- Phát biểu với các tuyên truyền viên của 63 tỉnh, thành, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp cần được tổ chức một cách bài bản, khoa học, với quy mô trên phạm vi cả nước.

>> Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc Hiến pháp
>> Sẽ có luật về biểu tình, lập hội

Hội nghị toàn quốc tập huấn nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 cho báo cáo viên, tuyên truyền viên được tổ chức hôm nay (5/4) tại Hà Nội qua hình thức truyền hình trực tuyến.

Hội nghị do Bộ Tư pháp chủ trì và có sự tham dự của Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Hiến pháp năm 2013 có nhiều nội dung đổi mới hết sức quan trọng, nhất là các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường...; là cơ sở hiến định quan trọng mở đường cho việc tiếp tục thực hiện cải cách và phát triển mọi mặt của đất nước, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo ra cách hiểu đúng và thống nhất về HP. Ảnh: Báo ĐT Chính phủ

Vì vậy, việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống, phát huy các giá trị của Hiến pháp trong thực tiễn, đặc biệt là những điểm mới, tiến bộ là rất quan trọng.

“Với vai trò là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp mang ý nghĩa quan trọng, do đó, cần được quan tâm và tổ chức một cách bài bản, khoa học, với quy mô trên phạm vi cả nước”, Phó Thủ tướng nói.

Ông Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các báo cáo viên, tuyên truyền viên về vai trò chuyển tải Hiến pháp đến các đối tượng khác nhau trong xã hội: “Việc tạo ra cách hiểu đúng và thống nhất về nội dung, tinh thần và ý nghĩa của Hiến pháp có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống và phát huy giá trị trong thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Họ cũng cần xác định rõ phương pháp phù hợp khi phổ biến, giới thiệu Hiến pháp cho từng đối tượng người dân, tùy theo trình độ, nhận thức pháp lý của người dân, theo Phó Thủ tướng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Người dân có quyền đặt câu hỏi với các báo cáo viên, tuyên truyền viên về Hiến pháp. Phụ thuộc vào năng lực của người đi tuyên truyền, nếu họ nắm vững không những Hiến pháp mà cả hệ thống pháp luật thì sẽ trả lời được cho người dân mà vẫn đảm bảo đúng Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên, Hiến pháp là đạo luật gốc, đã được Quốc hội thông qua, bây giờ chỉ giải thích để người dân nắm rõ hơn tinh thần và nội dung để triển khai thực hiện. Những đề nghị, đề xuất của người dân mà khác với Hiến pháp sẽ được ghi nhận để sau này sửa đổi, nhưng chắc là còn lâu dài. Đó cũng là những kiến nghị cần thiết, phản hồi từ thực tiễn để tiếp tục đưa vào pháp luật cho đầy đủ hơn, phúc đáp yêu cầu của nhân dân tốt hơn.

Chung Hoàng