- Việt Nam đang đứng ở một ngã ba đường mới mà nhiều nước có thu nhập trung bình khác cũng gặp phải.

Bài viết của bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, trước thềm hội thảo quốc tế “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng toàn diện và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và Bài học đối với Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội đầu tuần tới.

Tình hình kinh tế của Việt Nam sau Đổi Mới tràn đầy những điều phi thường. Tăng trưởng nhanh đã đưa hàng triệu người dân Việt Nam ra khỏi nghèo đói. Điều này có được phần nhiều là nhờ sự quản lý mạnh mẽ của Chính phủ trong việc dần mở cửa và tự do hóa nền kinh tế.

Tuy vậy, tăng trưởng mới ở chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu và chủ yếu vẫn dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ mà không có nhiều cải thiện về năng suất và tiếp thu công nghệ, và mới chỉ có giá trị gia tăng thấp.

{keywords}
 Bà Pratibha Mehta

Những năm gần đây, tăng trưởng của Việt Nam đã chậm hơn và tính cạnh tranh quốc tế bị chững lại. Các vấn đề trong nền kinh tế toàn cầu là một nguyên nhân, nhưng cần phải xem xét mô hình tăng trưởng hiện có để tìm ra các động lực mang tính nền tảng.

Giờ đây, Việt Nam đang đứng ở một ngã ba đường mới mà nhiều nước có thu nhập trung bình khác cũng gặp phải. Hội thảo quốc tế tuần tới ở Hà Nội diễn ra ở thời điểm rất quan trọng.

Các chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam sẽ gặp nhau vào ngày 24-25 tháng 3 để thảo luận các nước khác giải quyết cải cách kinh tế như thế nào mà vẫn đồng thời đảm bảo được tính bền vững và hòa nhập mạnh mẽ hơn.

Chính phủ cũng nhận ra những thách thức ghê gớm ở trước mắt và đã cam kết thực hiện kế hoạch cải cách tham vọng đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khu vực tài chính và đầu tư công. Chính phủ cũng đang thực hiện một đánh giá quan trọng về 30 năm Đổi Mới. Điều này sẽ mang lại những phân tích sâu hơn và tư duy hướng về phía trước trong con đường phát triển của Việt Nam. Hội nghị nhằm tăng cường những quá trình quan trọng ấy từ góc độ hòa nhập và bền vững nhằm đảm bảo tiến bộ phát triển con người về dài hạn.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hòa nhập thúc đẩy tăng trưởng. Hòa nhập có nghĩa là tất cả mọi người đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng. Để làm được điều đó, sẽ cần phải giải quyết các bất bình đẳng về giới, địa lý, thành thị và nông thôn, đồng thời cần phải khép lại khoảng cách giữa các cộng đồng đa số và thiểu số.

Bức tranh bền vững môi trường và tăng trưởng ngày càng mang cả sắc thái bổ sung lẫn đánh đổi. Theo Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2011: Bền vững và Bình đẳng – Tương lai tốt đẹp hơn cho Tất cả, các quốc gia cần nhận thức được về những đánh đổi khi giảm khí phác thải từ công nghiệp hóa. Họ phải tập trung vào những điểm mang tính bổ sung như giảm tắc nghẽn đô thị và thúc đẩy hiệu suất năng lượng. Tính bền vững phải được xem xét dưới góc độ bình đẳng giữa các thế hệ với nhau bởi chúng ta đều có nghĩa vụ phải gìn giữ sự thịnh vượng của hành tinh này cho các thế hệ tương lai.

Một thách thức then chốt là phải tư duy lại về phân bổ và sử dụng nguồn lực. Câu trả lời nằm trong cải cách đầu tư công và khu vực tài chính để làm sao giải phóng được các nguồn lực cho những khu vực hiệu quả. Đồng thời, cải cách DNNN và nỗ lực phát triển khu vực tư nhân phải đóng góp vào việc nâng cao hiệu suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Như nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh, DNNN đang tiếp tục nhận được lượng nguồn lực bất hợp lý trong khi chỉ tạo ra tương đối ít việc làm.

Hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu mang đến nhiều cơ hội cho mở rộng thương mại và thúc đẩy chương trình nghị sự cải cách. Việc nắm bắt các cơ hội ấy rất quan trọng nhưng cần phải tăng cường năng lực thể chế và tổ chức để có thể giải quyết được các thách thức liên quan đến hội nhập sâu hơn.

Cải cách dịch vụ công là trọng tâm của quá trình này. Điều đó bao gồm việc cung cấp bình đẳng hơn các dịch vụ xã hội có chất lượng như giáo dục và y tế. Ở Việt Nam, chi phí của các dịch vụ này đang ngày càng được chính các hộ gia đình chi trả. Đây là một nguyên nhân của bất bình đẳng mà đang gây trở ngại cho tăng trưởng hòa nhập. Các nước thu nhập trung bình thành công đã xây dựng nên những hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại giúp loại bỏ rủi ro, xây dựng tính kiên cường và đồng thời trực tiếp hỗ trợ tăng trưởng toàn diện.

Cách đây hai thập kỷ, tư duy biến đổi khí hậu mới chỉ là yếu tố đính kèm chính sách phát triển. Ngày nay, đây là ưu tiên hàng đầu, nhất là với những nước như Việt Nam vốn chịu rủi ro nhiều hơn từ mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoạn. Các hành động cần bao gồm cả việc đầu tư vào thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng lẫn giảm dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, áp dụng thuế các-bon và khuyến khích hiệu suất năng lượng.

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy việc giải quyết các nút thắt thể chế và cải cách quản trị rộng rãi hơn là nền tảng để chuyển đổi sang một quỹ đạo tăng trưởng năng suất hơn, cạnh tranh hơn, và suy cho cùng là hòa nhập hơn. Bất chấp những thách thức ấy, Việt Nam và nhân dân Việt Nam vẫn có trong tay những sức mạnh cố hữu và một trong các kinh nghiệm chuyển đổi đáng kể nhất thế giới để có thể giải quyết chúng và tiến về phía trước. 

Pratibha Mehta (Điều phối viên thường trú LHQ và đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam)