- Nhấn mạnh việc tổ chức tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ do lực lượng chuyên trách của quân đội thực hiện theo quy định pháp luật, Thiếu tướng Trần Văn Minh cho hay việc xã hội hóa công tác này không có nghĩa cho phép tự tổ chức lực lượng cất bốc, muốn đào thì đào.
Một hội nghị trực tuyến toàn quốc quy mô nhằm triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày mai (20/12) do Bộ Quốc phòng tổ chức, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
75 điểm cầu kết nối từ Hà Nội đến toàn bộ các quân khu, quân đoàn trên cả nước, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu lớn nhất đó là thảo luận việc tăng cường lãnh đạo, tập trung nhân lực đẩy nhanh thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo tinh thần Chỉ thị và Quyết định nêu trên.
Hơn 200 nghìn hài cốt chưa được quy tập
Theo Thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị), Ủy viên Ban chỉ đạo quốc gia 1237, cho đến nay, lực lượng quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của quân đội Nhà nước đã tìm được 939.462 hài cốt liệt sĩ, an táng tại 3.077 nghĩa trang liệt sĩ. Dù vậy, số lượng liệt sĩ chưa tìm được để đưa vào nghĩa trang còn lớn, hơn 200 nghìn hài cốt.
"Không chỉ là mong mỏi da diết của thân nhân gia đình liệt sĩ, vấn đề tìm mộ liệt sĩ thời gian qua trở thành vấn đề bức xúc của xã hội do những tác động phức tạp của việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngoài kênh nhà nước như ngoại cảm, tâm linh..." - ông cho hay.
Thiếu tướng Minh phân tích, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị quân đội đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nhân lực thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, hệ thống văn bản và các kế hoạch triển khai ngày càng cụ thể, thiết thực. Nhà nước đã đầu tư trang bị, phương tiện, kinh phí phục vụ công tác này.
Thiếu tướng Trần Văn Minh. Ảnh: Linh Thư |
Tuy nhiên, do chiến tranh kéo dài, ác liệt, địa bàn rộng, phức tạp, sự hy sinh đa dạng, hồ sơ, tài liệu lưu trữ về liệt sĩ, mộ liệt sĩ hạn chế, việc chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh thiếu thốn, bom đạn địch cày xới nhiều lần, sơ đồ mộ chí không được lập đầy đủ hoặc thất lạc, điều kiện tự nhiên, địa hình thay đổi...khiến nhiều phần mộ mất dấu tích khó xác định.
Trong khi đó, thời gian chiến tranh đã lùi xa, nhân chứng đa số tuổi cao, trí nhớ giảm dần, hầu hết mộ liệt sĩ còn lại phải tiếp tục tìm kiếm, quy tập đều thiếu nhiều thông tin, rải rác, phân tán nên việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ khó khăn hơn.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, vấn đề tìm mộ liệt sĩ bằng tâm linh, ngoại cảm, tự tổ chức tìm kiếm, trong khi chưa đủ căn cứ kết luận khoa học về vấn đề này, đã làm phức tạp thêm công tác quản lý, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.
Những vấn đề nêu trên sẽ được đề cập tại hội nghị trực tuyến toàn quốc cuối tuần này. Theo Thiếu tướng, mục tiêu đặt ra đến năm 2015 sẽ tìm được thêm 10 nghìn hài cốt và đến 2020 sẽ tìm kiếm được phần lớn số hài cốt liệt sĩ.
Nhiều vụ ngoại cảm lừa đảo
Trao đổi thêm xung quanh vấn đề tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm, tâm linh, Thiếu tướng Minh cho hay trong thực tiễn hoạt động của lực lượng chuyên trách quân đội về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, cơ quan chức năng cũng đã không ít lần gặp những trường hợp lừa đảo, nhà ngoại cảm rởm, không chỉ một số vụ như vụ cậu Thủy mà báo chí phát hiện thời gian qua.
Thưa ông, đã có thống kê, đánh giá nào về phương pháp tìm mộ ngoại cảm, tâm linh như tỷ lệ chính xác, hiệu quả của nó?
