Một chuyến công tác chỉ có 2 ngày làm việc song hàng chục sự kiện hết sức quan trọng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Việt Nam triển khai thành công. Điều gì đã làm nên ấn tượng nổi bật qua thành công chuyến công tác của Thủ tướng?

Những ngày cuối tháng 3/2014, bề ngoài của thành phố Hague (La Hay) vẫn diễn ra nhịp sống công nghiệp sôi động vốn có, nhưng ít ai biết an ninh ở đây đã được thắt chặt đến mức cao nhất. Bởi nơi đây diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3 với sự có mặt của 54 nhà lãnh đạo trong đó có các cường quốc hạt nhân “khủng” trên thế giới. Có cả thảy 14 Tổng thống, 1 Quốc vương, 16 Thủ tướng, nhiều Phó Tổng thống, Phó Thủ tướng; lại thêm sự góp mặt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc; Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Chủ tịch Liên minh châu Âu và Giám đốc Interpol.

{keywords}
Đại diện Ban Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 3  đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay

 

Những thành viên trong đoàn các nước đã cảm nhận được điều này khi máy bay của họ vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Schiphol của Thủ đô Amsterdam, Hà Lan. Khi máy bay tiếp đất, được dẫn tới một khu vực giữa “đồng không mông quạnh” cách biệt hẳn với sân bay thương mại, ở đó, ngoại trừ Trưởng đoàn là nguyên thủ quốc gia được nước chủ nhà đón thẳng về khu vực của đoàn, còn lại tất cả các thành viên đều phải tạm thời tá túc trong một khu nhà mới dựng tạm để tiến hành các quy trình, thủ tục kiểm tra an ninh nghiêm ngặt trước khi về nơi ở.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu; tham gia đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước và các Bộ trưởng, Thứ trưởng, một số Bộ, ngành liên quan.

Ấn tượng thứ nhất: Đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị

Tại Hội nghị các nước đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường an ninh hạt nhân trong thời gian tới, trong đó tập trung bàn về các biện pháp phối hợp giữa an toàn và an ninh hạt nhân, ngăn chặn khủng bố, tội phạm trong lĩnh vực sử dụng các chất phóng xạ, hạt nhân để đe dọa an toàn, an ninh của các quốc gia và sự sống của loài người. Hội nghị cũng đánh giá cao vai trò của IAEA trong việc điều phối hoạt động của các tổ chức quốc tế và các sáng kiến quốc tế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hợp tác đối với nỗ lực bảo đảm an ninh hạt nhân.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Thông cáo chung thể hiện quyết tâm của các nước trong việc tăng cường an ninh hạt nhân và ngăn chặn khủng bố hạt nhân; đề cao trách nhiệm cơ bản của các quốc gia đồng thời nhấn mạnh tăng cường hợp tác quốc tế trong đó IAEA giữ vai trò trung tâm.

Tham gia đầy đủ Chương trình nghị sự của Hội nghị, có các bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp toàn thể và các Phiên thảo luận chuyên đề, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định chính sách nhất quán và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân, thúc đẩy giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân; nhấn mạnh tăng cường hợp tác quốc tế trong đó có hỗ trợ các nước đang phát triển về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và bảo đảm an ninh hạt nhân; ủng hộ vai trò của các thể chế đa phương, nhất là vai trò của IAEA và Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu bật các biện pháp, kết quả bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao như từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh hạt nhân, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, phê chuẩn và gia nhập một số điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến an ninh hạt nhân, kết thúc thành công chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt, nỗ lực thực hiện Chương trình điện hạt nhân quốc gia một cách hiệu quả và đảm bảo an ninh, an toàn, đồng thời khẳng định Việt Nam đang chuẩn bị tích cực tham gia Công ước quốc tế về ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân.

Ban Tổ chức Hội nghị và các đoàn quốc tế đều có chung nhận xét: Đoàn Việt Nam đã tạo dựng được sự tin cậy, thể hiện tinh thần nghiêm túc, hết sức trách nhiệm, với nhiều sáng kiến có giá trị trong bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, đã đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị nói riêng và nỗ lực của cộng đồng quốc tế nói chung trong xu hướng hợp tác nhằm tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân.

Ấn tượng thứ 2: Tích cực tiếp xúc song phương, thiết thực và hiệu quả

Trong 2 ngày với dày đặc các hoạt động tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có 20 cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ các nước lớn và lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Ở cuộc nào, Thủ tướng cũng nhận được tình cảm, thái độ trân trọng của các nguyên thủ và lãnh đạo các tổ chức quốc tế cùng những đề nghị thẳng thắn, hiện chí hợp tác dành cho Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị lãnh đạo Việt Nam và Thủ tướng tăng cường trao đổi trực tiếp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Lý Khắc Cường khi có những vấn đề phức tạp, đột xuất phát sinh trong quan hệ giữa 2 nước. Ông cũng đề nghị Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy những những thỏa thuận để quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm sang thăm Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ mong muốn sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp gần nhất.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam bằng việc ông nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hoa Kỳ sẽ linh hoạt xem xét điều kiện cụ thể của Việt Nam trong đàm phán TPP; khẳng định Hoa Kỳ sẽ mở cửa cho hàng dệt may, giày dép, nông, thủy, sản của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ cũng như ông sẽ sớm sang thăm Việt Nam.

Tổng Thống Hàn Quốc Park Geun-hye mong muốn Việt Nam-Hàn Quốc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (FTA), góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư giữa hai nước. Bà cũng khẳng định Hàn Quốc sẽ sớm triển khai dự án Viện Khoa học-Công nghệ tại Việt Nam.

