- Theo Bộ trưởng Công thương, tháng 4 này sẽ ban hành quy định về công khai, minh bạch giá điện.

Tại phiên chất vấn của UBTVQH sáng nay (1/4), trả lời ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) liên quan đến việc người dân chưa đồng tình với cách tính giá điện, giải pháp công khai minh bạch khi tăng giá, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, đến năm 2023 sẽ hoàn thành thị trường bán lẻ điện cáp cạnh tranh, 2024 sẽ hoàn thành thị trường bán điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

{keywords}
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: VGP

“Không có lý do gì để chúng ta không thực hiện lộ trình này. Về biện pháp, thị trường phát điện cạnh tranh từ năm 2012 đã vận hành chính thức. Cho đến nay, 48 nhà máy điện đã tham gia vào thị trường, chào giá công khai và 5 tổng công ty điện lực có quyền lựa chọn để mua sản phẩm của những nhà máy có giá cạnh tranh”, ông Hoàng nói.

Bộ Công thương sẽ sắp xếp, tái cơ cấu ngành điện, tức là hình thành những doanh nghiệp độc lập, hạch toán độc lập, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội.

“Vừa qua đã thành lập 5 tổng công ty mua điện, 3 tổng công ty phát điện độc lập”, Bộ trưởng khẳng định.

Sau mỗi năm hoạt động đều có kiểm toán, sau đó có liên ngành Công thương - Tài chính, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tham gia vào xem việc tính toán giá thành điện có hợp lý hay không. Trên cơ sở đó mới xem xét những kiến nghị của ngành điện xem có cho phép nâng giá trong thời gian tiếp theo không.

Ông Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, tới đây Bộ Công thương sẽ ban hành đề án nói rõ như thế nào là công khai, minh bạch, những nội dung gì cần công khai, minh bạch và trong điều kiện nào thì được nâng giá điện.

“Dự kiến, trong tháng 4 sẽ ban hành quy định về công khai, minh bạch giá điện. Sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát, nếu thấy phù hợp thì đồng thuận ủng hộ cho ngành điện.” - ông Hoàng khẳng định.

Chỉ có 1 dự án tính vào giá bán điện

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi… tính vào giá bán điện, trong 6 dự án nhiệt điện của EVN gồm Ô Môn 1, Phú Mỹ 1 và 4, Nghi Sơn 1, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1 đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”.

Tuy nhiên, trên thực tế đó là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.

Vấn đề này được các đại biểu QH đề nghị Bộ trưởng làm rõ.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho hay, tại báo cáo gửi UBTVQH, Bộ trưởng có nói đang chờ Bộ Tài chính hoàn chỉnh dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành tại các dự án điện.

“Nhưng vấn đề tôi quan tâm là quan điểm của Bộ trưởng trong việc xử lý thế nào? Với số nợ hiện nay, bao giờ EVN sẽ trả hết nợ?”, ĐB Nghĩa hỏi.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, "chỉ có một dự án đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất, nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,3-3,7 tỷ đồng một năm.

Riêng đối với công trình bể bơi, sân tenis đưa vào chi phí ngành điện, ông Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong 6 dự án nhiệt điện của EVN chỉ có nhiệt điện Ô Môn 1 có xây bể bơi và nhiệt điện Nghi Sơn có xây sân tenis, một số dự án có biệt thự nhưng xây dựng để cho chuyên gia nước ngoài vào làm.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng khẳng định, các công trình này xây dựng ở nơi xa trung tâm vì các chuyên gia phải bám công trình. Khi hết thời hạn bảo hành, chuyên gia nước ngoài rút, công trình được trả lại cho cán bộ công nhân viên sử dụng.

Kết lại, ông Vũ Huy Hoàng nói, Bộ Tài chính đã dự thảo xin ý kiến các bộ và Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời. Không có câu chuyện đưa chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành điện, trừ một dự án.

Tá Lâm