- Lần đầu tiên, một quan chức ngoại giao cấp cao EU giao lưu trực tuyến với độc giả Việt Nam. Ông David O'Sullivan, Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) đã có mặt tại tòa soạn VietNamNet chiều nay (25/3).

2 năm trở lại đây, những người nội trợ ở Hà Nội hay TP.HCM vẫn chưa nguôi cơn sốt về một dòng sản phẩm gia dụng bình dân nhưng đa dạng, đẹp mắt của Thụy Điển. 

Có những diễn đàn mở trên mạng, nơi chị em nội trợ bàn tán sôi nổi, mách nhau những địa chỉ bán theo dạng hàng xách tay. Lúc đầu họ bàn tán chỉ vì một chuyện "hơi bực", đó là phải mua qua kênh thứ ba, tức hãng này không vào thị trường Việt Nam trực tiếp. 

Vậy là những kênh buôn bán nhỏ lẻ, theo dạng hàng xách tay loại sản phẩm gia dụng của hãng này đua nhau mở ra, với nguồn hàng chủ yếu từ Singapore hay Trung Quốc, với giá bán vênh nhau đến khó hiểu. Nhưng hàng nào cũng đắt hàng. Còn các chị em vẫn sôi nổi trên diễn đàn với phỏng đoán "hãng gia dụng chắc chắn sẽ vào thị trường 90 triệu dân".

Chuyện tán trên chỉ là một trong nhiều gợi ý về một châu Âu không xa lạ với người Việt Nam. 

Năm 1990, Liên minh châu Âu đã "làm bạn" của Việt Nam vừa mở cửa không lâu theo một văn bản ngoại giao chính thức. 24 năm qua, châu Âu đã chuyển mối quan hệ với Việt Nam từ tập trung thương mại và viện trợ ban đầu sang quan hệ đối tác chính trị đa dạng và rộng hơn. 

{keywords}

Tổng biên tập VietNamNet Bùi Sỹ Hoa và Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) David O'Sullivan. Ảnh: Phạm Hải

Năm 2012, EU đã thay thế Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất siêu của Việt Nam sang EU đạt 13 tỷ euro. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm ngoái ước đạt khoảng 32-33 tỷ USD.

Người châu Âu nay quá quen thuộc với các loại mặt hàng nông sản, da giày, dệt may, quần áo "made in Việt Nam".

Các quan sát, đánh giá cho rằng vẫn còn nhiều triển vọng tự do hóa thương mại hơn nữa. Câu chuyện của những người nội trợ về một mặt hàng của châu Âu có thể hiểu như một kỳ vọng. Nhất là khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (FTA) được ký kết vào cuối năm nay sẽ đưa hàng hóa châu Âu đến với Việt Nam và ngược lại "thuận buồm xuôi gió" hơn nhiều.

Những nội dung trên sẽ được khái quát hóa trong các vấn đề chính sách mà ông David O'Sullivan, Giám đốc điều hành Cơ quan Đối ngoại châu Âu đề cập với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội tuần này. 

Không chỉ kinh tế, thương mại mà toàn bộ các lĩnh vực hợp tác bao trùm, từ chính trị đến an ninh quốc phòng... cũng sẽ được ông đề cập trong các cuộc làm việc.

Quan chức ngoại giao cấp cao của EU cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội được lắng nghe cả từ phía người dân, về những cơ hội, kỳ vọng để mang một châu Âu gần gũi đến với Việt Nam và ngược lại. 

Có mặt tại tòa soạn VietNamNet lúc 14h30 hôm nay, ông David O'Sullivan giao lưu với độc giả về quan hệ EU-Việt Nam/ASEAN trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, như tính minh bạch trong các dự án ODA của EU tại Việt Nam, vai trò EU trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina...

NỘI DUNG CUỘC GIAO LƯU:

Phó Tổng biên tập VietNamNet Phạm Tuấn:

Xin chào mừng giám đốc điều hành cơ quan đối ngoại châu Âu David O’Sullivan đã đến tòa soạn VietNamNet để giao lưu với độc giả Việt Nam.

