Thủ tướng dứt khoát yêu cầu không thể có chuyện doanh nghiệp nói "địa phương cứ đồng ý đi, rồi tôi chạy TƯ”. Giờ theo luật Đầu tư công siết lại, quản lý chặt.

Đề xuất bố trí vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh triển khai dự án cơ sở hạ tầng, giao thông vốn đang bị đình, hoãn, giãn tiến độ là nội dung hầu như lãnh đạo địa phương nào cũng phát biểu ở hội nghị trực tuyến của Chính phủ triển khai nghị quyết Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014, ngày 23-24/12.

QH không duyệt thì đòi cũng chịu

Hơn một ngày lắng nghe các kiến nghị với một loạt các dự án, danh mục cơ sở hạ tầng cụ thể ở từng địa phương, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tham gia ý kiến phản hồi “rất thông cảm” vì địa phương nào cũng khó khăn. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm được ông điểm mặt đang bị tắc như cảng quốc tế Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Như Cương, quốc lộ 27, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn…

Dù rất chia sẻ với địa phương về nhu cầu cấp thiết nâng cấp, đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Thăng cũng đề nghị địa phương “chia sẻ” với TƯ vì việc phê duyệt ngân sách bố trí vốn đều phải theo danh mục Quốc hội phê chuẩn, có đề nghị nữa thì Bộ Kế hoạch - Đầu tư “cũng chịu”.

{keywords}

Ảnh: Linh Thư

Tuy nhiên, có những dự án trọng điểm lớn có ngân sách TƯ hỗ trợ địa phương, ông kêu gọi địa phương phối hợp cùng với ngành giao thông giải phóng mặt bằng cũng như giám sát tiến độ...

Ông cũng phản ánh ở địa phương có nhiều dự án cơ sở hạ tầng lãng phí. Như khi kiểm tra đường vành đai biển ở Quảng Nam có những con đường rất rộng, 6 làn xe mà ít người đi. Vừa qua khi rà soát lại toàn bộ các dự án về phân kỳ đầu tư và giảm quy mô thiết kế nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu thì tiết kiệm được 35.000 tỉ đồng.

“Thiết kế vô cùng lãng phí” - Bộ trưởng Thăng nói.

Chia sẻ khó khăn về nguồn vốn bố trí với địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng phản ánh thực trạng còn lãng phí. Đó là các dự án hạ tầng được địa phương kêu gọi vốn theo hình thức BT. Đây là hình thức “vay nóng”, chỉ áp dụng khi hết sức cấp bách, tức Chính phủ cần ngay lập tức thì mới làm, “chìa khóa trao tay” rồi phải thanh toán.

Theo ông Vinh, thời điểm 2011 có những doanh nghiệp vay ngân hàng với lãi suất đến 17% để làm đường, có nghĩa số tiền làm 1 con đường giờ trở thành 2.

“Thế thì thà Chính phủ và địa phương làm luôn đi, vì đằng nào chẳng phải trả. Nên cần phải hết sức hạn chế hình thức BT. Trong dự thảo nghị định 108 sửa đổi, tôi đề nghị Chính phủ loại bỏ hình thức này. Trước ta làm BT chỉ trả bằng đất (dự án khác). Còn một dạng được quy định thứ hai là trả bằng tiền thì tôi đã trình lên không cho trả bằng tiền, vì họ cứ vay ung dung với lãi suất ngân hàng bao nhiêu cũng vay rồi cuối cùng cộng tất cả trong dự án thì đúng là 1 con đường thành 2” - ông Vinh nêu.

Địa phương duyệt dự án, TƯ chi không nổi

Nghe các bộ trưởng phản ánh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngắt luôn với thông điệp các bộ quản lý thống nhất quy hoạch, trên cơ sở đó huy động nguồn vốn bằng các hình thức đa dạng để đảm bảo đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Với những dự án giao thông có ngân sách TƯ hỗ trợ địa phương thì bộ phải cùng địa phương thống nhất thẩm định phê duyệt dự án, quy mô như thế nào để phù hợp với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu.

“Phải khắc phục tình trạng địa phương thì phê duyệt dự án, TƯ thì chi. Chi không nổi. Địa phương do yêu cầu muốn to lên, nhanh lên mà TƯ không có tiền dẫn đến nợ…Chứ giờ địa phương cứ phê duyệt, TƯ chi tiền rồi trả nợ là không nổi. Phải chấm dứt tình hình này” - Thủ tướng nói.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Làm sao đầu tư phải có hiệu quả. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng nhấn mạnh với dự án làm bằng hình thức BT, nguyên tắc nếu nguồn vốn của tỉnh, thành phố nằm trong BT, thì thành phố, địa phương cứ quyết định. Nhưng BT mà nguồn vốn TƯ thì phải thẩm định, phê duyệt sự cần thiết của dự án, rồi quy mô, phân kỳ đầu tư.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải chấm dứt tình trạng DN chạy vốn.

“Không thể có chuyện doanh nghiệp cứ nói “địa phương cứ đồng ý đi, rồi tôi chạy TƯ”. Giờ phải dứt khoát theo quy hoạch, theo luật Đầu tư công siết lại. Giờ phải cố gắng quản lý chặt để TƯ và địa phương có trách nhiệm phối hợp với nhau, đầu tư có hiệu quả” - Thủ tướng yêu cầu.

Ông cũng nêu trong bối cảnh đất nước còn nghèo, những dự án như quy hoạch đường 6 làn xe, lưu lượng xe đi chưa nhiều trong khi có những dự án vốn chưa có, phải căn cơ, co kéo các nguồn từ các nơi, thì trong những trường hợp đó dự án cứ giữ đất còn hơn.

“Ta cần phải khắc phục, làm sao đầu tư có hiệu quả" - Thủ tướng nói.

Linh Thư