Ngoài hàng không mẫu hạm, tàu ngầm vẫn là thứ vũ khí có uy lực mạnh trong thời chiến. Nhiều lực lượng hải quân trên thế giới đang sử dụng tàu ngầm như lá chắn phòng thủ chiến lược trên biển.

Dưới đây là 5 cường quốc hàng đầu thế giới về lực lượng tàu ngầm:

1. CHDCND Triều Tiên: 78 tàu ngầm

{keywords}

Tàu ngầm lớp Sang-O của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Word Press

Vượt lên trên các cường quốc quân sự như Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên đang có trong tay lực lượng tàu ngầm khổng lồ, đứng đầu thế giới. Tính tới cuối năm 2013, đội tàu ngầm của nước này được cho là bao gồm 78 chiếc, phần lớn do nước này tự sản xuất, một số là sản phẩm của Liên Xô hoặc Trung Quốc.

Theo nhận định của các chuyên gia, quân đội CHDCND Triều Tiên hiện sở hữu khoảng hơn 20 chiếc tàu ngầm lớp Romeo (nặng 1.800 tấn), trên dưới 40 chiếc tàu ngầm lớp Sang-O (300 tấn) và hơn 10 chiếc tàu ngầm nhỏ, kể cả những chiếc thuốc lớp Yono (130 tấn).

Triều Tiên đã mạnh tay cho nâng cấp các tàu ngầm lớp Sang-O, có khả năng lặn sâu tối đa 150m. Tốc độ của các tàu Sang-O phiên bản mới đã được nâng từ 17km/h lên 27km/h khi ngập nước, trang bị 2 ống phóng ngư lôi, hoạt động liên tục dưới nước 8 ngày. Sang-O được nước này sử dụng chủ yếu để xâm nhập lãnh hải của Hàn Quốc và từng bị Hàn Quốc bắt được ngày 18/6/1996.

Nhìn chung, lực lượng tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên được đánh giá là "đông nhưng không mạnh".

2. Mỹ: 72 tàu ngầm

{keywords}

Tàu ngầm lớp Virginia hiện đại nhất hiện nay của Mỹ, có thể trang bị vũ khí hạt nhân, tên lửa hành trình Tomahawk và ngư lôi Mark 48. Ảnh: Word Press

Tàu ngầm có một lịch sử phát triển lâu đời ở Mỹ, bắt đầu bằng Turtle - tàu có khả năng lặn đầu tiên trên thế giới. Đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ hiện có 72 chiếc, gồm 3 loại chính: tàu ngầm tên lửa đạn đạo, tàu ngầm tấn công và tàu ngầm tên lửa hành trình. Mặc dù về số lượng, đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ xếp sau CHDCND Triều Tiên nhưng lại đứng đầu thế giới về số tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, gồm cả 43 chiếc chiến đấu thuộc lớp Los Angeles.

Các tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ có nhiều sứ mệnh chiến lược, kể cả đánh đắm các tàu thuyền của kẻ thù, phóng tên lửa hành trình và thu thập thông tin tình báo. Tàu ngầm tấn công có thể được trang bị ngư lôi, tên lửa diệt hạm hoặc tên lửa hành trình đối đất. Nếu như được trang bị tên lửa Harpoon, tàu ngầm Mỹ có thể tấn công những mục tiêu cách 130km. Diện tích kiểm soát là một vòng tròn bán kính 110km.

Tàu lớp Ohio của Mỹ được đánh giá là tàu ngầm hạt nhân hàng đầu thế giới hiện nay. Đây là tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ tư của Mỹ, có trọng tải 16.764 tấn khi nổi, 18.750 tấn khi hoạt động ngầm, tốc độ 36,8km/h. Tàu được trang bị 24 ống phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II và 4 ống phóng ngư lôi hạng nặng Mark 48 chống hạm nổi cũng như tàu ngầm. Mỗi tên lửa mang 12 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn tối đa lên đến hơn 20.000km.

Mỹ dự kiến sắp mất vị trí thứ 2 trong bảng tổng sắp do lực lượng tàu ngầm của nước này sẽ bị cắt giảm 25% trong vòng 15 năm tới.

3. Trung Quốc: 69 chiếc

{keywords}

Tàu ngầm Trung Quốc tuần tra tại khu vực Thanh Đảo, Sơn Đông. Ảnh: Getty Images

Hải quân Trung Quốc đang duy trì đội tàu ngầm 69 chiếc. Theo tạp chí Diplomat, đa số chúng chạy bằng diesel - điện cỡ nhỏ và chỉ có khoảng 5 tàu ngầm hạt nhân, bao gồm 3 chiếc lớp Hán (091) từ những năm 1980 và 2 chiếc lớp Thương (093).

