- Chiếm gần 95% tổng vốn và 94% tổng doanh thu của khu vực kinh tế nhà nước nên kết quả của đề án tái cơ cấu DNNN đều trông đợi vào sự thành công của quá trình tái cơ cấu tại 32 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thuộc khối DN Trung ương.
Tốc độ tái cơ cấu tại 32 đơn vị này diễn ra với tốc độ chậm, chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, các DNNN này có nhiều lợi thế, có chức năng dẫn dắt nền kinh tế nên phải làm cho tốt vì nếu làm không tốt thì nói ai nghe?
Đây là thông tin được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu ra trong hội nghị “Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN khối DN Trung ương đến năm 2015” được Đảng ủy khối DN Trung ương tổ chức sáng 2/4 tại Hà Nội.
Khó định giá
2 nội dung quan trọng nhất của tái cơ cấu DNNN là cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành đều đang diễn ra với tốc độ chậm.
Theo báo cáo, từ nay tới năm 2015, nhiệm vụ còn nặng nề khi thời gian không còn nhiều nhưng có 70 DN cần hoàn thành cổ phần hóa và cần tiếp tục thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 472 DN - gấp gần 3 lần số DN đã thoái vốn trong suốt 2 năm qua.
Theo tính toán của ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, từ nay tới thời hạn phải cổ phần hóa xong DNNN chỉ còn khoảng hơn 9 tháng, trong khi đó còn tới 427 DN cần cổ phần hóa thì trừ cả ngày nghỉ, ngày lễ, tính ra trung bình mỗi ngày phải cổ phần hóa xong hơn 1 DN!
Đó là chưa kể đến chuyện khi tiến hành cổ phần hóa phải chọn tư vấn, xác định giá trị DN rất phức tạp, có thể làm chậm thêm nữa tiến độ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết định giá DN khi cổ phần hóa là việc khó. Còn ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) thì nêu: Cổ phần hóa xong rồi nhưng quyết toán cổ phần hóa cũng phải mất thêm 2 năm nữa.
Về thoái vốn, ông Muôn cho biết có 18 ngân hàng có sự góp vốn, đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị thành viên phải ưu tiên trong số 21.000 tỷ đồng cần thoái vốn.
Riêng về thoái vốn, ông Bảo cho rằng thoái vốn có nghĩa là bán DN. Nhưng với công ty bảo hiểm Dầu khí thuộc Petrolimex, đây là 1 trong 4 công ty hàng đầu về bảo hiểm tại Việt Nam, nếu thoái vốn, bán đi 51% thì coi như bán luôn DN này.
Trong khi đó, cơ cấu vốn của Petrolimex là 65% đến từ xăng dầu, 35% từ các nguồn khác. “Mà xăng dầu vừa rồi đâu có lãi nhiều, 60% lãi của Petrolimex là do cái khác mang lại. Thoái vốn vì thế cần xem xét cụ thể, nên duy trì những hoạt động vốn đang có hiệu quả để tiếp tục hoạt động”, ông Bảo cho hay.
Làm không tốt, nói ai nghe?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, 2015. Những DNNN này có có nhiều vốn và lợi thế nhưng kết quả hoạt động thì chưa được như kỳ vọng, cá biệt có nơi vi phạm pháp luật đã xử lý nghiêm, gây tác động xấu và khiến vai trò của DNNN bị ảnh hưởng
Theo ông, DNNN ở VN tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác.
“Anh Tuyển (nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển - PV) nói DNNN có nhiều lợi thế về vốn, đất. Phải xóa bỏ đặc quyền. Người ta không bảo DNNN xấu mà người ta sợ không có sự công bằng”, Phó Thủ tướng nói.
Để cụ thể hóa quan điểm này, ông Vũ Văn Ninh nêu ra vấn đề cần xác định phạm vi hoạt động cho DNNN thế nào cho vừa phải, phù hợp.
“Chúng ta chỉ giữ ở những khâu, công đoạn, địa bàn quan trọng và then chốt. Trong lĩnh vực điện chẳng hạn chỉ giữ khâu phân phối, các công đoạn khác có thể cổ phần hóa cho tư nhân làm. Các lĩnh vực an ninh quốc phòng, dịch vụ công thiết yếu, khoáng sản tự nhiên… do Nhà nước đảm nhận nhưng lưu ý là ngay cả với dịch vụ công thiết yếu thì chúng ta cũng đã xác định từng bước chuyển sang hạch toán, khuyến khích hạch toán như DN, tiến tới cổ phần hóa. Đó là quan điểm rất mạnh mẽ, bởi đổi mới dịch vụ công thiết yếu là khâu đột phá cần quyết tâm cao nhưng nay đã thông suốt rồi”.
Xác định DNNN là “cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trong quá trình tái cơ cấu, ngoài trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành thì DNNN phải tập trung đổi mới quản trị, công khai minh bạch, cơ cấu lại nhân lực, kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo “vì có nhiều DN thay lãnh đạo một cái là khác ngay”.
Bên cạnh đó cần đặc biệt chú ý và phải đi đầu trong hợp tác quốc tế, đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy và dẫn dắt nền kinh tế phát triển. “Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng mình làm không tốt thì nói ai nghe? Mình đi đầu, dẫn dắt cơ mà?”, ông nói.
2014 sẽ cổ phần hóa Tập đoàn Dệt may, TCty Hàng không Theo kế hoạch, đến năm 2015 sẽ cổ phần hóa tiếp 4 công ty mẹ của các Tổng công ty còn lại là: Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị, Tổng công ty CN Xi măng. |
Cẩm Quyên