- Xung quanh dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có hay không quy định về doanh nghiệp nhà nước trong luật này.

>> Cách chức lãnh đạo DNNN chần chừ cổ phần hóa
>> Sẽ cổ phần hóa 500 DNNN trong 2 năm

Trình bày tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật hôm nay (21/3), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo luật có một chương riêng về DNNN, quy định chức năng, vai trò, nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, quyền chủ sở hữu, đặc thù trong quản trị, yêu cầu công khai minh bạch hóa thông tin…

Chương này không coi DNNN như một hình thức pháp lý mới về tổ chức kinh doanh, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng quy định như thế có thể gây ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác, ông Nguyễn Chí Dũng phản ánh.

Do đó, Bộ KH – ĐT đề xuất chuyển nội dung chương trình này sang một dự luật khác về đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

{keywords}
Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thấy nội dung dự kiến của chương DNNN không có ưu ái gì đặc biệt, không mâu thuẫn với các loại hình doanh nghiệp khác, nên có cũng không sao. “Nhưng trên thực tế vẫn có dư luận, tâm lý, bình luận”, ông Ninh thừa nhận.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vì DNNN khác các loại hình doanh nghiệp khác nên luật Doanh nghiệp vẫn cần có chương riêng. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy nếu đưa vào luật mà có ích cho việc quản lý DNNN thì nên có chương riêng.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng thì cho biết quan điểm của Bộ Tư pháp là cần có chương riêng, nhưng để tránh hiểu nhầm DNNN là một loại hình pháp lý mới hay có sự phân biệt đối xử, đề nghị đổi tên chương thành “Một số quy định đặc thù trong quản trị đối với doanh nghiệp có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: DNNN có những điểm khác với doanh nghiệp tư nhân, nhưng do không làm luật riêng nên DNNN vẫn hoạt động theo luật chung.

“Nói kinh tế nhà nước là chủ đạo, DNNN là nòng cốt thì có phải khẳng định trong luật không? Luật Doanh nghiệp mà không nói đến DNNN thì DNNN nói ở đâu?”, Thủ tướng hỏi.

Không đồng tình đề xuất của Bộ Tư pháp, Thủ tướng yêu cầu ghi rõ tên chương là DNNN, một khái niệm mà quốc tế công nhận, trong đó làm rõ DNNN cũng nằm trong các loại hình doanh nghiệp nói chung nhưng có những đặc thù về quản trị.

Còn những vấn đề về vốn sẽ quy định trong luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp do Bộ Tài chính soạn thảo. Theo đó, dòng vốn nhà nước vào doanh nghiệp phải đảm bảo không dàn trải, tập trung vào những ngành then chốt, các địa bàn gắn với kinh tế quốc phòng an ninh, bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, công khai minh bạch và giám sát chặt chẽ…

Đối với cả hai dự thảo luật, khi nói về vai trò của chủ sở hữu tại DNNN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Đang thực hiện theo Nghị định 99 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, chưa có tổng kết nên trong luật chỉ nên nhấn mạnh nguyên tắc: tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng của chủ sở hữu đối với DNNN.

Thủ tướng cũng cho biết có ý kiến khác nhau về mô hình quản lý DNNN.

“Trước đây DNNN không được tự chủ, nhất nhất đều phải báo cáo lên bộ, chủ sở hữu. Khi chuyển sang kinh tế thị trường thì giao mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp, có Hội đồng quản trị là đại diện cho chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp, thì chức năng chủ sở hữu của cơ quan nhà nước mờ nhạt đi, thấy buông lỏng quá, giao hết cho doanh nghiệp thì gay go quá”, Thủ tướng nói.

Thế nên, có ý kiến là trở lại cách cũ, doanh nghiệp được tự chủ, tự quyết định nhưng cơ quan cấp trên là bộ, chứ không phải Thủ tướng. Loại ý kiến thứ hai là lập một bộ hoặc ủy ban riêng để quản lý DNNN.

“Nhưng qua thảo luận Chính phủ thấy chưa đủ căn cứ để lập. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng nói không thể có một bộ hay ủy ban nào quản lý hết được mấy ngàn doanh nghiệp đa dạng như vậy, không nên từ cực này sang cực khác, trong thực tiễn Việt Nam DNNN không giao nhà nước quản lý thì giao cho ai, xóa bỏ bộ chủ quản thì ai quản…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Chung Hoàng