- Không như nhiều ngành khác - càng thành công thì càng thuê được người giỏi làm việc, một bác sĩ càng giỏi bao nhiêu càng phải tự tay làm lấy mọi việc bấy nhiêu.

Độc giả Mai Phạm gửi tới VietNamNet bài viết với mong muốn đóng góp vào câu chuyện lương, thu nhập và đời sống của bác sĩ:

Tỷ lệ bác sĩ trong dân số là ~ 6/10.000 (thống kê năm 2011).

Điểm chuẩn vào ngành bác sĩ đa khoa - ĐH Y Hà Nội năm 2013 là 27,5 điểm. Và phải mất 6 năm đào tạo vất vả, mới có được một bác sĩ ra trường.

Nhìn những con số trên, chắc nhiều người sẽ đồng ý rằng: Bác sĩ xứng đáng là một bộ phận trí thức tinh hoa của đất nước.

Kỳ vọng quá cao

Để đỗ vào một trường đào tạo bác sĩ danh tiếng như Đại học Y Hà Nội, phải có điểm thi đại học lớn hơn 27,5 (điểm chuẩn năm 2013). Như vậy, để một người trở thành một bác sĩ, anh ta trước hết phải là một học sinh có học lực suất sắc hơn hẳn các bạn bè.

{keywords}
Ảnh minh họa: Bình Minh

Anh ta đỗ ĐH Y và suốt trong 6 năm học, anh ta lâng lâng trong niềm vui chiến thắng, và cũng được ru ngủ bởi những niềm vinh quang nghề nghiệp, những mức thu nhập khủng mà thầy cô của anh ta có thể có được. Ngoài việc học kiến thức chuyên môn, anh ta sẽ hầu như không có thời gian để tìm hiểu cuộc sống, để suy ngẫm về các vấn đề tài chính mà anh ta có thể gặp phải khi ra trường.

Rồi 7 năm sau khi bắt đầu học đại học, anh ta mới có thể chính thức đi làm (6 năm đại học + 1 năm học chuyên khoa định hướng). Nhận đồng lương công chức ít ỏi, anh ta bắt đầu giật mình so sánh với thu nhập của bạn bè - những người “lười biếng và kém cỏi” hơn mình nhưng đã đi làm từ 3, 4 năm trước. Cảm giác bất mãn sẽ bắt đầu.

Nhiều bác sĩ trong số “yêu công việc ở các bệnh viện lớn”. Thay vì về quê làm việc và nhận mức lương đó cũng có thể sống khỏe ở quê, anh ta cố gắng bám trụ lại ở các thành phố lớn.

Chính ở nơi đây anh ta lại cũng gặp rất nhiều đồng nghiệp giống mình. Và vì có nhiều người mà chỉ có ít vị trí cần tuyển nên tiêu cực bắt đầu. Anh ta sẵn sàng đầu tư cả một khoản tiền lớn, đến hàng trăm triệu, hoặc sẵn sàng hy sinh vài năm trời làm việc không công, để mong chờ đến một tương lai tươi sáng, với một thu nhập “khủng”, hoặc chí ít cũng làm rạng danh gia đình và dòng họ vì có con em công tác ở bệnh viên trung ương.

Những người này sẵn sàng chịu vất vả để có được vị trí, và cũng sẽ là những người đầu tiên kêu la vì lương thấp. Họ không nhận ra vấn đề nằm ở chính họ - chính là sự kỳ vọng quá lớn vào nghề nghiệp của họ.

Điều phổ biến thứ hai, họ cảm thấy lương mình thấp khi so sánh với khối y tế tư nhân.

Một bác sĩ mới ra trường (sau khi học xong 1 năm chuyên khoa định hướng) khi làm ở bệnh viện nhà nước sẽ nhận mức thu nhập 3-4 triệu. Trong khi nếu làm ở các phòng khám tư nhân, lương sẽ không dưới 500.000/ ngày (tại Hà Nội). Có một số bệnh viện tư thường trả lương bác sĩ 18-30 triệu/ tháng.

Khi so sánh như thế đương nhiên họ sẽ cảm thấy thiệt thòi. Nhưng vậy sao không sang khối tư nhân mà làm việc?

'Làm nghề y không giàu được đâu'

Một nhà tư bản định nghĩa thế này: Giàu có - đó là số ngày bạn có thể sống thoải mái mà không cần phải làm việc.

Một số thầy giáo nổi tiếng trong ngành y nói rằng “làm nghề y không giàu được đâu”. Trước đây tôi còn nghi ngờ, mãi sau này tôi mới hiểu được.

Một người theo nghiệp kinh doanh càng thành công bao nhiêu thì càng thuê được những người giỏi hơn họ làm việc, vì thế càng giàu có và nhàn hạ hơn.

Một bác sĩ càng giỏi bao nhiêu thì càng phải tự tay làm lấy mọi việc bấy nhiêu, tức là càng vất vả bấy nhiêu. Nên nếu không yêu nghề, nếu cái việc tiếp xúc với bệnh nhân không đem lại hạnh phúc, niềm vui và nụ cười cho bạn, thì hãy biết rằng, bạn càng giỏi nghề y bao nhiêu thì điều ấy sẽ càng là cực hình với bạn bấy nhiêu.

Mai Phạm

Bài sau: Cái giá làm bác sĩ mà muốn giàu có