năm 2010, giá tiêu dùng tuy tăng gần 12%, nhưng giá đầu ra của các doanh nghiệp hay giá bán nông sản của nông dân còn tăng cao hơn, tức là những người có sản phẩm hàng hóa để bán vẫn có "cơ" bớt được phần nào gánh nặng lạm phát, chỉ có những người làm công ăn lương là chẳng biết lấy gì bảo vệ trong cơn bão giá. Cho nên cải cách tiền lương công chức càng trở thành cấp bách.
"Cỏ dại sau mưa"
Gần đây, cải cách thủ tục hành chính theo đề án 30 được Chính phủ chỉ đạo triển khai khá rầm rộ. Việc này trên thực tế đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Trả lời câu hỏi này, tôi vẫn kiên trì theo cách tiếp cận thứ hai như nói ở trên, tức là để xem người dân và doanh nghiệp cảm nhận về vấn đề này thế nào.
Gần đây nhất là báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 do Phòng Công nghiệp và Thương mại VN công bố dựa trên ý kiến của 7.300 doanh nghiệp dân doanh trong nước và 1.155 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy, bất chấp những nỗ lực cải cách từ đề án 30, chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp không giữ được chất lượng cải cách như những năm trước.
Không kiểm soát chặt chẽ thủ tục từ khâu lập pháp và
ban hành thể chế
thì có dùng máy xén cũng không thể cắt xuể
Khoảng 20% số doanh nghiệp tham gia điều tra PCI 2010 cho biết không quan sát thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về thủ tục hành chính tại địa phương, và cũng chưa cảm nhận được tác động thực tế của quá trình cải cách thủ tục thời gian qua.
Một tình trạng nữa là người dân và doanh nghiệp vẫn phải chi tiền “lót tay” thì mới được việc. Ví dụ, cuộc điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2009 do các chuyên gia Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương tiến hành ở 2.543 doanh nghiệp cho thấy, năm 2007, chỉ có 26% số doanh nghiệp được điều tra cho biết phải chi các khoản "phi chính thức", đến năm 2009, con số này đã tăng lên 34%.
Theo tôi, cải cách thủ tục hành chính bao gồm ít nhất ba khâu quan trọng: một là ban hành thủ tục hành chính, hai là đơn giản hóa thủ tục (theo đề án 30), ba là tổ chức thực hiện (theo cơ chế một cửa). Người ta ví thủ tục hành chính giống như "cỏ dại sau mưa", không kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập pháp và ban hành thể chế thì có dùng máy xén cũng không thể cắt xuể. Mặt khác, thủ tục dù đơn giản đến mấy nhưng bộ máy vẫn "hành là chính" thì môi trường kinh doanh còn lâu mới cải thiện được.
Hiền Anh
Vì sao tôi dứt áo ra đi?
Hành chính công: Không tỉnh nào hoàn hảo
2015: Lương công chức 4.000 USD/năm?
Chuyên gia Úc bàn chuyện lương công chức Việt Nam