- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các bộ ngành vẫn "giành" việc nhau nên khó giảm thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng.
>> Thủ
tục nhiều, đành ‘sai luật để không sai hẹn’
>> Cởi
trói thủ tục
Ảnh: Chung Hoàng |
Ngay cả khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngồi lại với lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, chiều 2/1 để thảo luận việc cải cách TTHC, các bên vẫn không thể thống nhất quan điểm.
Theo Thứ trưởng KH-ĐT Đặng Huy Đông, việc cấp giấy phép đầu tư nên để ngành ông làm đầu mối một cửa tiếp nhận hồ sơ chứ không phải cơ quan quản lý đất đai. “Riêng các khu đất vàng, có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm thì phải có quy trình đấu giá”, ông Đông kiến nghị.
Thứ trưởng TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển nêu ngay băn khoăn về thủ tục cấp giấy phép đầu tư đang mâu thuẫn với thủ tục đất đai. “Có những trục trặc như muốn thu hồi đất sai phạm phải thu hồi cả giấy phép đầu tư, hoặc giấy phép đầu tư là 50 năm nhưng mấy năm sau mới được giao đất thì tính từ lúc nào…”, ông Hiển đặt câu hỏi về sự cần thiết của giấy phép đầu tư, thậm chí đề nghị bỏ vì doanh nghiệp nào cũng có giấy đăng ký kinh doanh.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phản biện: Hai loại giấy có bản chất, nội hàm, chức năng khác nhau. “Giấy phép đầu tư với cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đều là do nhu cầu của họ để bảo vệ dòng tiền đầu tư, hưởng các ưu đãi về thuế, là cơ sở để huy động vốn ngoài…, chứ không phải thủ tục do Bộ KH-ĐT đặt ra”.
Bộ KH-ĐT và Bộ Xây dựng cũng có “va chạm” khác mà hai bên đều bảo lưu quan điểm. Thứ trưởng Đặng Huy Đông nêu: Rất mừng khi theo luật Đất đai sửa đổi, nhà nước sẽ lo hết thủ tục về đất đai để có đất sạch cho nhà đầu tư, nhưng không biết bao giờ mới làm được.
“Ngay các thành phố lớn đầy đủ tiềm lực và con người mà còn chưa làm xong quy hoạch sử dụng đất tỉ lệ 1:500 vì thiếu tiền thì các tỉnh bao giờ mới có. Nhưng Bộ Xây dựng vẫn đưa yêu cầu này, khiến nhà đầu tư phải ‘chạy’ để có được bản vẽ”, ông Đông chỉ ra.
Thứ trưởng Xây dựng Bùi Phạm Khánh bảo vệ quy định này: Quy hoạch 1:500 là cơ sở cấp phép xây dựng, vì phải chi tiết như vậy mới tránh được sai lệch, một hai mét đã là rất nhiều.
“Đây là vấn đề kỹ thuật chứ không phải thủ tục. Muốn có bộ mặt đô thị đẹp, trật tự thì không thể không có quy hoạch này, đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở địa phương”, ông Khánh nói.
Giữa địa phương và các bộ ngành cũng có bất đồng. Như Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ung Thị Xuân Hương nêu, có những dự án, công trình thành phố mãi không cấp phép được vì chờ thẩm tra của các bộ ngành cả 5 tháng không có câu trả lời.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thì chỉ ra “cái mũ” gồm 5 luật, 10 nghị định và số lượng lớn các văn bản cấp bộ liên tục ra đời và thay đổi. “Chỉ cần rà soát tất cả các quy định này, làm gọn lại, tránh chồng chéo, nhà đầu tư và nhân dân sẽ bớt kêu ca”, ông Sửu nói.
Nhận định tình huống này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bộ ngành nào cũng “phòng xa” cho việc quản lý của mình nên đưa ra cả rừng thủ tục. “Các cơ quan vẫn còn ‘giành’ việc, ôm đồm, sợ mất quyền, tư tưởng cái gì cũng phải qua tôi”.
Do đó, ông yêu cầu các bộ ngành liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng cùng nhau rà soát, thống nhất một đầu mối, với tinh thần cắt bỏ chứ không thêm thủ tục.
Nhưng Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường góp ý: Việc rà soát phải do Chính phủ điều phối chứ “bộ nào rà thì sẽ nghiêng về bộ đó”. Phó Chủ nhiệm VPCP Trương Quang Lục ủng hộ tăng cường hậu kiểm để “cắt bỏ tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm”.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành nhận thức rõ nhiệm vụ để làm quyết liệt vì nhân dân và doanh nghiệp kêu ca nhiều: “Thủ tục chính là thể chế, và thể chế đang ràng buộc phát triển, các nhà đầu tư vừa mất thời gian, chi phí mà còn mất cả thời cơ kinh doanh vì thủ tục”.
“Phải giải phóng được các nguồn lực xã hội, đồng thời có những công cụ quản lý hiệu quả, cơ chế phải thoáng nhưng không để quá thoáng mà rối loạn xã hội”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng việc cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng sẽ giúp môi trường kinh doanh đến cuối năm sẽ tốt hơn hiện nay.
Chung Hoàng