- Chính phủ sẽ kịp thời xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật để triển khai các quy định của Hiến pháp sửa đổi như quy định về thăng, giáng cấp tướng, trình tự, thủ tục nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo tại phiên họp Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật sáng 25/12 về việc triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi 2013 thuộc trách nhiệm Chính phủ. Một trong những nội dung là tổ chức xây dựng các dự án luật, pháp lệnh.
Ảnh: Linh Thư |
Cụ thể, sẽ sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức Chính phủ và ban hành luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Kịp thời xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật để triển khai các quy định của Hiến pháp sửa đổi như quy định về thăng, giáng cấp tướng, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...
Ngoài ra, sẽ xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm trình của Chính phủ quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương...
Chính quyền địa phương
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, các điểm mới về chính quyền địa phương trong Hiến pháp sửa đổi là cơ sở để phân cấp quản lý hợp lý hơn, tăng cường tính chủ động, sáng tạo, dân chủ và tính trách nhiệm trong hệ thống hành chính nhà nước nói chung, từng cấp chính quyền địa phương nói riêng, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện chức năng thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia. Đây cũng là cơ sở hiến định để xây dựng mới luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cụ thể, Hiến pháp sửa đổi quy định mở về "đơn vị hành chính tương đương" quận, huyện, thị xã tại thành phố trực thuộc trung ương (làm cơ sở cho việc thực hiện thí điểm chính quyền đô thị tại TP.HCM), bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập và hiến định nguyên tắc "việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định".
Hay quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương là "tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên", "nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương"...
Linh Thư