Phát biểu trấn an của Tổng thống Putin hôm 3/3 rằng, Nga không có kế hoạch thâu tóm khu vực phía đông Ukraina, ít nhất trong hiện tại, le lói một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng địa chính trị đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Các thị trường chứng khoán toàn cầu ngay lập tức phản ứng kiểu "thở phào nhẹ nhõm", trong khi Nhà Trắng tỏ ra lạc quan một cách thận trọng.

Tuy nhiên, các diễn tiến mới đặt ra một vấn đề hóc búa đối với Tổng thống Mỹ Obama và các đồng minh châu Âu của ông.

Ngay cả khi Nga không "với tay" tới miền đông Ukraina và tránh leo thang can thiệp quân sự, liệu nước này có "đóng băng" ở vị trí chiếm đóng bán đảo Crưm? Liệu Mỹ và châu Âu có buộc phải mặc nhiên chấp nhận điều đó hay họ có thể tìm ra một cách để đẩy lui nó, và nếu vậy, bằng giá nào?

{keywords}

Binh sĩ được tin là lính Nga bên ngoài một căn cứ quân sự của Uraina tại làng Perevalnoye thuộc Crưm ngày 3/3. Ảnh: Reuters

Kể từ khi quân đội Nga giành quyền kiểm soát bán đảo Crưm, các trợ lý của ông Obama đã bí mật thừa nhận rằng, việc đảo ngược tình trạng chiếm đóng này sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, trong ngắn hạn. Họ đang tập trung vào việc vẽ nên một ranh giới để ngăn chặn ông Putin tiến xa hơn.

Nếu Crưm trong vài tuần tới vẫn bị Nga phong tỏa, Mỹ có thể thực thi nỗ lực buộc Nga phải rút quân, một cố gắng có thể chia rẽ Mỹ với các đồng minh châu Âu, những nước dường như sẵn sàng chung sống với hiện trạng mới hơn.

Hiện tại, Nhà Trắng đang tập trung vào việc ngăn chặn cuộc đối đầu leo thang. Dù rối trí hay ngạc nhiên về sự mạnh tay và cách biện minh cho quyết định điều quân của ông Putin, các quan chức Mỹ đã được an ủi phần nào rằng, tổng thống Nga hiện thấy không cần thiết phải can thiệp vào các khu vực nói tiếng Nga ở phía đông Ukraina.

Họ cũng được trấn an trước việc ông Putin tỏ vẻ chấp nhận các cuộc bầu cử vào tháng 5 tới như cách để hợp thức hóa một chính phủ Ukraina mới, cũng như quyết định hủy bỏ một cuộc tập trận gần biên giới nước này. Thêm vào đó, họ không phát hiện dấu hiệu triển khai thêm binh lính Nga tới Crưm.

Trong khi Ngoại trưởng John Kerry đến thăm Kiev hôm 4/3 để biểu thị sự ủng hộ đối với chính phủ lâm thời thân phương Tây, đang bị bao vây của Ukraina, ông Obama đã điện đàm để tham khảo ý kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Phát biểu trước báo giới, ông Obama nói, một số người đã hiểu các tuyên bố của ông Putin ngay trước đó ám chỉ ông "đang tạm dừng giây lát và và suy ngẫm về những gì đã xảy ra". Tuy nhiên, các quan chức khác lại cảnh báo không nên quá trông đợi vào các tuyên bố của ông Putin.

Theo Ivo Daalder, đại sứ đầu tiên của Obama trong NATO và hiện là chủ tịch Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, "Crưm là một vấn đề lớn. Nhưng đây không phải chỉ là về Crưm, mà liên quan đến việc cuối cùng, ai sẽ nắm quyền kiểm soát Ukraina".

Các lãnh đạo ở châu Âu, một khu vực phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, đã bày tỏ sự lưỡng lự, không sẵn lòng tìm kiếm những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất.

Ngoài ra, nhiều người hoài nghi rằng, bản thân ông Obama có thể không sẵn lòng tiến xa hơn nữa nếu không có sự ủng hộ của các đồng minh, đặc biệt khi tính đến nguy cơ mạo hiểm sự hợp tác của Nga trong hàng loạt vấn đề, bao gồm Syria, Iran, Afghanistan và hòa bình Trung Đông.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, họ đang mường tượng 3 khả năng: Thứ nhất là sự leo thang của Nga sang khu vực phía đông Ukraina, điều họ hy vọng ông Putin sẽ không theo đuổi. Thứ hai là, Nga sẽ quyết định "dừng" ở Crưm, thông qua sáp nhập hoặc nguyên tắc thành lập chính quyền mới. Thứ ba, Nga sẽ "xuống thang", đồng ý cho các giám sát viên quốc tế thay thế quân đội Nga trên các đường phố để phòng ngừa bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào người nói tiếng Nga và chấp nhận chính phủ đắc cử từ các cuộc bỏ phiếu của Ukraina vào tháng 5 tới.

Dù kịch bản nào diễn ra, nó cũng đòi hỏi các bên liên quan phải cân nhắc kỹ lưỡng cái giá phải trả cho bất kỳ hành động nào của họ. Rốt cuộc, theo một số nhà quan sát, có lẽ lối thoát tối ưu hiện nay là để cho người Ukraina tự quyết định số phận của họ.

Tuấn Anh (theo NYT)