- Phương án rút hay đăng cai tổ chức ASIAD 2019 vẫn bỏ ngỏ. Thủ tướng sẽ 'chốt' sau cuộc họp nghe giải trình lần cuối của Bộ trưởng VH-TT-DL tuần tới.

Đó là tinh thần Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ chiều tối 1/4 xung quanh việc đăng cai tổ chức đại hội thể thao lớn nhất châu Á.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong cuộc họp tuần tới, Thủ tướng muốn lắng nghe phương án cụ thể, có tính khả thi từ Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh, với điểm quan trọng nhất là kinh phí, cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Thủ tướng, Chính phủ muốn lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp, của nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài ngành thể thao để có quyết định "hợp tình hợp lý".

Dưới đây là nội dung trao đổi với báo chí của Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên liên quan ASIAD 18:

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VGP

Chưa đặt cọc đồng nào

Có nhiều ý kiến chuyên gia nói rằng 80% cơ sở vật chất mà Bộ VH-TT-DL tính toán, họ dùng từ "đánh cua trong lỗ", vì rất nhiều cơ sở được làm từ SEA Games 22, thời gian đã lâu. Trong khi đó, mức độ thi đấu của SEA Games so với ASIAD rất thấp, vì thi đấu ASIAD là thi đấu đỉnh cao, gần tương đương Olympic, vì vậy thiết bị thi đấu sẽ không đáp ứng được cho ASIAD 18. Tổng đầu tư không thể nằm con số dự báo là đáp ứng 80%. Chính phủ có lắng nghe ý kiến này không, nếu con số khả năng đáp ứng thấp hơn, như 30% hay một con số cụ thể nào đó thì Chính phủ có quyết dừng việc này không?

Bây giờ chưa quyết nên chưa trả lời được có dừng không. Chúng tôi tập hợp hầu hết các ý kiến góp ý từ nhiều phía trong vấn đề này. Mình không trách ngành thể thao đang cố gắng bảo vệ cho bằng được, đó là  trách nhiệm thôi. Ngành thể dục thể thao để vuột cái này thì họ bỏ cơ hội tổ chức sự kiện lớn đối với đất nước mình, không chỉ phục vụ cho ngành.

Lý lẽ có mấy việc: các cơ sở đã làm cho kỳ SEA Games, đại hội thể thao trước đó có thể sử dụng lại được, chỉ cần tu bổ nhẹ có thể đáp ứng và họ nói 80% có thể sử dụng được lại. Nếu không tổ chức ASIAD 2019 thì cũng phải bỏ một số kinh phí tu bổ, bảo trì khối tài sản này, chứ không khéo lãng phí. Đó là lý lẽ của người đang bảo vệ. Họ nói thuyết phục chứ không phải không. Điều kiện yêu cầu của ASIAD đã biết được là đong được, tính ra được cái giá được. Khi Thủ tướng, thường trực Chính phủ nghe kỹ báo cáo, họ đã chứng minh điều đó. Kể cả cơ quan thẩm định, cơ quan chức năng tài chính, kế hoạch, địa phương đã cho ý kiến. Sẽ xem xét để khi Thủ tướng làm việc sẽ có trách nhiệm để trả lời.

Trao đổi với những cán bộ trong ngành thể thao, họ cho hay để đăng cai ASIAD, Việt Nam phải nộp khoản tiền đặt cọc khá lớn. Xin hỏi Bộ trưởng đến nay đã chi đồng ngân sách cho việc tổ chức ASIAD chưa? Có thông tin nói chính vì đã đặt cọc như thế thì rút sẽ bị phạt. Thông tin mình rút sẽ bị phạt có đúng không?

Đến giờ này theo tôi biết mình chưa đặt cọc đồng nào cả. Chỉ có đăng cai, vận động, xét, giao cho mình nếu mình thực hiện mình có thể đáp ứng được Nhưng có chuyện quan trọng là mình đăng ký số tiền là 150 triệu USD.

Quá trình thẩm định từ 2010, dự định cho 2019, 9 năm sau đất nước phát triển cao, theo lộ trình phát triển nhưng tình hình khó khăn nên bây giờ đang ở thế có người nói tiến thoái lưỡng nan, thực ra tôi hiểu không có ràng buộc gì lớn ở chỗ này. Tiền lệ có 2 nước từng trả. Đến giờ này thể thao châu Á có 4 nước tổ chức, lịch sử có 2 nước vì điều kiện khách quan trả lại.

Tất nhiên có điều kiện để trả lại nhưng mình có lý lẽ nếu mình thấy không đủ tiền bạc, điều kiện đảm bảo thì mình cũng có thể rút. Tôi chưa hỏi, chưa nghe khi trả lại có bị phạt không, có chế tài không...

Thủ tướng sẽ kết luận có tình có lý

Một cơ quan chính phủ đăng ký một sự kiện thể thao hay văn hóa tuân theo quy trình thế nào? Tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng VH-TT-DL báo cáo phương án đăng cai việc tổ chức ASIAD. Bộ trưởng lại có giải trình trước UB của QH trước đó rồi. Xin cho biết quy trình Thủ tướng yêu cầu làm rõ có gì khác, mà lẽ ra trong Chính phủ phải thống nhất rồi mới báo cáo và bảo vệ phương án trước UB của QH? Có gì khác nhau, thưa Bộ trưởng?