Trước hết, xin cảm ơn ông đã dành thời gian trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam đầy bận rộn để giao lưu với độc giả Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh với quý vị độc giả đây là lần đầu tiên một quan chức ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu giao lưu trực tuyến với độc giả tại một tòa soạn báo điện tử của Việt Nam.

{keywords}
Phó Tổng biên tập VietNamNet Phạm Anh Tuấn (trái) và ông David O'Sullivan. Ảnh: Phạm Hải

Ông David O’Sullivan đang có mặt tại Việt Nam để tham dự cuộc họp Tham vấn Chính trị Liên minh châu Âu - Việt Nam cũng như một số hoạt động liên quan quan hệ song phương giữa hai bên.

Cơ quan Đối ngoại châu Âu có thể được hiểu như một "Bộ Ngoại giao - Chính sách An ninh" của Liên minh châu Âu.

Là quan chức ngoại giao cấp cao thứ hai của cơ quan trên, sau bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao Ngoại giao của Liên minh châu Âu, ông David O'Sullivan sẵn sàng trao đổi về các vấn đề xoay quanh quan hệ EU-VN/ASEAN trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội cũng như sẵn lòng trả lời các câu hỏi liên quan các vấn đề quốc tế và khu vực khác.

Trước khi đến với câu hỏi của độc giả, xin mời ngài David O’Sullivan có vài lời giới thiệu với độc giả VietNamNet về mục đích chuyến thăm đến Việt Nam lần này.

Ông David O'Sullivan chia sẻ: Xin cảm ơn rất nhiều vì đã cho tôi cơ hội được trò chuyện với người dân Việt Nam thông qua VietNamNet.

Như chúng ta đã biết, Liên minh châu Âu và Việt Nam có mối quan hệ gắn kết lịch sử trong một thời gian dài. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến mối quan hệ ngày càng được tăng cường hơn nữa. Năm 2012, hai bên đã ký hiệp định hợp tác và đối tác (PCA). Hiện hai bên đang trong những vòng đàm phán cuối cùng của một hiệp định thương mại song phương FTA.

Ngoài quan hệ về hợp tác thương mại, Việt Nam còn là đối tác phát triển của EU. VN là một trong những nước ở khu vực châu Á nhận được nhiều nhất nguồn tài trợ phát triển ODA từ EU. Trong tương lai, dự kiến nguồn hỗ trợ ODA từ EU dành cho Việt Nam dự kiến có thể sẽ tiếp tục tăng. Chúng tôi cũng đặt Việt Nam trong mối quan hệ khu vực. Việt Nam là một thành viên của ASEAN và chúng tôi mong chờ Việt Nam sẽ đóng một vai trò tốt, điều phối mối quan hệ giữa EU và ASEAN.

Nguyễn Thị Hồng, nữ - 37 tuổi

Tôi rất thích hàng hóa được sản xuất ở châu Âu và thường nhờ bạn bè đi châu Âu mua hộ. Ở Hà Nội có rất nhiều người mang hàng xách tay từ châu Âu về và bán giá khá cao so với giá gốc ở bên châu Âu. Qua báo chí, tôi được biết, EU và VN đang đàm phán một hiệp định thương mại. Liệu sau khi hiệp định này được ký kết, người dân như tôi có thể mua hàng hóa châu Âu ngay tại Việt Nam rẻ hơn không?

Một hiệp định thương mại tự do có bản chất là cắt giảm thuế quan, từ đó giảm giá hàng hóa, tăng cường xuất khẩu từ VN sang EU và ngược lại. FTA được thực hiện hiệu quả sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, VN và EU.

Không chỉ lợi ích về kinh tế thương mại, chúng tôi còn mong muốn FTA thúc đẩy hơn nữa đầu tư nước ngoài vào VN, vì với FTA, VN sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường EU, trở thành một cửa ngõ quan trọng để vào thị trường EU. Đồng thời, chúng tôi mong muốn FTA này tạo thêm một động lực để VN cải cách thể chế, tiến bộ kinh tế.

