Philippines đã gửi công hàm chính thức đến Liên hợp quốc để phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông.


Philippines cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với các đảo và vùng biển lân cận tại Biển Đông là không có cơ sở luật pháp quốc tế. Hãng tin AP đã thấy bản copy công hàm phản đối Trung Quốc mà Philippines gửi tới LHQ.

Philippines, Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, khu vực được coi là rất giàu trữ lượng dầu và khí tự nhiên.

"Không có cơ sở luật pháp quốc tế"

Trong công hàm gửi tới Ban phụ trách các vấn đề Đại dương và Luật biển của LHQ, Philippines tuyên bố, nhóm đảo Kalayaan là một phần không tách rời của Philippines, rằng nước này có chủ quyền với vùng biển xung quanh hoặc tiếp giáp với mỗi đặc trưng địa chất trong Nhóm đảo Kalayaan theo quy định của luật pháp quốc tế, cũng như theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).


Ảnh minh họa: lastprice.wordpress.com

Philippines khẳng định, vùng biển tiếp giáp tới các đặc điểm địa chất tại Nhóm đảo Kalaayan đã được xác định bởi các biện pháp pháp lý và kỹ thuật, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “với vùng biển liên quan cũng như đáy biển và thềm lục địa” bên ngoài của các đặc trưng địa chất là “không có cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS".

Sự phản đối của Philipplines xuất hiện sau khi một tàu tìm kiếm thăm dò dầu khí nước này thông tin về việc bị hai tàu tuần tra của Trung Quốc “quấy nhiễu”. Quân đội Philippines đã triển khai hai máy bay chiến đấu tới khu vực xảy ra vụ việc và tàu Trung Quốc sau đó rời đi mà không có đụng độ gì.

Tại cuộc họp báo chung ngày 8/3 ở Jakarta, hai Tổng thống Indonesia và Philippines cho rằng tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán. Về vụ tàu thăm dò dầu khí bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu, Tổng thống Philippines Benigno Aquino loại trừ bất kỳ “hành động đơn phương” nào của Philippines trong vụ việc này.

Ông Aquino khẳng định, hợp tác thăm dò với các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông nên được tiếp tục. “Cùng hợp tác thăm dò là ý tưởng đã được đề xuất trong các thập niên trước, nhưng có lẽ chúng ta nên tiếp tục hội đàm với các nước tuyên bố chủ quyền khác. Không có chỗ cho hành động đơn phương ở khu vực đặc biệt này”, ông nói.

Vì nếu chúng ta hành động đơn phương, sẽ không giải quyết được vấn đề. Hy vọng rằng, với quan điểm coi đây là vấn đề quan tâm chung, một cơ hội chung, chúng ta sẽ có thể tiến lên phía trước trong việc sử dụng nguồn tài nguyên ở khu vực đặc biệt này nhằm tạo lợi ích cho tất cả các nước tuyên bố chủ quyền”.
Sau nhiều phản đối của các nước trong khu vực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư vẫn quả quyết chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông. Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh đầu tháng 3, bà tuyên bố: "Trung Quốc nắm giữ chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông. Trung Quốc tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng tham vấn thân thiện với các quốc gia khác”.

Thái An (Theo AP, inquirer)