Giữa lúc sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crưm khiến phương Tây giận dữ, một trợ tá của ông đến châu Á, nhằm thắt chặt quan hệ với các đồng minh phương Đông.
Ảnh: Reuters |
Chủ tịch tập đoàn dầu khí Rosneft - Igor Sechin - là một trong những người thân cận nhất của ông Putin. Rất kín tiếng, chẳng mấy khi xuất đầu lộ diện nhưng cựu đặc vụ an ninh Sechin lại gần như đứng đầu trong hệ thống cấp bậc của điện Kremlin từ khi ông Putin đắc cử Tổng thống lần đầu năm 2000.
Trong chuyến đi lần này, Igor Sechin đã tập trung báo chí tại Tokyo để cảnh báo các chính phủ phương Tây rằng, những biện pháp cấm vận mà họ áp dụng với Moscow vì việc sáp nhập bán đảo ở Biển Đen có thể gây phản ứng ngược.
Thông điệp ‘ngầm’ của người đứng đầu tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga khá rõ ràng: Nếu châu Âu và Mỹ cô lập Nga, Moscow sẽ hướng sang phía Đông cho các dự án, thoả thuận năng lượng, những hợp đồng quân sự và liên minh chính trị mới.
Con át chủ bài cho Moscow là một thoả thuận cung cấp khí tự nhiên với Trung Quốc giờ đây đang dần thành hiện thực sau nhiều năm đàm phán. Nếu nó được ký kết khi ông Putin thăm Trung Quốc vào tháng 5, ông có thể “giơ cao” nó lên mà tuyên bố rằng, quyền lực toàn cầu đã chuyển về phía Đông và ông không cần tới phương Tây.
"Do các mối quan hệ tồi tệ của Nga với phương Tây, nên Moscow sẽ muốn gần gũi hơn với Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh ủng hộ, sẽ không ai nói họ bị cô lập”, Vasily Kashin, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại tổ chức Phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) cho biết.
Có một số tín hiệu đã khuyến khích Putin khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an về dự thảo nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý gia nhập Nga của Crưm.
Mặc dù Bắc Kinh lo lắng rằng, cuộc trưng cầu dân ý có thể tạo ra tiền lệ cho các khu vực của nước khác kiểu như Tây Tạng của Trung Quốc, nhưng họ từ chối chỉ trích Moscow.
Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng không hề thích thú với nền dân chủ kiểu phương Tây.
Putin đã cảm ơn Trung Quốc xung quanh vấn đề Ukraina trong bài phát biểu trước khi ký sắc lệnh sáp nhập Crưm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt trong xây dựng quan hệ với Moscow và Putin khi chọn Nga làm điểm công du nước ngoài đầu tiên ở cương vị lãnh đạo mới và tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Sochi tháng trước.
Nhiều lãnh đạo phương Tây đã không tới tham dự buổi lễ sau khi chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Nga. Ngược lại, khi Putin và ông Tập thảo luận về Ukraina qua điện đàm ngày 4/3, Kremlin tuyên bố lập trường của họ khá “gần gũi”.
Một liên minh mạnh mẽ giữa hai nước cũng còn nhằm tạo ra đối trọng với Mỹ.
Ấm áp nhưng không thắm thiết
Bất chấp những dấu hiệu tích cực từ Bắc Kinh, Putin có thể nhận thấy việc gắn kết của Trung Quốc không thực sự quá thắm thiết. Vẫn còn sự thận trọng giữa hai bên bởi những ký ức tranh chấp biên giới những năm 1960.
Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom hy vọng sẽ bơm 38 tỉ mét khối khí tự nhiên mỗi năm cho Trung Quốc vào năm 2018 thông qua hệ thống ống dẫn đầu tiên giữa một nước sản xuất khí và một nước tiêu dùng lớn nhất thế giới. "Tháng năm nằm trong kế hoạch của chúng tôi”, người phát ngôn Gazprom trả lời khi được hỏi về thời điểm của thoả thuận.
Tuy nhiên, cả hai bên vẫn đang tranh luận về giá cả và mối quan hệ của Nga với phương Tây có thể khiến Trung Quốc cứng rắn trong quan điểm. Theo những nguồn tin công nghiệp Nga, Bắc Kinh hướng đến mục tiêu giá thấp hơn châu Âu – nơi Gazprom có một nửa tổng doanh thu.
Biến động tại tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (đang ở trung tâm cuộc điều tra tham nhũng) có thể là một nguyên nhân khác gây chậm trễ. Valery Nesterov, nhà phân tích tại Sberbank CIB ở Moscow cho rằng, Trung Quốc cũng cần thời gian để xem xét chiến lược năng lượng của họ.
