- Swiss Made nói về thành tựu
đáng kinh ngạc của các công ty toàn cầu đến từ Thụy Sỹ. Môi trường kinh tế đặc
biệt nào đã cho phép các công ty này vươn xa đến thế? Cuốn sách này mang lại đáp
án cho câu hỏi trên - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải viết lời ca ngợi cuốn sách
Swiss Made.
Swiss Made - Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất
nước Thụy Sỹ vừa được xuất bản và phát hành trên toàn quốc là một trong số ít
cuốn sách có tầm vóc để một lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ viết lời bình luận.
Tầm vóc của Swiss Made cũng như nội dung của nó có nhiều điểm tương đồng với
Quốc gia khởi nghiệp, câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel. Cả hai cuốn
sách đều nỗ lực đi tìm những yếu tố chính trị và văn hoá đã tạo điều kiện cho
những thành công phi thường về kinh doanh ở hai quốc gia Thụy Sỹ và Israel.
Kết quả tìm được của tác giả R.James Breiding trong Swiss Made và Dan Senor &
Saul Singer trong Quốc gia khởi nghiệp lại có những điểm tương đồng kỳ lạ. Hai
quốc gia nhỏ bé chỉ có trên dưới 7 triệu dân này lại có những hạt mầm chính
trị và văn hoá độc nhất vô nhị khiến cả hai trở thành những cường quốc xét về
khía cạnh kinh doanh.
Một góc Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: Hiền Anh |
Tại sao Thụy Sỹ, một quốc gia nhỏ bé, có tài nguyên nghèo nàn, không có đường bờ
biển, nằm lọt thỏm giữa các cường quốc Âu châu xung quanh, lại có số công ty
trong danh sách Fortune 500 trên đầu người lớn nhất thế giới, vượt xa cả Mỹ,
Nhật, Pháp, Đức? Tại sao Thuỵ Sỹ có tỷ lệ bằng phát minh cao nhất tính trên đầu
người và tỉ lệ người đoạt giải Nobel cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác? James
Breiding cho rằng không chỉ một yếu tố đơn lẻ mà nhiều yếu tố đã kết hợp nhuần
nhuyễn với nhau để tạo ra một thành quả phi thường. Tác giả nhóm các yếu tố này
thành 3 cấp độ: cá nhân, tổ chức kinh doanh và chính quyền.
Từ cấp độ cá nhân, thành công của kinh doanh phải xuất phát từ những doanh nhân
có tinh thần sáng tạo và chấp nhận rủi ro. Sự thành công của Thuỵ Sỹ được James
Breiding lý giải do tỉ lệ lớn các công dân nhập cư tới quốc gia này, khoảng một
phần ba dân số Thụy Sỹ có xuất thân là người nước ngoài. Lập trường chính trị
trung lập trong mọi cuộc xung đột của chính phủ Thụy Sỹ tạo điều kiện lý tưởng
để những người nhập cư khắp châu Âu chạy về đây và xây dựng những doanh nghiệp
của họ. Người dân nhập cư có một động lực khác thường so với người bản địa, họ
tự đấu tranh cho sự tồn tại của mình và chỉ nhận được sự tôn trọng khi đạt đến
thành công. Họ không phải canh cánh về quá khứ; họ chỉ cần tập trung cho tương
lai.
Những quốc gia có đa số dân nhập cư như Israel hay Hoa Kỳ cũng có động lực tương
tự, bởi người nhập cư tới vùng đất mới không nhìn thấy mình sẽ bị mất gì, mà
chỉ thấy mình sẽ thắng được gì
Quốc gia của người nhập cư là quốc gia của những
tay chơi khởi nghiệp, Dan Senor & Saul Singer viết trong Quốc gia khởi nghiệp.