{keywords}

Kim Cương, nam - 40 tuổi

Báo chí Nhật Bản vừa phanh phui một vụ hối lộ trong dự án ODA của Nhật ở Việt Nam thuộc lĩnh vực đường sắt. Là một nhà viện trợ ODA không hoàn lại lớn cho Việt Nam, EU quan tâm thế nào về tính minh bạch trong các dự án ODA của mình ở Việt Nam? Liệu vụ việc của Nhật Bản có làm cho EU phải tính đến rà soát các dự án do EU tài trợ?

Bất cứ hành vi nào của tham nhũng cũng đều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế. Trong giai đoạn trung hạn, việc nỗ lực để loại bỏ bất cứ hành vi nào của tham nhũng là rất quan trọng.

EU có quy trình quản lý chặt chẽ đối với tất các dự án ODA, giám sát các dự án dòng vốn viện trợ phát triển này chặt chẽ. Bất kể dự án nào nếu bị phát hiện dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ can thiệp và xử lý nghiêm khắc. Đây cũng là vấn đề chúng tôi quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực loại bỏ các hành vi tham nhũng.

Nguyễn Nhật, nam - 45 tuổi

Một số nước Đông Âu đã từng làm điểm đến di cư của nhiều người Việt Nam những năm đầu 1990 và bây giờ họ định cư tại đó bằng quy chế thẻ xanh, chứ không phải là quy chế công dân. Ngày nay lại có xu hướng những người trẻ sang châu Âu lao động, du học và không ít người đã tìm cơ hội để ở lại định cư. Trong xu hướng già hóa dân số của mình, có khả năng thiếu hụt lực lượng lao động, liệu châu Âu có tiếp nhận dòng di cư này không?

Vấn đề nhập cư là một chủ đề nóng được bàn bạc trong EU mà đặc biệt là ở những quốc gia thành viên có trách nhiệm trong việc quản lý dòng nhập cư này.

Tất nhiên có sự liên hệ chặt chẽ giữa già hóa dân số, thiếu hụt nguồn nhân lực với vấn đề nhập cư, đặc biệt với những lao động có kỹ năng mà châu Âu rất cần nhưng khó kiếm.

Chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với những quốc gia có người nhập cư vào châu Âu, đặc biệt về vấn đề nhập cư trái phép và buôn bán người, sự liên hệ giữa nhập cư và phát triển. Như vậy, vấn đề lao động nhập cư vẫn sẽ quan trọng trong bối cảnh châu Âu hiện nay, nhưng chúng tôi phải có những chính sách để đảm bảo việc này không bị lợi dụng và vi phạm.

Vũ Hải Nam, nam - 36 tuổi

Tại sao Mỹ hăng hái tham gia tiếng nói vào tự do và an ninh hàng hải trong khu vực Biển Đông trong khi EU có vẻ “im hơi lặng tiếng”. Có phải EU không quan tâm đến Biển Đông không?

Tôi không nghĩ là EU im hơi lặng tiếng, chúng tôi đã lên tiếng khá mạnh mẽ, vì đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi có những lợi ích quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược trong những vùng hàng hải đang có tranh chấp.

Chúng ta không nên quên là có gần 50% hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của thế giới là đi qua Biển Đông, bất cứ sự cố lớn nào ở đây đều có thể ảnh hướng đến tự do lưu thông và tác động đến cả thế giới. Xung đột lớn trong khu vực sẽ có ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu.

Chúng tôi có quan điểm rất rõ ràng. Chúng tôi không có ý kiến gì về những tuyên bố chủ quyền và những tranh chấp lãnh thổ, chuyện ai sở hữu phần đất nào. Nhưng chúng tôi có quan điểm mạnh mẽ về cách thức và thái độ giải quyết các xung đột này và xây dựng lòng tin. Chúng tôi tin rằng các bên liên quan cần tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác  cho vấn đề này, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982.

