- Thủ tướng nói: Phải kéo được giá thuốc ở các bệnh viện xuống, không thì dân khổ quá, vì nói bao nhiêu thì vay mượn cũng phải mua bấy nhiêu.

Trong khi giá thuốc trong thực tế khiến dư luận bất an, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày dự thảo sửa đổi luật Dược tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật hôm nay (21/3) đề nghị Bộ Tài chính từ nay trở đi chịu trách nhiệm việc này.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VGP

Sau 8 năm giữ trách nhiệm này theo luật Dược hiện hành, Bộ Y tế thấy việc dùng mệnh lệnh hành chính, "nai ra ép giá, áp giá các doanh nghiệp" để giữ giá thuốc là không hiệu quả.

"Trên thế giới không ai làm như vậy", bà Tiến nói. "Với thuốc BHYT, họ tăng cường dùng thuốc gốc, thuốc nội, tránh biệt dược và các hãng thương mại, chủ yếu đàm phán giá chứ đấu thầu có khi giá lại cao hơn, thuốc lâu ngày thì giảm giá mạnh. Thuốc 'đường phố' thì để theo quy luật thị trường".

Theo Bộ trưởng Tiến, không nên tiếp tục cách làm không giống ai là để Bộ Y tế quản lý hoàn toàn giá thuốc theo quy trình khép kín: Quốc hội và nhân dân chê trách là Bộ Y tế vừa đá bóng, vừa thổi còi, thiếu công khai minh bạch, thiếu khách quan, dễ nảy sinh tiêu cực...

Để hội nhập, không tiếp tục một mình một kiểu, Bộ trưởng Y tế đề nghị Bộ Tài chính nắm lấy trách nhiệm này và đưa ra đề xuất thành lập hội đồng quốc gia về giá thuốc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có phần ngại ngần. Cho rằng thời gian qua Bộ Y tế quản lý giá thuốc là "ổn định", ông Đinh Tiến Dũng ủng hộ phương án lập hội đồng nhưng vẫn muốn Bộ Y tế chủ trì.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng đã đến lúc làm theo cách của quốc tế nhưng Bộ Y tế vẫn phải làm "tư lệnh".

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thì thấy "thoạt nghe, giao Bộ Tài chính là đúng", nhưng sau đó lo ngại: Bộ Tài chính chỉ có thể giám sát, thanh tra kiểm tra thôi, trong khi xu hướng của Chính phủ cũng là dần giao việc định giá cho các bộ chuyên ngành, lấy ví dụ việc điều chỉnh trách nhiệm về giá điện, xăng, đất đai, học phí, viện phí... thời gian qua.

"Việc điều hòa cung cầu, kiểm soát tồn kho, phân phối cũng là việc của bộ chuyên ngành chứ không phải của Bộ Tài chính", ông Ninh nói.

Bộ Tài chính cũng không thể biết các sản phẩm thuốc mới, nên thành lập hội đồng quốc gia về giá thuốc thì Bộ Y tế vẫn phải đứng đầu, chịu trách nhiệm trước quốc dân đồng bào và Chính phủ về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thời gian qua Bộ Y tế một mình quản lý thấy khó khăn, hạn chế thì Bộ Tài chính cần chia sẻ.

"Qua việc quản lý giá đất, xăng dầu, điện... cho thấy cần có người chịu trách nhiệm chính và có người kiểm tra. Bộ Y tế quy định giá thuốc cụ thể, dựa trên những nguyên tắc, cơ sở hình thành giá do Bộ Tài chính đưa ra. Bộ Tài chính cũng phải thẩm định những giá nhạy cảm", theo Thủ tướng như thế cũng phù hợp với luật Giá.

Bộ trưởng Y tế vẫn cho rằng Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm về giá như bình ổn giá, quy định mức tối đa, tối thiểu, thanh kiểm tra... Bộ Công thương cũng phải tham gia trong việc công bố giá thuốc gốc, chống thuốc giả, thuốc nhái... Bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh Bộ Y tế "không đùn đẩy trách nhiệm" mà vẫn đảm bảo các vấn đề về chuyên môn, chuyên ngành.

Do ý kiến còn quá khác nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu hai bộ, các phó thủ tướng và các cơ quan liên quan bàn lại. "Phải kéo được giá thuốc ở các bệnh viện xuống, không thì dân khổ quá vì thuốc là mặt hàng không bao giờ được trả giá, nói bao nhiêu thì vay mượn cũng phải mua bấy nhiêu", Thủ tướng nói.

Nhân đó, ông Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở Bộ trưởng Y tế một loạt vấn đề như giá thuốc càng đấu thầu càng cao, liên kết giữa bệnh viện, bác sĩ với các nhà thuốc, việc cấp phép hành nghề cho dược sĩ, bác sĩ, BHYT từ vùng sâu vùng xa gom về cho đô thị, ngành công nghiệp dược quốc doanh còn yếu kém, từ hoạt chất đến thuốc đặc trị đều phải nhập khẩu..., và nhấn mạnh lại nguyên tắc: có cơ quan chịu trách nhiệm phải có cả cơ quan giám sát.

Chung Hoàng