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc lại "khoe" rằng, nước này có tới 10 tàu ngầm hạt nhân. Ít nhất 4 chiếc trong số tàu ngầm này, thuộc lớp Tấn (094) được trang bị tên lửa đạn đạo Ngưu Lang JL-2 với tầm bắn xa tới 14.000km, đủ để tấn công các thành phố khắp nước Mỹ.

Trong tổng số tàu ngầm nói trên, chỉ có 12 chiếc lớp Kilo do Nga sản xuất. Số còn lại do Trung Quốc sản xuất. Sau khi triển khai ít nhất 5 tàu ngầm lớp Tấn, Trung Quốc hiện đang hoàn thiện một phiên bản tàu ngầm tên lửa hiện đại hơn có tên là lớp 095.

Giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng lực lượng tàu ngầm tấn công nhằm đáp ứng nhu cầu phòng thủ, thách thức sự thống trị của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, bảo đảm khả năng đánh chặn hạt nhân… Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là răn đe các nước trong khu vực, đặc biệt khi tranh chấp trên khu vực biển Hoa Đông và biển Đông đang ngày càng gia tăng.

4. Nga: 63 tàu

{keywords}

Tàu ngầm đầu tiên thuộc dự án 885M, lớp Yasen mang tên Severodvinsk (K-329). Ảnh: Word Press 

Nga là cường quốc xếp thứ 4 thế giới về số lượng tàu ngầm với 63 chiếc. Nếu như dưới thời Liên Xô, lực lượng hải quân có tới hàng chục, thậm chí cả trăm tàu ngầm hạt nhân, thì hiện nay, Hải quân Nga chỉ còn 31 chiếc, trong đó có 11 tàu cấp chiến lược, mang tên lửa đạn đạo, được triển khai cho hạm đội phía Bắc và hạm đội Thái Bình Dương.

Lớn nhất trong số các tàu ngầm hạt nhân cấp chiến lược của Hải quân Nga hiện nay là TK-208 Dmitry Donskoy thuộc dự án 941, lớp Akula (NATO định danh là Typhoon). Đây được xem là tàu ngầm lớn nhất trên thế giới từng được chế tạo với lượng giãn nước khi nổi là 24.500 tấn và khi lặn 48.000 tấn - tương đương tàu sân bay hạng trung.

Về lực lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công (mang tên lửa hành trình), Nga hiện có tổng cộng 21 chiếc thuộc 5 lớp khác nhau. Đáng kể nhất là các tàu ngầm hạt nhân tấn công thuộc lớp Project 949A Antey (NATO định danh là Oscar II), từng được xem là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình lớn nhất thế giới cho tới khi Mỹ đưa vào hoạt động lớp Ohio.

Mới đây, Nga đã gây chú ý với việc đưa vào biên chế tàu Severodvinsk - một trong những tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất thế giới, với hệ thống vũ khí phá cách, không bố trí ống phóng ngư lôi ở đầu mũi, thay vào đó là tổ hợp định vị thủy âm thế hệ mới. Tàu ngầm được trang bị 10 ống phóng ngư lôi cùng 32 ống bắn tên lửa hành trình siêu thanh Klub, có thể diệt hạm ở cự ly xa đến 660km hoặc mục tiêu mặt đất cách 900km.

5. Iran: 31 chiếc

{keywords}

Tàu ngầm mini thuộc lớp Ghadir do Iran chế tạo. Ảnh: FARS

Iran được cho là đang sở hữu 31 tàu ngầm, nhiều thứ 5 thế giới. Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Iran hiện bao gồm 3 chiếc chạy bằng diesel - điện, thuộc lớp Kilo do Nga đóng (4.000 tấn), một chiếc lớp Nahang (350 - 400 tấn), số còn lại thuộc lớp Ghadir cỡ nhỏ (150 tấn).

Tàu ngầm lớp Ghadir được trang bị ít nhất 2 ống phóng ngư lôi và các thiết bị cho phép thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ biệt kích, rải thủy lôi và trinh sát. Chúng có thể đồng thời bắn cả tên lửa và phóng ngư lôi cùng lúc, cũng như sở hữu các đặc điểm “tàng hình” tiên tiến.

Việc không ngừng bổ sung và củng cố lực lượng tàu ngầm được cho là sẽ giúp tăng năng lực của Hải quân Iran trong bối cảnh nước này đang phải đối đầu với một loạt cường quốc liên quan đến vấn đề hạt nhân. Hải quân hiện đóng vai trò chiến lược quan trọng trong cấu trúc an ninh quốc gia của Iran do thương mại và an ninh nước này dựa nhiều vào Vịnh Ba Tư. Ngoài ra, các lực lượng hải quân của nước này cũng đang hoạt động ở vịnh Oman, biển Caspian và có thể cả Ấn Độ Dương.

Tuấn Anh (Tổng hợp)