- Học giả, bằng giả chỉ có thể chui được vào cơ quan nhà nước chứ không thể vào được tư nhân và liên doanh, vì vậy Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận “tha thiết đề nghị” Bộ Nội vụ nhanh chóng hoàn thiện đề án về tuyển dụng công chức như một cách để đổi mới giáo dục. 

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng chia sẻ suy nghĩ này tại phiên họp lần 2 của hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực sáng nay (25/2) do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì.

“Đổi mới giáo dục phải theo hướng cần gì đào tạo nấy, không nhất thiết phải là bằng đại học”, ông Dĩnh nói. “Với việc đẩy mạnh xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức trong các cơ quan nhà nước, không phải vị trí nào cũng cần bằng đại học, khi đó sẽ sử dụng phù hợp hơn nguồn nhân lực của ngành giáo dục”. 

Ông Dĩnh chỉ ra “bây giờ nhiều cơ quan nhà nước thậm chí còn phấn đấu có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ”. 

Nhưng “trình độ công chức, viên chức hiện nay chỉ dừng lại ở mức thống kê, chưa làm được khái quát tổng hợp chứ chưa nói đến mức phân tích dự đoán”, Giám đốc ĐHQG TP.HCM Phan Thanh Bình kéo ngược lại vấn đề khi chỉ ra “đó là vấn đề của giáo dục”.

{keywords}
Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Minh Thăng

Vừa chạy vừa xếp hàng 

Cũng tại phiên họp này, các thành viên hội đồng thảo luận, đóng góp ý kiến vào 3 nội dung lớn là dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT), dự án thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới GDĐT và đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đổi mới GDĐT phải theo thứ tự xác định hệ thống giáo dục, rồi xây dựng và làm sách giáo khoa, sau đó là sắp xếp đội ngũ rồi mới đến đổi mới thi cử.

“Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay không thể làm theo tuần tự thì phải vừa chạy vừa xếp hàng. Bộ GDĐT đã bắt tay làm chương trình và sách giáo khoa, nhưng cần nhanh chóng triển khai việc xác định hệ thống giáo dục”, ông Đam nói.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định đang nghiên cứu về hệ thống giáo dục chứ không phải đang làm theo quy trình ngược.

Ông Luận cũng nhận định phải tách bạch được lực lượng làm chương trình và lực lượng viết sách giáo khoa, “để sau khi có chương trình thống nhất có thể huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia viết nhiều bộ sách giáo khoa”.

Tuy nhiên đó sẽ là việc của tương lai chứ chưa phải của lần đổi mới sách giáo khoa trước mắt này, vì “lực lượng chuyên trách từ trước đến nay chưa từng có, đều là do các thầy, các giáo sư viết sách, bây giờ mới đang tuyển người cho đi học nước ngoài để phát triển lực lượng làm chương trình giáo dục”, theo Bộ trưởng GDĐT.

Nhưng lần làm sách này vẫn là theo cách mới nên chính những người tham gia cũng đều “xếp hàng ngang về kinh nghiệm”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không nói rõ “cách mới” là gì nhưng cảnh báo sẽ có những “thông tin không bình thường” về lần làm chương trình và viết sách giáo khoa này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì nhấn mạnh sự sẵn lòng tham gia viết sách mà các hiệp hội khoa học chia sẻ với ông. Giám đốc ĐHQG TP.HCM Phan Thanh Bình thì khẳng định viết sách giáo khoa cần có sự tham gia của chính những người thầy đang giảng dạy ở các trường phổ thông.

Trả lời câu hỏi “cho ai”

Theo ông Bình, lần đổi mới giáo dục này không phải đơn giản là giải quyết bức xúc xã hội. “Sau khi đã bước ra khỏi ngưỡng nước nghèo, ta đang tích lũy để nhảy vọt, để chuẩn bị cho sự thay đổi lớn về chất của đất nước, mà tích lũy chính là từ nguồn nhân lực và giáo dục”, ông Bình nói.

Do đó, theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, giáo dục phải trả lời được câu hỏi “cho ai”.

“Giáo dục không thể chỉ là với thế hệ trẻ, dưới mái trường mà phải dần bước ra ngoài xã hội, không chỉ là việc của ngành giáo dục mà các ngành khác cũng phải vào cuộc”, ông Nguyễn Mạnh Cầm nói đến sự cần thiết của việc xây dựng một nền giáo dục mở, tư duy học tập suốt đời và một xã hội học tập.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên hội đồng nhanh chóng hoàn thiện để Chính phủ ban hành sớm Chương trình hành động đổi mới giáo dục, trong đó xác định đúng nhiệm vụ, phân công cụ thể cho các bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội, có trọng tâm trọng điểm, lưu ý tính khả thi để tránh tình trạng vừa ra lại sửa, tốn kém mà không đi vào cuộc sống.

Chung Hoàng