- Một ngày cuối năm, ông đáp chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM, sau đó đón xe đến khu vực nghĩa trang Biên Hòa, tỉnh Bình Dương.
Trở về
Cuối 2007, ngay sau khi được bổ nhiệm làm quyền Chủ nhiệm UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nơi đầu tiên ông Nguyễn Thanh Sơn quyết định đi thị sát là nghĩa trang Biên Hòa.
Đi khắp nghĩa trang được quyết định “dân sự hóa”, ông Sơn châm bó nhang lớn rồi thắp trải đều trên ngôi mộ của những người lính tử trận. Cảm giác an tâm bao trùm trong ông khi toàn bộ nghĩa trang được Quân khu 7, Bộ Quốc phòng bàn giao để “dân sự hóa” nguyên vẹn, sạch sẽ, ngăn nắp.
“Từ tấm bia ghi tên người nằm xuống, cả chức vụ, cả đơn vị công tác như thiếu tá lữ đoàn dù nào, hay thiếu úy quân đoàn kia. Tất cả được quản lý ngăn nắp” - ông kể.
16 ngàn tử sĩ chế độ cũ được chôn cất tại nghĩa trang Biên Hòa. Ảnh: Thu Hà |
Một năm trước chuyến thị sát của ông Sơn, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương.
“Quyết định dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa của Thủ tướng khi đó là “điểm rơi” chuẩn xác trong nỗ lực hòa hợp dân tộc, hiện thực hóa nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác kiều bào, đoàn kết dân tộc” - Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nói với VietNamNet.
Kể từ quyết định đó, cho đến đầu 2008, toàn bộ nghĩa trang được chuyển cho dân sự hoàn toàn.
Khi bàn giao cho dân sự, nghĩa trang được tu bổ, sửa sang và mở cửa cho nhân dân, kiều bào vào thăm nom phần mộ của người thân. Họ được tận tay chăm sóc tu bổ, sửa sang phần mộ cho người thân nằm xuống, thăm viếng bình thường.
Hiệu ứng đầu tiên là xóa bỏ những “tin đồn” xấu. Ông Sơn trải nghiệm rõ chuyện này.
2009. Khi sang Paris (Pháp) để dự cuộc họp của UNESCO trong vai trò Chủ tịch UB quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Sơn tình cờ gặp những người gốc Việt làm việc ở tổng hành dinh của tổ chức này. Từ người bán căng tin, quét dọn, cho đến nhân viên làm trong các bộ phận chức năng.
Một người phụ nữ Pháp gốc Việt làm việc tại tổ chức ra e dè nói chuyện với ông. Trò chuyện qua lại ông mới biết chồng của người phụ nữ này từng là quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã mất.
Nhưng cả gia đình bà sau nhiều năm ra đi đau khổ vì chưa thể tiếp cận mộ của chồng mình được xếp táng trong nghĩa trang Biên Hòa. Nhiều thông tin của bạn bè gia đình ở Việt Nam báo sang tìm mộ rất khó, muốn thắp nhang cũng phải qua nhiều khâu phức tạp.
Ông Sơn ghi vào mẩu giấy số điện thoại cá nhân ở Việt Nam và thúc giục bà cùng gia đình sớm trở về để nhận mộ chồng với lời hứa sẽ không có bất cứ khó khăn nào.
“Tôi hứa sẽ đích thân đến sân bay hoặc cho xe đón gia đình nếu họ trở về. Chị chạy tới ôm tôi và khóc, nói rằng sẽ về vào một ngày hè”.
Khi trở lại Việt Nam, bận rộn công việc, ông Sơn không tiện thăm hỏi lại cho đến một ngày nhận được điện thoại của gia đình Việt kiều mà ông từng gặp ở trụ sở UNESCO ở Pháp.
“Họ không có đề nghị tôi đến sân bay đón. Qua điện thoại, chị vui vẻ trò chuyện, thông báo với tôi rằng gia đình vui sướng vì phần mộ của chồng, cha họ đã được bảo vệ nguyên vẹn, họ đã đến nghĩa trang mà không gặp cản trở nào”.
Nghĩa trang Biên Hòa giờ mở rộng cửa. Vẫn còn những tâm nguyện để chu tất với người nằm xuống.
Hiện nay trong nghĩa trang còn một số khu mộ, đắp vội nay bị lún, sụt bởi những hủy hoại của thời tiết, cần được tu bổ, sửa sang.
Ngoài ra còn có một mộ tập thể quân nhân tử trận trong chiến tranh nằm ở sát nghĩa trang, trên phần đất của một trường dạy nghề ở Bình An, đang được đề nghị cho phép cải táng để đưa vào nghĩa trang.
Ông Sơn trăn trở những công việc trên sẽ sớm được giải quyết như nỗ lực hòa hợp chân thành và trách nhiệm.
Trường Sa với kiều bào
Cùng với nghĩa trang Biên Hòa, trong trò chuyện, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhắc lại những đại lễ cầu siêu cho những người đã mất trong chiến tranh đã được tổ chức mời bà con kiều bào từ khắp nơi về dự.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cùng đoàn kiều bào ra Trường Sa thăm các chiến sĩ |
Đáng nhớ là đại lễ cầu siêu do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan tổ chức ở Trường Sa.
Ông Sơn nhắc lại “chuyến đi lịch sử” ra Trường Sa những ngày cuối tháng 4/2012. Khi đó, UB do ông phụ trách đã đề xuất thực hiện ý tưởng tổ chức một chuyến công tác ra Trường Sa với đại diện của 6 tôn giáo lớn, đại diện kiều bào và các cơ quan chức năng.
“Tôi có niềm tin trong tim rằng, kiều bào ở nước ngoài cũng như mọi công dân trên đất nước này đều chung một tình yêu với Trường Sa” - Thứ trưởng chia sẻ.
Chuyến đi đầu tiên có sự tham gia của kiều bào ở gần 30 quốc gia. Họ đã cùng đoàn công tác UB ra thăm, tặng quà, động viên những chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, C, Đá Lát,… (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), thăm các chiến sĩ trên các nhà giàn DK, cầu siêu cho anh linh những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng bào ta và công dân các nước qua lại vùng Biển Đông này không may tử nạn
Nhờ cầu nối từ những chuyến đi, kiều bào gắn bó, gần gũi hơn với quê hương, Tổ quốc. Năm ngoái, các cá nhân, tổ chức kiều bào tại Mỹ, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thái Lan đã tự tổ chức quyên góp 10 tỷ đồng, thông qua cơ quan chức năng trong nước để chuyển tới quân dân Trường Sa.
Xuân Linh - Hồng Nhì