Hầu hết các chiến hạm nổi hiện đại của Trung Quốc được trang bị động cơ diesel
do Đức và Pháp thiết kế. Các tàu khu trục Trung Quốc có hệ thống định vị, trực
thăng chống ngầm và tên lửa đất đối không của Pháp.
Tàu ngầm lớp Tống của Trung
Quốc. Ảnh: wordpress
Trên chiến trường, PLA sở hữu máy bay chống hạm, máy bay ném bom động cơ Anh.
Các máy bay do thám mới nhất của Trung Quốc trang bị hệ thống cảnh báo sớm của
Anh. Một số trực thăng vận chuyển và tấn công tốt nhất của nước này trông chờ
vào các thiết kế từ Eurocopter, chi nhánh tập đoàn quốc phòng khổng lồ EADS,
châu Âu.
Nhưng có lẽ khí tài chiến lược nhất mà Trung Quốc có từ công cuộc mua sắm với
châu Âu lại nằm ở dưới nước: các động cơ diesel của Đức trang bị cho tàu ngầm.
Cạnh tranh với các cường quốc trỗi dậy của thế kỷ trước - Đức, Nhật và Liên Xô -
Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh bao gồm các tàu nội địa
lớp Tống và Nguyên. Trái tim của những tàu ngầm này chính là động cơ do hãng MTU
Friedrichshafen GmbH, Đức thiết kế. Cùng với 12 tàu ngầm lớp Kilo hiện đại nhập
khẩu từ Nga, 21 tàu Đức là xương sống của lực lượng tàu ngầm thông thường hiện
đại mà Trung Quốc nắm giữ.
Với việc không ngại ngần phô trương sức mạnh ở vùng tranh chấp Biển Đông và Hoa
Đông, các tàu ngầm diesel Trung Quốc sẽ mối đe doạ lớn nhất mà PLA thách thức
với đối thủ Mỹ, Nhật Bản. Khả năng này được gây dựng và phát triển nhanh chóng
dựa vào công nghệ động cơ đáng tin cậy từ Đức - thành viên chủ chốt trong khối
Bắc Đại Tây Dương mà Mỹ dẫn đầu.
Dữ liệu giao dịch vũ khí từ Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI)
cuối năm 2012 cho biết, 56 động cơ MTU thiết kế cho tàu ngầm được cung cấp cho
hải quân Trung Quốc. “Đó là những động cơ diesel tàu ngầm hàng đầu thế giới”,
nhà thiết kế động cơ kỳ cựu Hans Ohff, nguyên quản lý Tập đoàn tàu ngầm
Australia nói.
Thị trường quân sự Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, việc PLA phụ thuộc vào công nghệ vũ khí
nước ngoài đã bị phóng đại. “Theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc cũng tham gia và
hợp tác với một số nước ở lĩnh vực phát triển các loại vũ khí. Một số người đã
chính trị hoá hợp tác thương mại thông thường của Trung Quốc với nước ngoài, bôi
xấu danh tiếng chúng tôi”.
Việc chuyển giao công nghệ phương Tây cho quân đội Trung Quốc có ghi trong dữ
liệu của SIPRI, những con số giao dịch vũ khí chính thức của EU và báo cáo công
nghệ trong những ấn phẩm quân sự Trung Quốc. Nỗ lực chuyển giao rất quan trọng
với PLA khi họ xây dựng hỏa lực để củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại
những lãnh thổ hàng hải tranh chấp, thách thức ưu thế hải quân Mỹ và đồng minh ở
châu Á.
Trung Quốc giờ đây là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ
và có thị trường quân sự phát triển nhanh nhất.
Một số nhà phân tích quân sự vẫn hoài nghi về chất lượng khí tài quân sự Trung
Quốc. Họ cho rằng, động cơ và công nghệ của PLA đang kết hợp từ châu Âu và Nga
khó theo kịp các thiết bị hiện đại nhất trong quân đội Mỹ và đồng minh châu Á
gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Nó khiến PLA tụt hậu khoảng một thế hệ và
vất vả trong việc tương tác giữa các nhà cung cấp khác nhau.
Những người khác thì phản bác rằng, Trung Quốc không cần theo kịp mọi loại vũ
khí tinh vi mà Mỹ và đồng minh sở hữu. Thậm chí kể cả khi họ triển khai khí tài
thua kém hơn thì Bắc Kinh cũng có thể đạt được mục tiêu chiến lược là làm suy
yếu sức mạnh Mỹ.
Hạn chế của cấm vận
Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí và hỗ trợ công nghệ bên ngoài quan trọng nhất
của Trung Quốc. Con tàu duy nhất và nổi tiếng của hải quân Trung Quốc - tàu sân
bay Liêu Ninh - được mua từ Ukraine. Mới đây, một tàu hải quân Mỹ gần va chạm
với tàu chíên Trung Quốc khi đang tập trận gần Liêu Ninh vào đúng thời khắc căng
thẳng khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông.
Liên minh châu Âu có lệnh cấm vận vũ khí chính thức với Trung Quốc sau sự kiện
Thiên An Môn. Tuy nhiên, lệnh cấm vận này giờ đây được giải thích và thực thi
một cách lỏng lẻo. Vì thế, vũ khí và có lẽ quan trọng hơn với PLA là công nghệ
đã nhanh chóng đã liên tục chảy từ những đồng minh châu Âu của Mỹ tới Trung Quốc.
Các nhà sản xuất vũ khí EU được cấp phép xuất khẩu vũ khí trị giá gần 3 tỉ euro
(4,1 tỉ USD) sang Trung Quốc trong 10 năm tính đến 2011 (con số chính thức của
Chiến dịch chống buôn bán vũ khí tại London). Nhiều chính phủ EU đã phê chuẩn
việc bán máy bay, tàu chiến, thiết bị hình ảnh, xe tăng, tác nhân hoá học, đạn
dược.
Michael Mann, một phát ngôn viên EU tại Brussels, khẳng định, lệnh cấm vận vũ
khí đưa ra tháng 6/1989 “không đề cập tới hàng hoá hai mục đích sử dụng”. Nó phụ
thuộc vào từng quốc gia thành viên kiểm soát loại hàng hoá này.
Pháp và Anh hiện tại phần lớn chỉ ngăn chặn xuất khẩu hệ thống vũ khí gây chết
người hoặc toàn diện. Theo các chuyên gia, với PLA, việc chuyển giao thiết bị
hai mục đích sử dụng chắc chắn có giá trị hơn những loại vũ khí thực tế mà châu
Âu đã chuyển giao. Nhưng thực sự rất khó để đưa ra con số chính xác về giao dịch
giữa châu Âu và Trung Quốc.
* Còn nữa
Thái An (theo VOA)