Chiều 3/1, Ban Kinh tế TƯ có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM, để đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020; kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP về tình hình KT-XH nhiệm kỳ 2010-2015, 3 năm (2011 - 2013), kế hoạch phát triển 2014; tình hình thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế trên địa bàn thành phố.
|
Đánh giá tình hình KT-XH TP 3 năm qua, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết: tổng sản phẩm nội địa TP (GDP) năm 2013 ước tăng 9,3%, cao hơn so năm 2012; dự kiến bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 9,6%/năm, xấp xỉ 1,7 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, từ mức năm 2011 tăng 15,86% đến năm 2013 chỉ tăng 5,1%, bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 6,9%/năm, bằng 0,75 lần mức tăng CPI cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, theo hướng giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. GDP bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 4.513 USD, bằng 1,4 lần so với cuối 2010. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2013 ước đạt 229.514 tỷ đồng, tăng 8,23% so với năm 2012.
Về các chỉ tiêu chủ yếu hai năm 2014 - 2015, TP.HCM đề ra tốc độ tăng trưởng GDP đạt 10,5% - 11%/năm... Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống) và tỷ lệ hộ cận nghèo (21 triệu đồng/người/năm) còn dưới 3% tổng số hộ dân TP.
Bí thư Thành ủy đề nghị với Bộ Chính trị và các cơ quan TƯ tăng cường tạo điều kiện cho thành phố được chủ động hơn trong xây dựng và áp dụng cơ chế, chính sách mới để thu hút đầu tư, tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Kiến nghị Ban Kinh tế TƯ nghiên cứu 5 quyết sách chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, giúp TP ngày càng đóng góp nhiều hơn cho cả nước: nghiên cứu việc huy động nguồn lực vốn đầu tư xã hội cho phát triển, nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tư vấn các giải pháp phối hợp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trưởng Ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ gợi ý, TP cần tiếp tục bám sát các mục tiêu theo nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng cao, phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng... TP cùng các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để sớm hình thành trung tâm tài chính, gắn với kinh tế tri thức, nguồn nhân lực kỹ thuật cao...
Ông Huệ khẳng định, Ban Kinh tế TƯ sẽ theo dõi, bám sát những đề xuất, kiến nghị của Thành ủy TP.HCM, sớm triển khai 5 lĩnh vực mà Bí thư Thành ủy đã nêu, đồng thời đề nghị hai bên cần phân công các bộ phận thường trực để phối hợp chặt chẽ với nhau.
Nguyễn Thanh Liêm