Thụ, nam - 39 tuổi

EU tỏ ra mờ nhạt trong khủng hoảng ở Ukraina. Có phải vì EU sợ lợi ích của các công ty đầu tư lớn của châu Âu tại Nga bị ảnh hưởng và khả năng xảy ra một cuộc khủng khoảng khí đốt nếu đối đầu với Nga không?

Nói EU đóng vai trò mờ nhạt là không chính xác. Thực tế chúng tôi đã đề xuất ký hiệp định hợp tác toàn diện và hiệp định thương mại tự do với Ukraina, một láng giềng gần gũi, một quốc gia mà chúng tôi muốn có quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn. Chúng tôi đã rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng này.

Đương nhiên chúng tôi rất không hài lòng với những gì xảy ra  ở Crưm, đã có nhiều biện pháp quan trọng như làm chặt việc đi lại và cấp visa du lịch đối với một số quan chức liên quan. Chúng tôi cũng tỏ rõ thái độ, nếu tình hình không giảm căng thẳng hoặc trở nên căng thẳng hơn, chúng tôi sẵn sàng có những bước đi mạnh mẽ hơn.

Tất nhiên Nga cũng là một láng giềng của EU.  Lý tưởng nhất, chúng tôi muốn có thể tham gia vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng  để tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và chính trị cho vấn đề này.

{keywords}

Phan Văn, nam - 20 tuổi

Vừa qua Việt Nam là một trong 12 quốc gia tham gia vào chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích, mà người ta nghi ngờ khả năng bị khủng bố. Theo ông, với khả năng mạnh mẽ về an ninh quốc phòng của EU, liệu EU có thể giúp đỡ Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực về chiến lược và phương tiện kỹ thuật để giải quyết mọi tình huống có thể xảy ra?

Tôi nghĩ là nhiều nước thành viên EU đã tích cực tham gia tìm kiếm máy bay mất tích, ví dụ một công ty vệ tinh của Anh đã có đóng góp dữ liệu quan trọng để xác định vị trí khả nghi của chiếc máy bay.

Tất nhiên, quốc phòng và an ninh là điểm nhấn trong chương trình làm việc của EU và Việt Nam, cũng như trong bối cảnh chung quan hệ giữa EU và ASEAN. Ví dụ, tháng 11 năm ngoái đã có một cuộc hội thảo rất thành công giữa EU và ASEAN tổ chức ở Indonesia về an ninh hàng hải.

Thế nên, không chỉ là những vấn đề trước mặt đặt ra trong vụ việc máy bay mất tích này, chúng tôi vẫn hợp tác rất sâu rộng với ASEAN và Việt Nam trong những vấn đề này.

Nguyễn Đức, nam - 39 tuổi

Thưa ông, EU có thể giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực tăng cường khả năng an ninh quốc phòng để đối phó với những thách thức an ninh ngày càng gia tăng hiện nay?

EU không phải là một liên minh quân sự, thường là các nước thành viên cụ thể trong EU tham gia vào các vấn đề về quân sự. Tuy vậy, chúng tôi có cam kết hợp tác về an ninh và xử lý khủng hoảng, và chúng tôi đã có các cuộc đối thoại với VN.

Một đoàn cán bộ quân sự của Việt Nam mới đây đã đến Bỉ để tham gia đào tạo. Cùng lúc đó, một số nước thành viên EU như Pháp, Anh, Tây Ban Nha cũng có hợp tác an ninh quốc phòng với VN.

Đình Nguyên, nam - 21 tuổi

Việt Nam đã trải qua gần 30 năm đổi mới. EU đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam hơn 20 năm. EU đánh giá như thế nào về những thay đổi trong môi trường đầu tư và kinh doanh cũng như mức độ phát triển chung của quốc gia? Theo ông, đâu là những thách thức để Việt Nam phát triển cao hơn?

