- Hội nghị tổng kết 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014 của Bộ Thông tin & Truyền thông diễn ra hôm nay (26/12) tại Hà Nội.

Báo cáo của Bộ TT&TT chỉ ra trong năm 2013, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử đã tham gia tích cực tuyên truyền các hội nghị Trung ương 7 và 8 của Đảng, các kỳ họp 5 và 6 của Quốc hội, đặc biệt là các hoạt động lập pháp quan trọng như sửa đổi Hiến pháp và luật Đất đai.

Nghị quyết trung ương IV về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay được tuyên truyền đậm nét trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, báo chí nói chung đã thông tin kịp thời, sâu rộng các vấn đề xã hội như các kỳ thi thi tốt nghiệp, đại học, giá cả, xăng, dầu, điện, lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội...

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Đặc biệt, ngành đã làm tốt công tác thông tin toàn diện về bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Trong đó, nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam.

Bộ TT&TT đã có chương trình phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong công tác thông tin - tuyên truyền và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới giai đoạn 2010-2020.

Cùng với việc điều tra, khảo sát hệ thống tài liệu bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo, Bộ đã tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử tại 5 địa phương. Bộ cũng khánh thành cụm thông tin đối ngoại thác Bản Giốc, Cao Bằng và các cụm thông tin đối ngoại cửa khẩu Tây Ninh, Quảng Bình, Lào Cai.

Lĩnh vực xuất bản tham gia bằng việc đẩy mạnh các xuất bản phẩm bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới, hải đảo, khẳng định vị trí pháp lý của lãnh thổ đất nước đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời giáo dục, bồi dưỡng và tăng cường tinh thần yêu nước.

Ngành bưu chính phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Tổng cục Hải quan kịp thời cấm nhập khẩu bộ tem Trung Quốc phát hành về quần đảo Hoàng Sa.

Lĩnh vực viễn thông, Internet thực hiện nghiêm công tác quản lý, sử dụng và giữ chỗ tên miền liên quan đến chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ngành viễn thông cũng tổ chức các chương trình nhắn tin ủng hộ đồng bào, chiến sĩ vùng biển đảo, thiên tai lũ lụt.

Các địa phương cũng chú ý chấn chỉnh hoạt động xuất bản, in, phát hành các ấn phẩm thể hiện bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong năm 2014, Bộ TT&TT nhấn mạnh việc thông tin bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm.

Quản lý Internet để khắc phục xu hướng lá cải

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, hiện cả nước có 838 cơ quan báo chí, trong đó có 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp.

Một trong những vấn đề nổi cộm của loại hình báo chí mới này là xu hướng chạy theo việc đưa tin giật gân, câu khách, thậm chí sai sự thật, mà theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói khi trả lời chất vấn trước QH kỳ họp vừa rồi là "xu hướng lá cải".

Biện pháp khắc phục mà Bộ đưa ra là đẩy mạnh quản lý nhà nước về báo chí: tăng cường phổ biến Quy chế phát ngôn và thông tin cho báo chí, khắc phục hiệu quả hiện tượng, tình trạng một số báo xa rời, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; chấn chỉnh việc thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, không phục vụ lợi ích đất nước, nhân dân.

Bộ TT&TT cũng nhận định các thế lực thù địch vẫn tăng cường lợi dụng môi trường mở của Internet để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước. Việc này diễn ra thường xuyên, liên tục trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Việc quản lý các trang mạng xã hội, blog cá nhân, trang tin điện tử đặt máy chủ ở nước ngoài cũng gặp khó khăn.

Do đó cần từng bước đưa công tác quản lý thông tin trên Internet, đặc biệt trên các trang thông tin điện tử, blog, mạng xã hội vào nền nếp, Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Chiều nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ dự hội nghị.

Chung Hoàng