- Cùng VietNamNet điểm lại những vui buồn 2013 qua các sự kiện như sửa Hiến pháp, hay qua cuộc đấu tranh sống còn chống tham nhũng.
Thời trước, năm thứ ba của một Kế hoạch năm năm, hoặc năm giữa hai kỳ Đại hội Đảng, như 2013 này, thường được gọi là năm bản lề. Nay không mấy ai nhắc đến cái ý nghĩa “bản lề” này nữa. Có phần vì kế hoạch năm năm đã dần mất ý nghĩa từng có, nhưng lý do chính có lẽ vì tính chất ‘bản lề” không rõ ràng.
Còn mươi ngày là kết thúc năm 2013, một năm đất nước có những sự kiện lớn. Những sự kiện đó, dù là sự kiện được hoạch định trước hay không, nhưng đều có tầm quan trọng đến mức có thể làm cho 2013 trở thành một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Người Việt Nam trong và ngoài nước có tâm huyết, bè bạn của chúng ta trên thế giới đã chờ đợi một năm 2013 mang lại những chuyển biến trên mọi mặt, khả dĩ khai thông những trở ngại trên con đường đi lên của Việt Nam.
Hầu hết những sự kiện được hoạch định đã diễn ra trong đời sống đất nước. Những yêu cầu và những kỳ vọng được đáp ứng đến đâu là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở và không dễ trả lời. Có sự khác biệt không nhỏ giữa ý kiến của các chủ thể của đất nước, giữa cuộc sống thực tế và những nhận định công khai chính thống về vấn đề này.
1 - Sửa đổi Hiến pháp 1992 là hoạt động chính trị nổi bật xuyên suốt cả năm, lôi kéo sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Đại biểu QH sau giờ phút thông qua Hiến pháp sửa đổi ngày 28/11/2013. Ảnh: Minh Thăng |
Sửa đổi Hiến pháp là chủ trương do ban lãnh đạo đất nước đề xướng và hoạch định, trên cơ sở nhận định rằng nhiều nội dung quan trọng của Hiến pháp 1992 đã không còn phù hợp với yêu cầu mở đường cho sự phát triển của đất nước thời kỳ mới.
Nhận thức phản ảnh một thực tế hiển nhiên đó được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình. Vì thế, ngay từ đầu việc sửa đổi Hiến pháp đã được các tầng lớp nhân dân, nhất là trí thức hưởng ứng hăng hái với một thái độ xây dựng, cởi mở, tin cậy. Các lực lượng xã hội đã chủ động và tự giác tham gia ý kiến với thiện ý phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm để “cùng viết Hiến pháp”.
Sau nhiều lần dự thảo và sửa đổi,
bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua đã bỏ lại đằng sau khá nhiều ý tưởng mới
được khởi xướng. Hiến pháp sửa đổi có những thay đổi về cấu trúc, hình thức và
ngôn ngữ diễn đạt, nhưng vẫn giữ lại những khuôn khổ đã có đối với nhiều vấn đề
nóng bỏng đã nảy sinh trong thực tế đất nước, như vấn đề tổ chức và giám sát
quyền lực, vấn đề sở hữu đất đai, vai trò kinh tế nhà nước... Những khuôn khổ đó
phù hợp và đáp ứng đến mức độ nào những yêu cầu khách quan của cuộc sống sẽ được
chính cuộc sống thử thách và kiểm nghiệm.
Người lạc quan có thể chờ đợi vài cách tiếp cận mới trong việc luật hóa và thực
hiện một số điểm cụ thể của Hiến pháp. Nhưng trong phạm vi các khuôn khổ cũ đã
được tái khẳng định, khó có thể có những thay đổi cơ bản và bền vững.
Tuy nhiên nếu tinh thần và lời văn của Hiến pháp được tôn trọng, trung thành và
nghiêm chỉnh thực hiện, thì Hiến pháp vẫn có những nội dung có giá trị khai
thông. Đó là những khẳng định về nhà nước pháp quyền, về nguyên tắc nhân dân làm
chủ quyền lực, về quyền con người, quyền công dân, quyền tự do ngôn luận, tự do
lập hội, quyền biểu tình... Nhiều nội dung không phải đến nay mới được đề cập,
nhưng việc khẳng định lại trong Hiến pháp sửa đổi có thể tạo ra động lực và áp
lực mới đối với mọi ý đồ cản trở việc đưa những ý tưởng tiến bộ đó vào đời sống
hiện thực của đất nước.
Trong cả một năm vận động sửa đổi Hiến pháp, nhận thức xã hội đã có bước trưởng thành mới, không dễ gì giữ nguyên cách tiếp cận và xử lý như trước đây đối với các nội dung đó của Hiến pháp. Thực thi Hiến pháp đang trở thành một yêu cầu quan trọng hàng đầu, là một cuộc đấu tranh giữa tiến bộ và bảo thủ.
2 - Đấu tranh chống tham nhũng.
Cách nói về vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng có thể khác nhau, nhưng nhận thức toàn xã hội về mức độ trầm trọng và nguy hiểm của tham nhũng đối với đất nước, thể chế và đảng cầm quyền... nói chung là thống nhất.
Những nhận định trong nghị quyết chính thức, trong phát ngôn của những người lãnh đạo, cơ bản cũng tương tự ý kiến của đa số người dân. Vì thế, nhân dân vẫn có hy vọng về một sự chuyển biến nào đó, có ý nghĩa cơ bản trong cuộc chiến chống tham nhũng, sau những lời lẽ gay gắt và hứa hẹn quyết tâm với một số biện pháp tổ chức được trình bày trong các nghị quyết và phát ngôn chính thức.
Những quyết định của các hội nghị Trung ương, một số biện pháp tổ chức đã tiến hành có tác động nhất định trong việc kiểm tra, kết luận, xử lý và kết án một số quan chức cấp trung trong một số vụ tham nhũng kinh tế.
Nhưng lực lượng chống tham nhũng vẫn không chiếm ưu thế. Đó là vì ngoài một số biện pháp tổ chức, thì chưa có chuyển biến gì đáng kể trong việc khắc phục những yếu tố tạo ra môi trường tham nhũng (cơ sở kinh tế, thể chế chính trị, chế độ quản lý, công tác cán bộ...), hoặc thúc đẩy những động lực và sức mạnh chống tham nhũng (tổ chức kiểm soát quyền lực, vai trò của nhân dân và truyền thông...).
Quy mô, tính phổ biến, sự liên kết giữa các thế lực tham nhũng đã lớn đến mức khiến cho mọi cách tiếp cận rụt rè, né tránh động chạm tới các cấp cao nhất, né tránh đề cập các vấn đề cơ bản nhất của thể chế và chế độ quản lý đều không thể mang lại kết quả. Một số kết quả cục bộ của những hoạt động tập trung, ồn ào một lúc, có thể bị xóa đi nhanh chóng trong làn sóng phản công sau đó của các thế lực tham nhũng. Với tính phức tạp, gay gắt, sống còn trong cuộc đấu tranh này, các biện pháp như phê bình, tự phê bình, đóng cửa bảo nhau... chỉ có tác dụng rất hạn chế.
Bùi Đức Lại
Còn tiếp