"Điểm mấu chốt là đe doạ cấm vận đối với nguồn cung năng lượng từ Nga đã gián tiếp tăng cường vị thế của Trung Quốc trong đàm phán”, Nesterov nói.
Thúc đẩy giao thương
Nga đáp ứng gần 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu, sản lượng cung cấp cho EU và Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái vượt quá 162 tỉ mét khối - mức cao kỷ lục. Nhưng Trung Quốc đã vượt qua Đức để trở thành nước mua dầu thô lớn nhất của Nga năm nay do Rosneft có thoả thuận thúc đẩy nguồn cung dầu sang phía đông thông qua hệ thống ống dẫn Đông Siberia – Thái Bình Dương và một hệ thống khác qua Kazakhstan.
Nếu bị phương Tây cô lập với những biện pháp trừng phạt mới, Nga có thể tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực khác ngoài năng lượng.
Nhà phân tích Kashin nói rằng, triển vọng Nga cung cấp máy bay chiến đấu Sukhoi SU-35 cho Trung Quốc vốn bắt đầu thảo luận từ năm 2010 sẽ gia tăng.
Trung Quốc rất hứng thú đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng và hàng hoá ở Nga. Sụt giảm trong giao thương với phương Tây có thể buộc Nga phải từ bỏ sự e dè với đầu tư Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp chiến lược. "Với cấm vận phương Tây, không khí có thể thay đổi nhanh chóng có lợi cho Trung Quốc”, Brian Zimbler, giám đốc điều hành hãng luật quốc tế Morgan Lewis có trụ sở ở Moscow nói.
Kim ngạch thương mại Nga – Trung tăng 8,2% trong năm 2013 đạt 8,1 tỉ USD nhưng Nga vẫn chỉ là đối tác xuất khẩu lớn thứ bảy của Trung Quốc, và không có mặt trong top 10 nước nhập khẩu hàng hoá. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại.
Nhật khó xử, Ấn bắt tay
Sechin tại Tokyo đã thúc giục các nhà đầu tư Nhật hợp tác nhiều hơn để phát triển dầu khí của Nga. Rosneft có một số dự án với công ty của Nhật. Tokyo dưới thời của Thủ tướng Abe cũng rất nỗ lực cải thiện quan hệ với Moscow bất chấp còn tranh chấp lãnh thổ từ thời Thế chiến II.
Tuy nhiên, Nhật bị lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về vấn đề Crưm vì chịu áp lực áp dụng lệnh trừng phạt với Moscow khi là thành viên nhóm G7. Trong khi đó, quan hệ hai bên được dẫn dắt bởi lợi ích năng lượng chung. Nga có kế hoạch tăng ít nhất là gấp đôi dòng chảy dầu khí tới châu Á trong 20 năm tới, còn Nhật thì nhập khẩu lượng lớn nhiên liệu hoá thạch để thay thế cho năng lượng thiếu hụt từ ngành công nghiệp điện hạt nhân sau thảm hoạ Fukushima 2011.
Nếu Nhật thấy khó xử thì dường như Putin lại không bị mất ngủ. "Tôi không nghĩ Putin lo lắng nhiều về Nhật, ông chỉ nghĩ tới Trung Quốc”, Alexei Vlasov, chuyên gia phân tích chính trị xã hội Nga cho biết.
Dĩ nhiên, Putin cũng dành thời gian để đến gần một nước khác ngoài Trung Quốc – đó là Ấn Độ. Ông cũng cảm ơn họ vì đã hiểu vấn đề Ukraina và Crưm khi nói, Ấn Độ thể hiện “sự kiềm chế và khách quan”.
Ông cũng đã gọi cho Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh để thảo luận về cuộc khủng hoảng. Dù Ấn Độ là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Mỹ, nhưng Nga vẫn là nhà cung cấp quốc phòng quan trọng và hai bên đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị.
Với Putin, cuộc khủng hoảng Crưm là một trường hợp thử nghiệm các ý tưởng ông đưa ra trong chiến lược đối ngoại từ hai năm trước – khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ ba.
Khi ấy, ông nói muốn giao thương mạnh mẽ hơn với Trung Quốc để “khiến ngọn gió Trung Quốc thổi vào cánh buồm kinh tế của chúng tôi”. Nhưng ông cũng khẳng định, Nga phải là “một phần của thế giới lớn hơn".
- Thái An (theo Reuters)