Từ cấp độ môi trường kinh doanh,
tương tự Israel, nền kinh tế Thụy Sỹ dựa trên nền tảng tri thức và công nghệ. Tỉ
lệ phần trăm doanh thu của doanh nghiệp được đầu tư cho nghiên cứu và phát triển
(R&D) đứng thứ 6 trên thế giới. Thụy Sỹ hiểu rằng cải tiến công nghệ là chìa
khoá duy nhất đưa tới năng suất cao và tăng trưởng, góp phần thúc đẩy nền kinh
tế đi lên. Thêm nữa, xã hội Thụy Sỹ với thành phần dân số đa chủng tộc khiến tư
duy quốc tế của doanh nhân rất cao, thị trường nội địa lại quá nhỏ bé khiến họ
có tham vọng thường trực vươn ra toàn cầu. Các công ty Thụy Sỹ nổi tiếng trong
việc mua lại những doanh nghiệp có thương hiệu ở quốc gia khác nhưng tôn trọng
quyền tự chủ và văn hoá riêng biệt của họ. Tư duy toàn cầu hoá cộng với môi
trường chính trị trung lập của chính phủ Thụy Sỹ khiến các công ty mục tiêu đa
phần sẽ tự nguyện rơi vào tay một doanh nghiệp Thụy Sỹ hơn là chịu sự chi phối
của những tập đoàn lớn đến từ Mỹ, Đức hay Trung Quốc.
Từ cấp độ chính quyền, môi trường dân chủ và tự do ở cấp độ rất cao của Thuỵ Sỹ
mở đường cho thị trường tự do phát triển.
Thứ nhất, James Breiding khẳng định chính quyền Thuỵ Sỹ luôn quản lý ít nhất đối
với các doanh nghiệp, đây là tinh thần đặc trưng của khế ước xã hội theo đó
mỗi cá thế chỉ chấp nhận mức độ quản thúc nhỏ nhất và từ bỏ ít quyền tự do nhất.
Nhiệm vụ của chính phủ là đảm bảo an ninh, tạo ra luật lệ và duy trì công lý
trên toàn lãnh thổ để các doanh nghiệp tự do phát triển thay vì tìm cách làm
thay doanh nghiệp hay coi họ là đối tượng để tận thu. Ở Thụy Sỹ, chi phí quản
lý và thuế suất đều được cắt giảm tới mức thấp nhất.
Thứ hai, Thụy Sỹ có kết cấu liên bang và mỗi bang đều được trao quyền tự trị
thậm chí lớn hơn hẳn các tiểu bang ở Hoa Kỳ hay Canada. Cơ chế phân quyền triệt
để này dẫn tới các bang phải cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư và kích thích
tinh thần kinh doanh. Nếu thuế suất tại Zurich quá cao, doanh nghiệp có thể tìm
đến Zug hay Schwyz. Nhà cầm quyền từng bang có động lực phải đề ra các chính
sách có lợi nhất cho doanh nghiệp, nếu không chủ doanh nghiệp sẽ dễ dàng chuyển
hoạt động kinh doanh sang một nơi khác.
Thứ ba, Thụy Sỹ hoàn toàn trung lập với các cuộc chiến tranh ở châu Âu nên quốc
gia này không chỉ là nơi lánh nạn của nhiều thương gia mà còn là con lợn đất,
nơi doanh nhân ở châu Âu đổ tiền bạc vào do lo ngại lạm phát cao thời chiến
tranh và hậu chiến. Hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ nổi tiếng về tính bảo mật nhằm
bảo vệ những người nhập cư thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ mất sạch.
Thứ tư, Thụy Sỹ trung lập nhưng lại là quốc gia có lực lượng dân quân đông đảo
nhất thế giới. Môi trường quân đội đóng vai trò như nguyên khí quốc gia, nơi
dựng xây các mối quan hệ và là lò đào tạo nên các giám đốc tập đoàn. Thời gian
hoạt động trong quân ngũ đặc biệt quan trọng trong giai đoạn khởi nghiệp về sau
bởi những sỹ quan ưu tú của đất nước có thể kết nối với nhau thành các mạng
lưới quan hệ bền chặt. Yếu tố này đặc biệt giống với Israel, một quốc gia có
chính sách quân dịch bắt buộc mỗi năm một tháng cho các công dân nước mình.
Chính sách này tạo ra một xã hội xích lại gần nhau, nuôi dưỡng vô số mối quan
hệ ràng buộc hoàn toàn khác biệt, kéo dài cả đời người, những mối quan hệ đó là
tài sản vô giá cho các doanh nghiệp trong quá trình khởi nghiệp.
Swiss Made đã khẳng định không phải lợi thế về tài nguyên hay địa lý mà tri thức
đỉnh cao và môi trường kinh doanh hoàn hảo mới tạo ra mảnh đất cho thành tựu
kinh tế phi thường. Như Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam Andrej Motyl đã viết, cuốn
sách không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là vị quân sư và người cổ vũ tuyệt vời
cho doanh nhân Việt Nam, cũng như là cẩm nang cho những người ra quyết sách
trong Chính phủ.
Khánh Duy