Bộ trưởng Quốc phòng đã từng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về quan điểm về tìm mộ bằng ngoại cảm. Hồi đầu năm, tại hội nghị của ngành lao động thương binh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ yêu cầu tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ phải đảm bảo khoa học, không dựa vào ngoại cảm.
Từ thực tế quản lý của mình, chúng tôi cho rằng ngoại cảm chỉ có thể hiểu là một loại thông tin ban đầu, chứ không phải là thông tin dẫn dắt thẳng đến việc tìm kiếm, nên không chính xác được. Các đồng chí ở tỉnh đội Quảng Trị từng phát hiện mấy vụ ngoại cảm lừa đảo. Họ cung cấp thông tin, vị trí chôn cất nhưng khi xác minh hồ sơ rõ ràng là lừa đảo thì nhà ngoại cảm bỏ trốn...
Công tác xã hội hóa tìm mộ liệt sĩ thời gian qua nảy sinh vấn đề, một số vụ lừa đảo như cậu Thủy rất nóng trên truyền thông. Quan điểm của Ban chỉ đạo về triển khai công tác xã hội hóa tìm mộ liệt sĩ ra sao?
Nghị định 31, Quy định 137, Thông tư 214....những văn bản quy định pháp luật ban hành khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, hỗ trợ về trang bị phương tiện và tham gia tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ.
Nhưng đồng thời cũng quy định rõ việc tổ chức tìm kiếm quy tập cất bốc là lực lượng chuyên trách của quân đội, không ai được phép tổ chức lực lượng cất bốc. Mọi thông tin cung cấp từ xã hội và đều phải được xử lý, so sánh, đối chiếu, xác minh, kết luận trước khi đưa ra kế hoạch để tìm kiếm cất bốc.
Chứ không phải xã hội hóa là anh muốn đi đào thì đào. Ai tự đi đào là vi phạm pháp luật. Xã hội hóa về tìm kiếm quy tập là ai có thông tin thì cung cấp cho các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm để xác minh, xử lý. Các tổ chức cựu chiến binh Mỹ cũng cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin mộ hy sinh tập thể nhưng cũng phải kiểm tra, kiểm chứng rất nhiều. Và tỷ lệ thành công rất khiêm tốn.
Nói vậy để thấy rằng, thông tin là quý giá và chúng tôi vô cùng trân trọng. Nhưng không phải cứ có thông tin là đi thẳng đến tìm điểm ngay lập tức, mà phải kiểm tra xác minh đối chiếu rất nhiều khâu và vô cùng kỳ công. Xã hội hóa là để vận động nhiều nguồn, nhiều thông tin, càng nhiều nguồn thì càng tốt để khớp nối, giúp việc tìm kiếm tốt hơn.
Vậy bây giờ, với những gia đình liệt sĩ nhận giấy báo tử, chưa tìm được hài cốt thì nên bắt đầu từ đâu thưa ông?
Căn cứ vào hồ sơ tài liệu trong chiến tranh, chúng tôi đã lưu trữ quản lý trên hệ thống thông tin điện tử 700 nghìn hồ sơ liệt sĩ. Đó là những hồ sơ quý giá khi ghi rất rõ đơn vị, cấp bậc, chức vụ, ngày tháng năm hy sinh, đơn vị hy sinh, nơi an táng, có cả bố mẹ, anh chị em, người thân trong hồ sơ ấy.
Hiện nay hồ sơ này chúng tôi đã chuyển về các tỉnh đội. Nếu mà để lại toàn bộ trên trung ương thì áp lực và có lẽ không thể làm nổi. Vậy thì việc đầu tiên là đến cơ quan tỉnh đội để tra xem hồ sơ xem có không.
Thực sự số lượng còn sót chưa đưa vào được hồ sơ trữ liệu cũng đang còn khá lớn. Chúng ta có 1 triệu 140 ngàn liệt sĩ, nhưng chúng tôi mới mã hóa được hồ sơ của 700 trường hợp, trong đó có trường hợp trùng.
Nếu rơi vào trường hợp chưa được mã hóa hồ sơ thì gia đình thân nhân cùng phối hợp cơ quan chức năng để tìm đồng đội cũ, lực lượng cựu chiến binh, những thư từ, giấy tờ liên quan..để xác minh hồ sơ, qua đó thiết lập phương án tìm kiếm.
Linh Thư - Hồng Nhì