Năm qua tình hình Biển Đông lại căng thẳng, làm sao vừa duy trì hòa bình với láng giềng và khu vực, vừa bảo vệ chủ quyền, là tâm tư người dân gửi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, người mở hàng chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời năm Giáp Ngọ.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Trong năm 2013, độc lập chủ quyền của ta luôn được giữ vững, ông Phạm Bình Minh khẳng định.

"Chúng ta đã xây dựng đường biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia, đảm bảo chủ quyền, đóng góp vào việc duy trì quan hệ hữu nghị và an ninh của đất nước", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nói.

"Trên Biển Đông cũng vậy, ta đã có nhiều giải pháp để bảo vệ chủ quyền. Trên thực tế hiện nay dân ta vẫn làm ăn, sinh sống, hoạt động kinh tế thường xuyên trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta", ông Phạm Bình Minh cho biết. "Chúng ta cũng kiên quyết bảo vệ, chống lại những biện pháp vi phạm chủ quyền".

Ông nhận định: Biển Đông là một vấn đề còn phức tạp, còn tranh chấp, đó là thực tế giữa Việt Nam và một số nước. Quan điểm của chúng ta là giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua thương lượng, bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển 1982.

"Chủ trương đó được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và trong các nước thành viên ASEAN, cùng phấn đấu tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC để đảm bảo duy trì hòa bình ổn định cho khu vực này", ông Phạm Bình Minh khẳng định.

Dù làm tốt vẫn có ý kiến chỉ trích

Trên Internet có nhiều bài viết cho rằng Việt Nam không coi trọng nhân quyền, quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng, vậy thực tế quyền con người ở Việt Nam đang được thực hiện như thế nào, là một câu hỏi khác đặt ra cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Qua gần 30 năm đổi mới, các quyền của người dân Việt Nam, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được nhà nước bảo đảm, ông Phạm Bình Minh khẳng định.

"Điều này được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp 2013, toàn bộ 36 điều trong chương II đều liên quan đến các quyền con người, hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà chúng ta là thành viên", Phó Thủ tướng nói. "Điều đó cũng thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhất là trong lĩnh vực internet, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển cao nhất thế giới, số người dân sử dụng Internet cao hơn mức bình quân của thế giới".

Việt Nam cũng đã đảm bảo được việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, là một trong 6 nước hoàn thành nhiều mục tiêu trước thời hạn 2015, ông Phạm Bình Minh cho biết.

"Nhờ đó vừa qua Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất trong lịch sử, 184/193. Bởi vì các nước đánh giá, thừa nhận những đóng góp của Việt Nam vào các quyền con người trong nước và trên thế giới".

Ngày 5/2 tới đây, Việt Nam sẽ bảo vệ lần hai, sau lần đầu tiên năm 2009, báo cáo định kỳ phổ quát trước Hội đồng Nhân quyền LHQ.

"Đương nhiên, quốc gia nào trên thế giới cũng có những vấn đề về quyền con người, chính vì vậy luôn đặt mục tiêu bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở mỗi nước. Cũng có những ý kiến khác nhau về các chính sách quyền con người ở mỗi nước. Có tiếng nói nêu lên những vấn đề Chính phủ còn chưa làm tốt, đóng góp để thúc đẩy quyền con người, nhưng có một số tiếng nói luôn luôn chỉ trích các chính sách này, dù làm tốt đến đâu", Phó Thủ tướng nhận định.

"Chúng ta cần một mặt hoàn thiện, đẩy mạnh, bảo vệ, làm tốt hơn quyền con người, mặt khác cung cấp thông tin đầy đủ, rộng rãi về những việc chúng ta đã làm được và cả những vấn đề còn cần thực hiện để họ hiểu. Các quốc gia chỉ trích lẫn nhau trên các diễn đàn về nhân quyền cũng là do thiếu thông tin, nên phải tăng cường đối thoại với các nước. Việt Nam hiện cũng đang có cơ chế đối thoại với một số nước, cũng nhằm mục đích này", ông Phạm Bình Minh chia sẻ.

(Theo VGP, VTV)