Đây là sự kiện thể thao lớn ở châu Á, thể thao không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà mang ý nghĩa khác. Nước đăng cai có mấy lý do: được phân công, giao trách nhiệm, thứ hai do mình thấy rằng nhu cầu mình cần tạo một sự kiện để nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, đầu tư, xay dựng, tạo một điểm nhấn, qua đó phát triển mặt khác. Quy trình bạn hỏi đối với Chính phủ thì ngay vấn đề ASIAD 18, từ 2010, lục hồ sơ, khi đó Bộ VH-TT-DL nắm thông tin, có đề nghị. Lúc đó Thường trực Chính phủ, các đồng chí phụ trách mảng này bàn bạc thống nhất chủ trương để bắt đầu chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức ASIAD 2019 tại Việt Nam.

Sau khi được đồng ý chủ trương, Bộ VH-TT-DL phối hợp với các ngành, địa phương rà soát các công việc cần và đủ để tổ chức sự kiện lớn. Trước đó Việt Nam từng tổ chức sự kiện nhưng tầm cỡ, chưa lớn như ASIAD. Sau đó Olympic châu Á đồng ý cho Việt Nam đăng cai.

Giai đoạn hai là bắt tay chuẩn bị ráo riết báo cáo Chính phủ việc này. Nhiệm vụ của Bộ VH-TT-DL phối hợp các bộ ngành liên quan, cùng một số địa phương lân cận khảo sát, tính toán đối chiếu lại xem khả năng của mình có làm được không. Lúc đó Thường trực Chính phủ, Thủ tướng giao nắm kỹ, lắng nghe ý kiến, sau đó báo cáo Thường trực Chính phủ quyết định mình có đăng cai chính thức hay không.

Đến giờ này, về quá trình làm, Bộ VH-TT-DL có theo yêu cầu của UBTVQH báo cáo việc mình làm, trong đó có việc chuẩn bị cho ASIAD 18. Bộ trưởng đã báo cáo. Quan trọng là đến giờ này, những ngày qua lắng nghe nhiều ý kiến của nhân dân, từ chuyên gia, những người tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, cân phân, chi li, đưa ra luận cứ, có hình ảnh minh họa để thấy rằng nên hay không nên tổ chức sự kiện này. Trong đó nhiệm vụ báo chí cực kỳ quan trọng, có bài báo đọc công phu, sắc sảo góp ý cho Chính phủ trước khi nghe lần cuối quyết định. Sáng nay họp Chính phủ, Thủ tướng giao tuần sau Bộ trưởng VH-TT-DL báo cáo để Thủ tướng nghe và quyết định. Từ thông tin, luận cứ, góp ý, chắc chắn Thủ tướng sẽ kết luận một cách có tình có lý trên cơ sở lắng nghe từ nhiều phía.

Đến thời điểm này đã biết có các nhà đầu tư nào tham gia vào dự án liên quan vụ việc này?

Theo kinh phí tính 150 triệu USD thì có khoản xã hội hóa, chứ không phải tất cả của Nhà nước bỏ ra, ngành thể thao tính phần xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư ngoài nhà nước, kể cả địa phương tham gia nhưng dù địa phương hay trung ương thì cũng là ngân sách.

Phần xã hội hóa tại chúng ta chưa quyết tổ chức hay không nên một số nhà đầu tư mà ngành thể thao kêu gọi, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, như đua xe đạp lòng chảo, một hạng mục cứng trong phần tổ chức ASIAD tới, người ta sẵn sàng nhận nhưng cũng có điều kiện, thấy cũng khó với mình chứ không dễ. Ví dụ điều kiện thấy xung đột pháp luật của mình, mình chưa dễ gì chấp nhận được.

Những điều kiện đưa ra, bước đầu có xem xét, cân nhắc, bàn bạc, chỉ khi nào quyết định có hay không tổ chức ASIAD 18, thì lúc đó mới dám nhận kêu gọi chính thức nhà đầu tư.

Về việc đăng cai ASIAD, vướng mắc cũng chỉ là phương án khả thi hay không? Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng có phân tích về nguồn kinh phí và cơ sở hạ tầng. Vậy Chính phủ có thể phân tích kỹ hơn về tính khả thi trong trường hợp này không và theo tôi biết, Bộ VHTTDL đã 2 lần họp nhưng tới thời điểm này vẫn chưa có báo cáo gửi Thủ tướng trong khi thời gian không còn nhiều?

Khả thi hay không thì dễ thôi. Một người nói là nên làm, một người nói không, cứ cho là 50/50. Khi đưa ra, người ta sẽ nêu rõ “nên” là như thế nào. Bây giờ mình chưa được nghe nên chưa thể trao đổi ở đây.

Mỗi phương án đều có mặt nhược và ưu điểm. Khi đưa ra 2 phương án, có sự so sánh thì người lãnh đạo sẽ cân nhắc, xem xét. Giờ tính khả thi là như vậy, nhưng còn có ý nghĩa không thể cân đong đo đếm. Công bằng mà nói, trên thực tế, chưa bao giờ tổ chức đại hội thể dục thể thao mà tính ngay đến chuyện lời lãi, nhưng chúng ta thu được nhiều mặt. Đó cũng là khía cạnh để cân nhắc, để thông cảm cho người hiện đang tập trung bảo vệ cho cái “nên”. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đất nước và hoàn cảnh chúng ta hiện nay, người lãnh đạo sẽ cân nhắc tính khả thi hay không. Sau khi có quyết định, tôi sẽ thông báo với báo giới.
 

Linh Thư
Video: Xuân Quý