- Khi dư luận không đồng tình với kết quả đánh giá cán bộ, công chức thì cần xem xét lại hệ thống đánh giá - Thủ tướng nói với tư lệnh ngành nội vụ.
Trong phiên họp Chính phủ sáng 1/4, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay áp lực xã hội về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm rất lớn. Hệ thống các văn bản từ của Đảng đến Nhà nước tương đối đầy đủ, rõ ràng song các quy định, văn bản nằm rải rác, có thể khiến việc thực hiện đánh giá chất lượng cán bộ, công chức chưa được đặt tập trung.
Bộ Nội vụ có tờ trình xin ý kiến Chính phủ cho phép Bộ chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức TƯ xây dựng nghị định đánh giá nhận xét, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tập trung vào một văn bản.
Dứt khoát không tăng biên chế từ nay đến 2016
Liên quan đề án cải cách công vụ, công chức từ nay đến 2015, Bộ trưởng Nội vụ cho hay trong quá trình triển khai nổi lên một số vấn đề như mô tả công việc, xác định vị trí việc làm của các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập. "Có cảm giác vì chúng ta thấy khó quá nên một số nơi làm chậm" - ông Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai đề án xây dựng chức danh nghề nghiệp của đội ngũ viên chức, xác định vị trí việc làm của các bộ, ngành.
Theo ông, nếu không làm sớm thì không có căn cứ, cơ sở để giao biên chế tăng hay giảm trong khi có một thực tế "bộ ngành, địa phương nào cũng xin tăng biên chế trong khi mô tả công việc, xác định vị trí việc làm thì chậm, ì ạch, không đạt tiến độ" khiến Bộ Nội vụ "chịu áp lực lớn".
Ông thúc giục bộ, ngành, địa phương quan tậm thực hiện NQ TƯ 5 và NQ TƯ 7, trong đó kiên quyết "từ nay đến 2016 không tăng biên chế". "Trong một bộ, tỉnh, thành có đơn vị có thể tăng, có đơn vị có thể giảm nhưng bình quân không tăng biên chế"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đánh giá cán bộ phải nói đúng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay có một thực tế việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức làm nghiêm túc nhưng không được dư luận đồng tình về kết quả. Tỉ lệ không hoàn thành nhiệm vụ như 0,6% (địa phương, tỉnh), 0,5% (bộ, ngành) là những con số thực tế đo từ hệ thống đánh giá đang tồn tại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhìn chung dư luận không đồng tình với kết quả đánh giá cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Nhật Bắc |
"Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn Quốc hội không dám nói, tôi nói không phải, anh cứ phải nói. Đấy là thực tế đánh giá của chúng ta, mà đánh giá là từ dưới lên. Các đồng chí xem nếu Thủ tướng ngồi đây thì tin vào con số nào? Phải tin vào cơ sở, tổ chức, bộ máy của mình. Các bộ trưởng báo lên 0,5% thì tôi nói làm sao khác đi. Nhưng nhìn chung dư luận không đồng tình kết quả đó. Có ý kiến nói 20%, có nơi nói 30%....Vậy phải kiểm tra, khảo sát coi thực tế tiêu chí mình đưa ra đánh giá chưa sát, hay do bên dưới chưa làm nghiêm túc?".
Thủ tướng cho rằng phải xác định rõ chức danh công chức, việc làm cụ thể, những tiêu chí như kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác Lê, phẩm chất đạo đức tốt thì ai cũng có thể giống nhau, nhưng bản thân mỗi cán bộ, công chức làm được gì cụ thể phải nói đúng thực tế.
"Bản thân tôi, đứng về chức năng nhiệm vụ mình nhận là 'hoàn thành' nhưng còn e ngại. Nói hoàn thành còn thấy có cái chưa được. Đánh giá có 4 mức: xuất sắc, tốt, hoàn thành, không hoàn thành. Kiểm tra, khảo sát thực tế tiêu chí mình đưa ra để đánh giá, do tiêu chí đưa ra chưa sát, hay do bên dưới làm chưa nghiêm túc?" - Thủ tướng gợi ý.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp xây dựng nghị định về đánh giá, nhận xét, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tập trung vào một văn bản. Nhưng trước hết cần rà soát tính khả thi của hệ thống đánh giá chất lượng cán bộ hiện nay.
Linh Thư