- Tổng kết việc thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ Tư pháp đề xuất các định hướng sửa luật đối với một số vấn đề như án tham nhũng, kinh tế, án tử hình…

>> Thủ tướng: Kiểm soát chặt tài sản của đối tượng tham nhũng
>> Ông Bá Thanh: Siết việc án tham nhũng "treo" cao
>>
105 nước đã bỏ án tử hình

Bộ Tư pháp dành cả ngày 15/3 để thảo luận kết quả tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và đề xuất, kiến nghị để sửa đổi cơ bản, toàn diện bộ luật quan trọng này. Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các cơ quan tư pháp, các cơ quan liên quan của Quốc hội và các tỉnh thành qua hình thức truyền hình trực tuyến.

Hình sự hóa tội làm giàu bất chính - khó nhưng phải làm

Liên quan đến việc hình sự hóa đầy đủ các hành vi tham nhũng theo công ước LHQ về chống tham nhũng, Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên báo cáo: Theo BLHS hiện hành, chủ thể của hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội Việt Nam. Người có chức vụ quyền hạn ở doanh nghiệp hoặc nước ngoài chưa phải là chủ thể của tội này.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 3 từ phải sang) và các đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VGP

“Với tư cách thành viên Công ước, ta phải hình sự hóa cả những hành vi như hối lộ và biển thủ tài sản trong khu vực tư, hối lộ công chức nước ngoài…”, ông Hoàng Thế Liên nói.

Trong định hướng sửa BLHS lần này, việc quy định các điều kiện miễn, giảm hình phạt với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo và khắc phục hậu quả cũng được cân nhắc.

“Cũng cần nghiên cứu khả năng hình sự hóa hành vi ‘làm giàu bất hợp pháp’ theo tinh thần Công ước”, Thứ tưởng Bộ Tư pháp cho biết.

Nhận định về điểm này, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn nói khi trao đổi bên lề với báo chí: “Đây là vấn đề bàn cãi nhiều lần, từng có đề nghị đưa vào luật tội ‘nhận quà biếu có giá trị cao’ nhưng chưa được. Có lẽ đã đến lúc tính, nhưng phải đồng bộ chính sách, vì hiện chưa quản lý và làm rõ được giữa thu nhập bất chính và thu nhập chính đáng, thu nhập hợp pháp và không hợp pháp. Đây là việc khó ở Việt Nam nhưng phải bàn, phải làm”.

Tăng phạt tiền với tội phạm kinh tế

Báo cáo do Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đọc tại hội nghị nhận định: Mục đích của tội phạm kinh tế là tìm kiếm lợi nhuận, do vậy cần tăng cường các hình phạt tiền để nâng cao tính răn đe và giảm nguy cơ tái phạm.

“Đồng thời cần nghiên cứu các biện pháp tư pháp như tịch thu tiền tài sản, cấm vĩnh viễn hoặc có thời hạn đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm các công việc liên quan đến kinh tế”, ông Hoàng Thế Liên nói.

{keywords}
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn: Hình sự hóa tội làm giàu bất chính cần có chính sách đồng bộ. Ảnh: Chung Hoàng

Ông Trần Công Phàn tán thành giảm phạt tù với tội phạm kinh tế vì "điều quan trọng nhất là thu hồi tiền bị xâm phạm của nhà nước và nhân dân".

Tuy vậy, định hướng sửa luật không loại trừ khả năng chuyển đổi hình phạt tiền sang tù có thời hạn nếu người phạm tội cố tình không chấp hành hình phạt tiền hoặc có biểu hiện tẩu tán tài sản, cũng như nâng cao mức phạt với các tội phạm kinh tế nhưng có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn bán lương thực, thực phẩm, thuốc giả...

Bộ Tư pháp nhận định việc mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không giam giữ như phạt tiền, cải tạo không giam giữ... cũng thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự.

Nhưng riêng với án treo, Phó Chánh án Tòa án quân sự TƯ Nguyễn Mai Bộ chia sẻ kinh nghiệp rằng hình phạt này trong thực tế chỉ có tác dụng rất hạn chế. Theo ông, “tù trước treo sau” mới khiến người phạm tội thấm thía.

Hạn chế tử hình 

Trong sửa đổi BLHS lần này, Bộ Tư pháp dự kiến bổ sung các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm hạn chế đến mức tối đa khả năng áp dụng hình phạt này, chỉ áp dụng với một số ít trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo xâm phạm tính mạng con người (như giết người man rợ, kèm cướp của, hiếp dâm...); đe dọa sự tồn vong của nhà nước (xâm phạm an ninh quốc gia…); đe dọa nghiêm trọng trật tự an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi (ma túy); tội phạm mang tính toàn cầu, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế (khủng bố, tham nhũng, chống loài người, chiến tranh…).

Khả năng áp dụng chế định hoãn thi hành án tử hình để giảm việc thi hành hình phạt tử hình trên thực tế cũng được nghiên cứu.

Trao đổi về điểm này, Vụ trưởng vụ Pháp chế Bộ Công an Nguyễn Ngọc Anh nhận định: “Các nước tôi đến tìm hiểu đều chia sẻ quan điểm ‘án tử hình như một hình thức tự vệ’. Việt Nam giảm từ 43 tội bị tử hình xuống 22 là hợp lý, nhưng dứt khoát phải quy định có hình phạt này”.

Các vấn đề trên sẽ được nghiên cứu để sửa đổi BLHS trong chương trình làm luật của Quốc hội nhiệm kỳ này.

Chung Hoàng