- Đó là một trong những thành tựu của Việt Nam trong những công việc chung của LHQ trong năm qua, theo Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại LHQ.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị ngoại giao lần thứ 28 hôm nay (16/12), ông Lê Hoài Trung cho biết trong năm 2013, phái đoàn Việt Nam tại LHQ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến và theo dõi những diễn biến ở LHQ.

"Trước hết là những diễn biến về luật quốc tế liên quan đến những vấn đề về biển. Là lĩnh vực mà các nước coi là Việt Nam có thế mạnh đồng thời có quan tâm, ta đã đóng góp xây dựng và hoàn thiện Công ước LHQ về luật Biển 1982", Đại sứ Việt Nam tại LHQ cho biết.

"Qua những hoạt động của ủy ban 6 Đại hội đồng LHQ, qua quá trình tham vấn để hoàn thiện, phát triển các nội dung mới để thực hiện Công ước này, Việt Nam là một trong những nước tham gia vào quá trình thương lượng và xây dựng nghị quyết để thông qua hàng năm tại Đại hội đồng về vấn đề này".

{keywords}
Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại LHQ.
Ảnh: Chung Hoàng

Hợp tác phát triển cũng là một lĩnh vực mà các nước cho là Việt Nam có nhiều lợi thế khi là một nước đang phát triển, sau hơn 20 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu kinh tế như tốc độ tăng trưởng khá trong thời gian dài, giải quyết được nhiều vấn đề xã hội, đạt và vượt hầu hết các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ...

"Hiện LHQ đang tiến hành đồng thời ba quá trình: kiểm điểm quá trình thực hiện MDGs để hội nghị cấp cao năm 2015 đề ra các MDGs mới; xây dựng các mục tiêu về phát triển bền vững và xây dựng chương trình phát triển sau năm 2015. Trên cả ba lĩnh vực này, Việt Nam đều có thế mạnh mà quốc tế đánh giá cao và muốn chia sẻ kinh nghiệm", ông Lê Hoài Trung nói.

Theo Đại sứ, Việt Nam đã tham gia nhóm làm việc mở về các mục tiêu phát triển bền vững, tham gia phát triển chương trình nghị sự sau năm 2015.

"Từ các MDGs, ta đã đa dạng hóa thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam (VDGs), sớm đặt vấn đề xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội trong từng bước đi, từng chính sách phát triển kinh tế. Từ đó, Chương trình phát triển LHQ (UNDP) đánh giá so với các nước có thu nhập đầu người tương đồng, mức độ phát triển về con người của Việt Nam đạt cao hơn", Đại sứ Lê Hoài Trung nhận định.

Việt Nam cũng đóng góp vào một lĩnh vực rất quan trọng là dân chủ, nhân quyền.

"Chính trong quá trình vận động vào Hội đồng nhân quyền, ta đã trao đổi với các nước kinh nghiệm và quan điểm về tăng cường hợp tác quốc tế trong vấn đề quyền con người. Ta cũng đang tham gia vào một quá trình quan trọng ở LHQ là kiểm điểm lại các cơ chế theo dõi các công ước về nhân quyền mà vừa mới đây nhất là Công ước về xóa bỏ phân biệt chủng tộc", ông Lê Hoài Trung nói.

Việt Nam cũng đóng góp vào quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả của các tổ chức của LHQ và các thể chế đa phương nói chung.

Trong những vấn đề lớn mà quốc tế quan tâm như không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, chống tội phạm xuyên quốc gia..., Việt Nam đều có quan điểm tích cực.

Bên cạnh đó là đóng góp để hệ thống thương mại thế giới bình đẳng hơn, tính đến khó khăn của các nước đang phát triển. "Từ thực tế phát triển của mình, Việt Nam nhận định trước hết phải dựa vào nội lực, chính sách quốc gia nhưng cũng cần sự thuận lợi từ môi trường thương mại, môi trường kinh tế vĩ mô, cơ chế đầu tư..., quan điểm này được các nước đang phát triển đánh giá cao", Đại sứ cho biết.

Từ đó, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định: "Thành tựu của Việt Nam không chỉ là đóng góp vào các diễn đàn đa phương, nâng cao vị thế của Việt Nam mà còn giúp nhiều vào mở rộng và thúc đẩy quan hệ với các nước và quốc gia khác trong khu vực".

Chung Hoàng ghi