- VN không chấp thuận những khuyến nghị nhân quyền thiếu cơ sở, chưa phản ánh đúng tình hình thực tiễn khách quan, thể hiện định kiến - Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.

Sau phiên báo cáo rà soát định kỳ phổ quát về nhân quyền tại LHQ (UPR) vừa qua tại New York, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc - người dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự phiên họp - cho hay, 11 bộ ngành đang tiến hành rà soát kỹ từng khuyến nghị của quốc tế. Tổng số các khuyến nghị là 227.

Đến khóa họp lần thứ 26 của Hội Nhân quyền LHQ tháng 6 tới, Việt Nam sẽ chính thức thông báo chấp thuận những khuyến nghị nào. 

{keywords}
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: Chung Hoàng

Theo đánh giá của ông Ngọc, về cơ bản, các khuyến nghị 'tích cực và xây dựng', hầu hết khuyến nghị Việt Nam có thể chấp thuận vì 'phù hợp với đường lối Đổi mới, chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn về nhân quyền ở Việt Nam'. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng còn một số khuyến nghị thiếu cơ sở, chưa phản ánh đúng tình hình thực tiễn ở Việt Nam một cách khách quan, thể hiện định kiến. 

Với những khuyến nghị trên, Việt Nam sẽ không chấp thuận - ông Ngọc cho hay.

Ông có bình luận gì về hoạt động của các cá nhân, tổ chức, nhóm hoạt động người Việt Nam ở nước ngoài, vận động, kêu gọi thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam bên lề phiên họp?

Tôi được thông tin có một số cá nhân, tổ chức, nhóm của người Việt Nam ở nước ngoài có các hoạt động bên ngoài phiên báo cáo của Việt Nam. UPR là cơ chế đối thoại, với tiêu chí hợp tác, xây dựng và khách quan. Đối với những ý kiến xây dựng, khách quan chúng tôi sẵn sàng lắng nghe. 

Với những ý kiến thể hiện định kiến, chưa phản ánh đúng tình hình trong nước, do thiếu thông tin hay vì những lý do khác, theo tôi, cách tốt nhất đối với những người có ý kiến như vậy là về Việt Nam để tận mắt chứng kiến những thực tế đã đạt được trong 4 năm rưỡi qua, được chính các nước ghi nhận và hoan nghênh.

Có chiêng mới có tiếng

Phiên báo cáo vừa qua có những điểm mới như số lượng nước quan tâm nhiều hơn, vai trò lớn hơn của mạng xã hội... Việt Nam có những kinh nghiệm gì đối với những thay đổi đó?

Việt Nam luôn đồng hành với cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Trong 4 năm rưỡi kể từ phiên báo cáo và đối thoại trước, Việt Nam đã làm được nhiều việc, thực hiện rất nghiêm túc và tích cực 96 khuyến nghị đã chấp thuận.

Thứ hai, công tác vận động và tuyên truyền khi chủ động cung cấp cho các nước tham gia đối thoại một bức tranh toàn diện về tình hình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, nói thành tựu đồng thời nêu khó khăn, thách thức, cũng như những ưu tiên cần tiếp tục.

Việt Nam cũng làm rõ với bạn bè thế giới là Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các vấn đề quốc tế, nhất là trong duy trì hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trên thế giới. Đây là tiền đề và điều kiện quan trọng để đảm bảo quyền con người ở nước ta, khu vực và trên thế giới.

Bác Hồ đã nói "Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới vang xa". Nếu nỗ lực của ta không đem lại kết quả thực sự thì không thể có hầu hết các nước tham gia đối thoại đánh giá, ghi nhận và hoan nghênh các nỗ lực của ta như vậy.

Thứ ba, công tác chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng. Trong đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao và 17 bộ ngành vào cuộc, cùng với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, nhân dân và các tổ chức phi chính phủ. Nội dung báo cáo được làm công phu hàng tháng trời, đầy đặn. 

Bên cạnh đó là kịch bản đối thoại khi bước ra một diễn đàn quốc tế đa phương quan trọng về một vấn đề phức tạp. Tập dượt của các thành viên trong đoàn mất rất nhiều công sức, mỗi lần 4-5h để 11 đại diện các bộ ngành Việt Nam quen với áp lực, tham gia đối thoại với tư thế đàng hoàng, đĩnh đạc, tự tin, thể hiện hình ảnh của Việt Nam mới trên diễn đàn quan trọng này.

Chung Hoàng