Chúng tôi rất ấn tượng với những thành tựu mà VN đạt được thời gian qua. VN là đất nước năng động và nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Ở châu Âu, chúng tôi rất tin tưởng vào tương lai của đất nước các bạn, vì chúng tôi tin là các bạn cam kết đổi mới kinh tế và chính quyền.

Tôi nghĩ một trong những vấn đề cần lưu ý là việc cải cách thể chế, đặc biệt là nguyên tắc nhà nước pháp quyền, tính ổn định và minh bạch trong pháp luật về thương mại và đầu tư ở VN. Còn nhiều việc phải làm nhưng cũng đã có nhiều điều đã làm được.

Thành Chương, nam - 39 tuổi

Ông có nghĩ Hiệp định TPP là một đối thủ của FTA EU - VN không?

Hoàn toàn không, mọi động thái tự do hóa thương mại đều là tích cực. Chúng tôi rất hoan nghênh ý tưởng của TPP, mong thành công và những kết quả tham vọng của TPP sẽ lan rộng. Cùng lúc đó, việc EU và Việt Nam tiến hành tự do hóa thương mại song phương cũng rất đáng hoan nghênh. Nó không chỉ đem lại lợi ích cho hai bên mà còn cho các đối tác khác trong khu vực.

Có một câu chuyện là khi EU đàm phán FTA với Hàn Quốc, Mỹ cũng tiến hành việc này. Mỹ lo ngại chúng tôi được lợi hơn, chúng tôi thì lo Mỹ được lợi hơn. Nhưng cuối cùng, cả ba bên, EU, Mỹ và Hàn Quốc đều được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tư do này. Tôi cho rằng TPP cũng có những mục đích tương tự.

Một doanh nghiệp tư nhân VN, nữ - 30 tuổi

Các DN xuất khẩu Việt Nam sang thị trường châu Âu sẽ được hưởng lợi thế nào sau khi FTA EU-VN được ký kết?

Lợi ích lớn nhất của FTA là nó mở cửa thị trường châu Âu trong khuôn khổ pháp luật và có tính ổn định. Nó cung cấp những khuôn khổ rõ ràng cho các doanh nghiệp VN để họ biết được các điều kiện dễ dàng tiếp cận thị trường châu Âu, đặc biệt với những mặt hàng như dệt may, da giày...

Nhưng FTA cũng không chỉ là việc cắt giảm các hàng rào thuế quan, mà nó rộng hơn, bao gồm cả khu vực dịch vụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ... Nó cũng sẽ thu hút đầu tư vào VN, và nếu được thực hiện hiệu quả, nó sẽ biến VN thành một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế khu vực ASEAN.

Vì thế, FTA này sẽ là một cú hích mạnh mẽ cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư mà nhiều doanh nghiệp VN sẽ được hưởng lợi, cũng như cho nền kinh tế châu Âu.

Ngọc Anh, nữ - 37 tuổi

EU đã thực sự bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế chưa? Theo ông người Việt Nam lúc này nên dự trữ tiền đồng euro hay đồng usd?

Nếu phải lựa chọn thì tôi đề xuất mạnh mẽ tiết kiệm bằng đồng euro, vì đó là đồng tiền mạnh và có giá trị ổn định. Kể cả trong giai đoạn khủng hoảng, đồng euro vẫn được dự trữ nhiều thứ hai trên thế giới.

Việc xử lý khủng hoảng hiện nay của chúng tôi đã đạt được tiến bộ, kinh tế không còn suy thoái nữa. Nhưng những cuộc khủng hoảng như thế này cần nhiều thời gian và nỗ lực để khắc phục. Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997 có quy mô nhỏ hơn vậy mà cũng sau nhiều năm mới giải quyết được.

Hiện châu Âu đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý nợ, trong đó có việc thành lập liên minh ngân hàng như một công cụ để hỗ trợ giải quyết tác động của khủng hoảng.

Ban Chính trị