- Suốt mấy tháng trời âm thầm thu thập thông tin vụ nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện huyện Hoài Đức (Hà Nội), chị Hoàng Thị Nguyệt sụt mất 5kg. Tết năm nay, chị khoe đã tăng được 4kg, tinh thần thoải mái, nhẹ nhõm hẳn.


Sau hơn 3 tháng kể từ thời điểm công an TP Hà Nội khởi tố vụ án tại BV huyện Hoài Đức, gặp lại "chị Nguyệt Hoài Đức" ở nhà riêng cách bệnh viện BV chỉ 1km, chúng tôi có chút ngỡ ngàng. Vì chị giờ đây da dẻ đã căng mịn.

Chị khoe: “Tết này mình tăng được 4kg rồi, tinh thần thoải mái nhẹ nhõm lắm. Mình bảo con cái là năm nay gia đình ăn Tết bằng tinh thần vui vẻ, không căng thẳng như Tết trước”.

{keywords}

Kể lại chuyện cũ, chị Nguyệt cho biết năm ngoái đúng trong giai đoạn giáp Tết chị và một vài đồng nghiệp đang băn khoăn, tìm hiểu và bắt đầu phát hiện thấy gian dối.

“Mọi thứ lúc đó mới là manh mối, phải lần mò. Chúng tôi trao đổi rất căng, chẳng ai nói đến Tết. Tất cả băn khoăn và suy nghĩ nếu đưa vấn đề đó ra thì không biết sẽ đi đến đâu”, chị nhớ lại.

Chị Nguyệt thấy hài lòng vì vụ việc đã đi đến kết quả, công việc được chấn chỉnh lại, những người vi phạm đã dừng làm việc sai trái và đã bị pháp luật xử lý. Nhưng chị cũng thẳng thắn: “Mình chỉ muốn họ dừng làm việc sai, còn việc làm vi phạm pháp luật của họ thì họ phải chịu xử phạt theo quy định thôi chứ mình không có mục đích họ phải bị tù thế này hay bị phạt thế kia”.

Theo chị, sự việc đó là sự nhắc nhở khiến ngành y tế giật mình, các cán bộ ngành y cũng giật mình. Những sai phạm như thế mà cứ để trượt đi, nếu không ai có ý kiến thì không biết sẽ trượt đến bao giờ?

“Chạy theo cái xấu làm sao gọi là đoàn kết”


Đã qua giai đoạn sóng gió nhất, chị Nguyệt cho biết bây giờ mọi việc đã tốt hơn rất nhiều, các khoa hoạt động nề nếp, bản thân chị và các đồng nghiệp chống tiêu cực không bị dọa dẫm nữa. Gần một tháng qua chị nghỉ ôn thi tốt nghiệp ĐH (chị Nguyệt học lên ĐH ở Hải Dương từ hơn 2 năm nay - PV), nhưng mới đi làm trở lại được một ngày thì gặp ngay “vấn đề”.

Nói rồi chị Nguyệt đưa cho phóng viên xem một bài viết không rõ nguồn gốc, không biết đăng trên tờ báo nào và do ai viết, có nội dung bóp méo, xuyên tạc sự việc xảy ra ở BV Hoài Đức cũng như các cá nhân tham gia chống tiêu cực.

Từ gần một tháng nay, ngày nào trong phòng làm việc của chị Nguyệt với chị Oanh (KTV Phan Thị Oanh, người tích cực thu thập và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra - PV) cũng được “rải thảm” bằng những bài viết như thế này.

Các chị đã báo cáo lên Ban giám đốc và đề nghị có cách xử lý. “Sự thật là chúng tôi vẫn còn áp lực vì những người bị tố cáo vẫn đang làm việc ở đây, tỷ lệ họ thì nhiều, thái độ họ vẫn chưa thay đổi. Họ luôn tìm cách “phá đám” hoặc gây mất đoàn kết nội bộ”, chị nói.

Theo chị, báo đài cứ nói là bảo vệ người tố cáo “nhưng thực ra thì tổ chức vẫn chưa quan tâm, để cho chúng tôi sống trong môi trường như thế, trắng đen lẫn lộn, tốt xấu không phân minh, tự nhiên cái xấu lại chiến thắng cái tốt. Chúng tôi đứng ra đấu tranh thì bị nói là không đoàn kết, nhưng nếu đoàn kết theo kiểu đó là để chạy theo họ thành một phường thì không được. Chạy theo cái xấu thì làm sao gọi là đoàn kết được?”

Cũng chính vì những diễn biến này nên Ban giám đốc BV đang có hướng chuyển chị Nguyệt sang làm việc ở một phòng khác mới được thành lập. Sau khi tốt nghiệp ĐH, bản thân chị Nguyệt cũng có mong muốn được làm việc ở bộ phận hành chính để giảm bớt áp lực từ công việc chuyên môn.

Bộ trưởng đã quan tâm gì đến nhân viên của mình?

Tổng kết năm 2013, chị Nguyệt chỉ được bình bầu gương “người tốt việc tốt” chứ không được danh hiệu “lao động xuất sắc” vì không có đủ phiếu từ khoa, phòng nơi chị làm việc. Khoản tiền thưởng danh hiệu 200 ngàn đồng cộng với thưởng Tết gần 3 triệu đồng cho cả năm trời làm việc khiến chị Nguyệt chẳng giấu nổi ngậm ngùi.

“Bệnh nhân đến viện rất mệt mỏi, đau đớn, tâm lý chung là luôn đòi hỏi ở cán bộ y tế sự nhẹ nhàng, ân cần, chu đáo. Nhưng mỗi ngày tiếp xúc tới 200-300 bệnh nhân, tối đến trực lại vài chục người nữa, cường độ cứ quần quật như thế, chịu đựng thế nào được? Chế độ đãi ngộ thì bất cập, mỗi tua trực cả đêm chỉ được 60 ngàn đồng. Cho nên cũng phải hỏi xem Nhà nước mình hoặc Bộ trưởng đã quan tâm gì đến nhân viên của mình chưa?”, chị Nguyệt nói.

Theo chị, áp lực ngành y là khủng khiếp, học ĐH Y 6 năm ra trường vẫn chưa biết gì, phải học tiếp 2 năm chuyên khoa 1 mới bắt đầu làm việc được. Bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh”, đại đa số cán bộ y tế tâm huyết, khó khăn, người nào giỏi cũng phải lách mọi cái để làm thêm mới khá hơn được.

“Thực ra ngành y phải làm giàu bằng công việc chân chính, nếu không thì phải làm những dịch vụ như là bác sĩ Cát Tường. Bác sĩ chân chính không giàu đâu, chỉ cải thiện thêm chút thôi. Nói chung quá buồn với ngành y này”, chị Nguyệt nói.

Cẩm Quyên - Hồng Nhì