- Dù nhắc đến nhiều mảng tối trong đầu tư, tăng trưởng, phần trao đổi dài hơn 2h sáng nay của Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh được các đại biểu dự hội nghị UB TƯ MTTQ Việt Nam liên tục vỗ tay.

'Cứ thế này thì vỡ nợ'

Sáng 13/1 tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị lần thứ 7 UB TƯ MTTQ Việt Nam. Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh được mời đến để nói về tình hình kinh tế đất nước.

Vấn đề đầu tư công được ông đề cập trong phần trả lời ĐB MTTQ TP.HCM. Theo ông Vinh, kiểm soát đầu tư công là rất cần thiết, bởi vừa đầu tư quá mức lại vừa không hiệu quả.

{keywords}
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Chắc chắn phải đổi mới theo hướng thị trường hóa


“Mới làm Bộ trưởng 3 ngày thì tôi triệu tập cuộc họp để xây dựng một chỉ thị thay đổi toàn diện vấn đề đầu tư công, vì nếu tiếp tục để thế này thì đất nước sẽ vỡ nợ. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tôi không dám công bố với các vị số nợ là bao nhiêu. Nợ của những dự án đang dở dang vô cùng lớn, đã đến lúc cần thay đổi mặc dù các địa phương, bộ, ngành rất khó chịu” - ông Vinh nói.

Là người có “thâm niên” lãnh đạo địa phương, ông Vinh nói “TƯ phân bổ thế nào, địa phương chạy chọt thế nào tôi biết hết”.

Vì “quá hiểu” nên khi làm Bộ trưởng, ông Bùi Quang Vinh đã cho xây dựng và sau đó Thủ tướng ban hành chỉ thị 1792 có thể coi là “cứu cánh cho nguy cơ vỡ nợ của Việt Nam”. Chỉ thị này không cho phép bộ trưởng và chủ tịch tỉnh được ký một công trình nào nếu như không biết có bao nhiêu tiền và không biết nguồn tiền được lấy từ đâu ra. Người ký phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự nếu tính toán sai.

Theo ông Vinh, chỉ thị này được viết chỉ trong một tháng nhưng là cuộc chiến trong Bộ KH-ĐT. Có người bảo Bộ trưởng lấy đá ghè chân mình, các địa phương sẽ “gạch cổ” Bộ trưởng trước, rồi Chính phủ có thể không đồng ý. Làm thế này công khai, minh bạch quá thì không ai đến Bộ KH-ĐT nữa.

“Tôi nói rằng đất nước này cần công khai minh bạch và không được có tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm cho đất nước này 'chết' nhanh chóng nhất. Công việc này vô cùng khó khăn, động chạm đến rất nhiều người vì làm họ mất rất nhiều quyền. Nhưng phải làm, nếu QH, Chính phủ bỏ phiếu bất tín nhiệm tôi tôi cũng vui vẻ vì không có gì để mất”, ông Vinh nói.

Bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực

Theo ông Vinh, thế giới đánh giá Việt Nam đã chọn đúng vấn đề để cải cách, đột phá, gồm: thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Ông cho rằng trong ĐH Đảng 12 sắp tới cần đặc biệt xem xét đổi mới thể chế kinh tế là đổi mới cái gì, chọn giải pháp nào.

{keywords}
Đại biểu MTTQ vây quanh Bộ trưởng Bùi Quang Vinh sau phần nói chuyện của ông


Ông Vinh bày tỏ “chắc chắn phải đổi mới theo hướng thị trường hóa”, theo đó không áp đặt những ý muốn chủ quan mà phải tuân theo quy luật thị trường, mọi thành phần kinh tế đều phải được tiếp cận nguồn lực của đất nước một cách công bằng, bình đẳng.

“Đó là quy chế để làm ra thể chế. Không phải cứ phân bổ để mấy ông DNNN chiếm hết tất cả. Các quặng apatit do tổng công ty Hóa chất quản lý, không ai được động đến. Rất nhiều DN tư nhân gặp tôi bảo tôi làm tốt hơn, cho tôi quản cái mỏ này, tôi bảo: “Tôi bó tay, không thể làm được”. Dầu khí do ông dầu khí giữ, điện ông điện giữ... Ông giữ hết nhưng chắc gì ông đã làm tốt hơn? Tiếp cận nguồn lực phải công bằng, ai làm tốt nhất sẽ được làm để mang lại lợi ích cho đất nước”, ông Vinh thẳng thắn.

Nói đến các tập đoàn, DNNN, ông Vinh thông tin: Đến thời điểm này tất cả đã xong phương án cổ phần hóa. Thủ tướng cũng đã quyết liệt yêu cầu từ nay đến 2015 các tập đoàn, DNNN phải cơ bản thoái vốn, cơ cấu lại. Trong cuộc họp mới đây với bên giao thông, Thủ tướng đã chỉ đạo nếu chủ tịch, TGĐ các tập đoàn, DNNN không chịu triển khai điều này sẽ cho nghỉ hết.

Cạn kiệt tài nguyên, tăng trưởng bằng gì?

Có 3 yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế: vốn, năng suất lao động và các chỉ tiêu tổng hợp (TFP). Để chứng minh nền kinh tế Việt Nam mới chỉ tăng trưởng chủ yếu trên bề rộng mà chưa tăng trưởng bền vững, ông Bùi Quang Vinh dẫn ra một loạt con số:

Lao động của VN thời kỳ 2006-2011 đóng góp khoảng 25,81% vào tăng trưởng GDP, yếu tố vốn đóng góp 57,54%, còn TFP chỉ đóng góp 16,95%. Thậm chí có thời kỳ TFP đóng góp rất thấp. Năm 2008, lao động tác động đến tăng trưởng là 26,03%, vốn tới 87,87%% nhưng TFP chỉ có 13,6%.

Thực tế trên cho thấy nếu muốn tăng trưởng thì VN phải đổ vốn ra. Vì thế, năm 2008 VN đã đổ ra một lượng vốn khổng lồ (cả tín dụng lẫn đầu tư) nên tốc độ tăng trưởng cao song đến 2010 phải lĩnh hậu quả là lạm phát lên tới 18,13%.

Sự đóng góp rất hạn chế của yếu tố TFP cho thấy việc tăng trưởng hoàn toàn không do năng suất, hiệu quả của thể chế, khoa học công nghệ, quản trị mà chủ yếu phụ thuộc vào tăng quy mô nguồn vốn, số lượng lao động và lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác.

“Nhưng đến một ngày nào đó chúng ta sẽ hết tất cả dầu khí, không còn than hay quặng nữa. Lúc đó Việt Nam phát triển bằng gì? Sẽ in tiền à?”, Bộ trưởng KH-ĐT đặt câu hỏi.

Ông Vinh đồng thời đưa ra những thông tin đáng ngại: Đến 2020 VN sẽ phải nhập khẩu toàn bộ than nếu không khai thác than ở ĐB sông Hồng bởi than Quảng Ninh sắp hết. Nhưng nếu khai thác than ở ĐB sông Hồng thì chứa đầy rủi ro. Dầu khí đang giảm dần từ 20 xuống 18 rồi 17 triệu tấn/năm.

Trong vấn đề tăng trưởng bền vững, Bộ trưởng Vinh chú trọng đặc biệt đến nguồn lực con người vì tài nguyên thiên nhiên sớm muộn sẽ cạn kiệt. Nhiều nước dựa vào tài nguyên con người nhưng đã phát triển rực rỡ như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Cẩm Quyên - Ảnh: Minh Thăng