- Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết các nghị định đi kèm luật Đất đai mới thông qua sẽ lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, khoa học khi soạn thảo.

Tại họp báo công bố luật mới tại VP Chủ tịch nước hôm nay (12/12), ông Hiển cho biết trong quá trình dự thảo luật Đất đai sửa đổi, QH đã yêu cầu có dự thảo của các nghị định đi kèm.

"Tuy nhiên những vấn đề này sẽ còn phải tiếp tục thảo luận. Cuối tháng này, VP Chính phủ sẽ triệu tập cuộc họp bàn giải pháp hướng dẫn chi tiết thực hiện luật Đất đai", ông Hiển nói.

{keywords}
Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển.
Ảnh: Chung Hoàng

Luật Đất đai được QH thông qua ngày 29/11 vừa rồi, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 năm tới. Một số vấn đề như đền bù GPMB, tái định cư, giá đất... sẽ cần đến các nghị định của CP.

"Những vấn đề liên quan đến quyền của người sử dụng đất đã được quy định trong luật, tầm nghị định chỉ hướng dẫn về mặt kỹ thuật. Những vấn đề liên quan đến địa phương, trong quá trình soạn thảo nghị định sẽ lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, khoa học để đảm bảo tính khả thi", Thứ trưởng khẳng định.

Trụ sở nếu lãng phí phải giải trình

Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung nhận định các quy định về công khai là trọng tâm của luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới.

"Trừ một số lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước, các cơ quan sẽ phải công khai dự toán, quyết toán ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm quản lý sử dụng tài sản; khoản thu nộp ngân sách; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất; định mức, tiêu chuẩn, chế độ, chi tiêu nội bộ; phân bổ sử dụng nguồn lực lao động...", ông Trung nói.

{keywords}
Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung. Ảnh: Chung Hoàng

Hình thức công khai bao gồm các phương tiện thông tin đại chúng, bằng văn bản, trang web, tại các cuộc họp, trụ sở làm việc..., cũng như cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan.

Theo Thứ trưởng Tài chính, công khai cũng sẽ làm rõ mối quan tâm của dư luận về các trụ sở cơ quan nhà nước.

"Phải công khai xem có đúng quy hoạch, chủ trương, định mức không. Nếu qua giám sát của thanh tra, cơ quan dân cử, báo chí và đặc biệt là nhân dân, thấy có căn cứ về sự lãng phí thì phải có sự giải trình, kết quả giải trình cũng phải công khai", ông Trung khẳng định.

Loại nhà thầu kém

Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ông Lê Văn Tăng chỉ ra luật Đấu thầu mới bổ sung phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu để đảm bảo chất lượng đấu thầu.

"Trước chỉ có phương pháp giá, là một phương pháp tiến bộ nhưng khi áp dụng vào thực tế, do trình độ cán bộ, tình huống nên còn bất cập, nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu rẻ nên chất lượng hạn chế vẫn được 'chấm phóng tay'", ông Tăng nói.

Phương pháp mới là hai túi hồ sơ: mở túi kỹ thuật trước khi mở túi tài chính, đáp ứng chất lượng thì mới xem xét giá cả.

"Như vậy không chỉ loại nhà thầu Trung Quốc kém mà nhà thầu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cũng bị loại".

Ông Lê Văn Tăng cũng cho biết luật mới có cơ chế ưu tiên các nhà thầu cung cấp hàng hóa trong nước, có nhiều lao động là thương bệnh binh, lao động nữ, doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Trong hôm nay, VP Chủ tịch nước cũng công bố một loạt luật và pháp lệnh mà QH vừa thông qua tại kỳ họp vừa rồi là luật Phòng cháy chữa cháy, Việc làm, Thi đua khen thưởng, Tiếp công dân...

Chung Hoàng