- Trong chiến lược tái cân bằng hướng về châu Á - TBD với Đông Nam Á nắm giữ vị trí đặc biệt quan trọng, việc Ngoại trưởng John Kerry tới thăm Việt Nam, Philippines chứng tỏ cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Getty Images

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/12, Ngoại trưởng John Kerry sẽ có chuyến công du tới Trung Đông và Đông Nam Á dự kiến kéo dài từ ngày 11 đến 18/12 tới. Trong đó, Việt Nam là một trong hai điểm dừng chân ở Đông Nam Á, cùng với Philippines.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki cùng Ngoại trưởng sẽ tới TP.HCM và Hà Nội trước khi tới Manila.

"Trong chiến lược tái cân bằng hướng về châu Á - Thái Bình Dương với Đông Nam Á nắm giữ vị trí đặc biệt quan trọng, việc Ngoại trưởng John Kerry tới thăm Việt Nam, Philippines chứng tỏ cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực", theo bà Jen Psaki.

Bà Psaki nêu rõ chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Kerry nhằm nhấn mạnh sự chuyển biến sâu sắc trong quan hệ giữa hai nước trong những năm qua và mối quan hệ đối tác đang phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Theo chương trình, tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện đã được lãnh đạo hai nước tuyên bố thiết lập trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi giữa năm, thảo luận một loạt các vấn đề song phương, khu vực cùng quan tâm.

Thúc đẩy thương mại song phương, nâng cao vai trò giáo dục là chủ đề trong các cuộc tiếp xúc tại TP.HCM.

"Ông cũng sẽ thăm vùng đồng bằng sông Cửu Long để thể hiện cách người Mỹ và Việt Nam có thể làm việc cùng nhau về những vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo", bà Psaki nhấn mạnh.

Kể từ khi trở thành Ngoại trưởng hồi tháng 2, ông Kerry đã mơ ước sẽ quay trở lại Việt Nam, nơi ông có nhiều trải nghiệm thời chiến tranh. Ông cũng có kế hoạch thăm Philippines hồi tháng 10 nhưng phải hoãn lại ở phút cuối cùng vì điều kiện thời tiết.

Ngoại trưởng Mỹ là người có nhiều "duyên nợ" với Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1966, ông Kerry được điều động tới Việt Nam trong vai trò trung ủy hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở tiểu vùng Mekong. Giữa các trận chiến, John Kerry đã chứng kiến cảnh nhiều người bỏ mạng vì những quyết định sai lầm của các nhà lãnh đạo Washington. John Kerry quyết định phản đối chiến tranh.

Trở lại Mỹ đầu những năm 1970, Kerry được công chúng đánh giá cao khi đứng đầu một nhóm cựu binh tham chiến ở Việt Nam phản chiến. Năm 1971, ông ra trước UB Đối ngoại Thượng viện Mỹ để điều trần về quan điểm của mình về chiến tranh Việt Nam.

Từ 1991-1993, Kerry làm chủ tịch UB Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, đặc trách về việc tìm hiểu, gom góp dữ kiện về POW/MIA. Năm 1994, Thượng viện thông qua đề nghị của Kerry và John McCain yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt - Mỹ.

Tháng 8/2012, trước các hành động ngày càng quả quyết thậm chí là gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, ông John Kerry và một số thượng nghị sĩ đã giới thiệu lên Thượng viện nghị quyết mang số hiệu S.Res.524 về vấn đề Biển Đông.

Rời Việt Nam, Ngoại trưởng Kerry sẽ tới thăm Philippines, một đồng minh của Mỹ tại khu vực nhằm thảo luận về mối quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, kinh tế, thăm thành phố Tacloban bị thiệt hại nặng nề trong siêu bão Haiyan.

Thái An