Bày tỏ mong muốn Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác đối tác chiến lược sâu rộng, Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cơ quan chức năng của 2 nước nghiêm túc phối hợp điều tra vụ việc công ty Nhật hối lộ để dành được dự án đường sắt ở Việt Nam; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc phối hợp với Việt Nam phòng, chống tiêu cực, tham nhũng đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA do Nhật Bản viện trợ.

Tổng Thống Pháp Francois Hollande mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp; khẳng định sẽ sớm sang thăm Việt Nam.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ bày tỏ nhất trí với quan điểm, đường lối nhất quán của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và việc giải quyết những tranh chấp, những vấn đề còn nhận thức khác biệt ở Biển Đông.

Bà Thủ tướng trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm sang thăm Đức vào một ngày gần nhất.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định ủng hộ việc giải quyết những tranh chấp ở Biển đông bằng con đường hòa bình, trên cở sở tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời nhấn mạnh sẽ nỗ lực cùng với Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư,… giữa 2 nước, đặc biệt là việc tiếp tục triển khai các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, sớm thực hiện dự án đầu tư ở Phú Quốc; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán Hiệp định TTP, nhất là về vấn đề DNNN, tiếp cận thị trường. Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ đề nghị mời Indonesia, Thái Lan cùng với Singapore và Việt Nam tham gia vào sáng kiến họp 4 nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Bên cạnh các tiếp xúc song phương nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso, Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gül, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, Thủ tướng Canada Stephen Harpe, Phó Tổng thống Indonesia, Phó Tổng thống Philippines, Phó Thủ tướng Malaysia, Phó Thủ tướng Czech,…đã có các cuộc gặp, trao đổi cởi mở về những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Ở bất cứ cuộc tiếp xúc nào, lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế đều dành cho Việt Nam những đánh giá tích cực với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và đi đầu trong thực hiện các cam kết quốc tế; cho rằng Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, tạo được lòng tin chiến lược về quan điểm, đường lối đối ngoại rộng mở của mình vì một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển cùng có lợi, không có chiến tranh, không còn đói nghèo….

Ấn tượng thứ ba: Như một chuyến thăm chính thức Hà Lan

Song song với các hoạt động tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên trong đoàn đã tiến hành nhiều hoạt động song phương với Hà Lan.

Trong hội đàm, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đóng góp tích cực cho sự thành công của Hội nghị; cam kết ủng hộ Việt Nam phát triển bền vững; tin tưởng trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới, dự kiến vào trung tuần tháng 6, hai bên sẽ ký nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, cảng biển, đóng tàu, quốc phòng, biến đổi khí hậu,…

Hoàng hậu Hà Lan Maxima với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, trong buổi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về tài chính vi mô; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, phối hợp với Văn phòng UNDP tại Hà Nội để triển khai.

Giám đốc điều hành Công ty Đóng tàu Đa-men kiêm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Hà Lan Pim Su-man đánh giá cao hiệu quả hợp tác đóng tàu với các công ty thuộc Tập đoàn Vinashin.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hạ viện Hà Lan Át van đờ xtơ; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng gặp lãnh đạo Cơ quan Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) và cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan đồng chủ trì tọa đàm bàn tròn lãnh đạo các Tập đoàn lớn của Hà Lan và Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gặp Bộ trưởng Y tế Hà Lan Ê dit Sip pơ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình gặp Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan và một số doanh nghiệp Hà Lan; Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân tiếp Gián đốc BE-Basic Foundation; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát làm việc với Bộ Kinh tế; Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh làm việc với Bộ Quốc phòng Hà Lan;…

Các cuộc tiếp xúc và làm việc của các thành viên trong đoàn đã tập trung bàn biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ giữa 2 Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tăng cường các lĩnh vực hợp tác song phương thuộc ưu tiên và quan tâm của hai nước.

Kết thúc chương trình làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm, nói chuyện với cán Bộ Đại sứ quán Việt Nam và đông đảo đại diện cộng đồng người Việt tại Hà Lan.

Phát biểu và những hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân đã để lại ấn tượng sâu sắc với Ban Tổ chức và bạn bè quốc tế; thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thực thi các cam kết mà chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh đã đưa ra. Hơn thế nữa, các cuộc tiếp xúc song phương của Thủ tướng đã đưa ra một thông điệp rõ ràng, thuyết phục về một Việt Nam luôn thiện chí, đóng góp sáng kiến và những nỗ lực thực tế hướng đến xây dựng những cơ chế hợp tác vì hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Các cuộc tiếp xúc song phương Việt Nam-Hà Lan cho thấy nước chủ nhà rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy những hợp tác cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Có lẽ vì thế mà Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có một nhận xét thú vị: Những hoạt động đối ngoại của Việt Nam và Hà Lan trong dịp này thực chất có ý nghĩa như một chuyến thăm chính thức của Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đến Hà Lan vậy.

Tạm biệt La Hay, tạm biệt Hà Lan trong một đêm yên ả, lồng lộng gió biển. Thành phố bừng sáng hàng triệu ngọn đèn lung linh như những vì sao lấp lánh vẫy chào Đoàn. Không ai bảo ai mà tất cả cùng chung nhau một cảm xúc về chuyến công tác của Đoàn Việt Nam do Thủ tướng dẫn đầu, như ai đó lúc chờ bạn làm tục tiễn ra cửa máy bay đã nhận xét: “Ấn tượng về chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này là sự tiếp nối dư âm thành công hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua; góp thêm nét mới vào bức tranh của công tác đối ngoại Việt Nam là luôn chủ động, sáng tạo, hoạt động tối đa trong qũy thời gian tối thiểu để thực thi có hiệu quả những hoạt động song phương và đa phương, mở ra những cơ hội vàng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam cùng những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

  • Việt Hưng