- Tại hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong, Việt Nam và Campuchia đã đề nghị Lào tham vấn ý kiến các nước thành viên trước khi xây đập thủy điện Xayabury và Don Sahong.
Ngày 5/4, tại TP.HCM, hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế đã chính thức khai mạc. Thủ tướng của 4 nước thành viên gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tới dự. Ngoài ra, 2 đối tác là Trung Quốc và Myanmar cùng với đại diện 18 đối tác phát triển và quan sát viên cũng dự hội nghị.
Ưu tiên đánh giá tác động các công trình thủy điện
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, là một thành viên có trách nhiệm đồng thời là nước ở cuối nguồn sông Mekong, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước ven sông đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cả khu vực.
Việt Nam hoan nghênh nỗ lực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc và Myanmar, đồng thời đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để giúp triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Ủy hội trong giai đoạn tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng 4 nước thành viên Ủy hội sông Mekong tham dự hội nghị cấp cao lần thứ 2 |
Tại hội nghị, các thành viên đã nhất trí thông qua tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết giữa các thành viên và cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong ký năm 1995.
Tuyên bố cũng xác định 6 lĩnh vực hoạt động ưu tiên và 6 định hướng cho hoạt động hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới, trong đó tập trung vào việc rà soát các kế hoạch chiến lược, đẩy mạnh các dự án nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính, các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro đối với hệ sinh thái sông Mekong.
Không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế
Tại buổi họp báo sau hội nghị, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là các công trình thủy điện được xây dựng trên dòng chính của sông Mekong gây ảnh hưởng đến các nước hạ nguồn, trong đó có đập Xayabury và Don Sahong của Lào.
Trả lời câu hỏi, hội nghị này đã có giải pháp hay đề nghị gì khi một số nước thành viên vẫn ưu tiên phát triển kinh tế của nước họ bằng việc xây các đập thủy điện trên sông Mekong gây ảnh hưởng đến các nước hạ nguồn, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai nói, câu hỏi này không chỉ chúng ta ngồi đây mà tất cả những người dân sống ở ĐBSCL cũng như hạ lưu sông Mekong của các đối tác phát triển đều hết sức quan tâm.
Theo ông Lai, nhu cầu phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của các nước đang phát triển là hết sức chính đáng. Nhưng tại hội nghị này, Thủ tướng của các nước thành viên cũng đã chỉ ra, chúng ta không thể hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, ông Lai nói.
Chính vì thế, lãnh đạo cấp cao của 4 nước chỉ đạo, cũng như đại diện của các đối tác phát triển hết sức đồng tình, mọi quyết định xây dựng công trình trên dòng chính sông Mekong phải dựa trên cơ sở vững chắc, thông tin số liệu chính xác và có sự tham vấn, thống nhất giữa các thành viên.
Trả lời câu hỏi, quan điểm của Việt Nam và Campuchia như thế nào khi Lào đang xây dựng đập thủy điện Xayabury và sắp tới sẽ xây tiếp đập Don Sahong, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, Việt Nam đã được Lào thông báo sẽ xây dựng công trình Don Sahong cuối năm nay.
Quan điểm của Việt Nam và Campuchia, chúng tôi đã đề nghị Lào xây công trình này phải có tham vấn của các thành viên trong Ủy hội vì theo hiệp định ký kết năm 1995, các công trình thủy điện trên dòng chính cần có tham vấn của các nước thành viên, mà công trình Don Sahong này nằm trên dòng chính sông Mekong.
Việt Nam và Campuchia cũng đề nghị Lào sau khi có kết quả nghiên cứu về tác động dòng chính trên sông Mekong kết thúc (2015) thì vấn đề xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mekong mới được tiến hành.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc chia sẻ thêm, quan điểm của Việt Nam luôn mong muốn Lào phát triển và Việt Nam coi sự phát triển của Lào cũng là sự phát triển của Việt Nam.
Sự phát triển trên dòng chính trên sông Mekong, nhất là thủy điện phải tuân thủ những quy định của Ủy hội sông Mekong, không để ảnh hưởng hay là có tác động tiêu cực lên các nước hạ nguồn, ông Ngọc khẳng định.
Ông Ngọc cho biết thêm, qua trao đổi có cảm nhận, phía Lào cũng quan tâm, lắng nghe và ghi nhận những ý kiến lo ngại của Việt Nam và Campuchia. Lào cũng đưa ra đánh giá, trong quá trình triển khai những đập thủy điện này sẽ cân nhắc rất kỹ. Nếu thấy có những tiêu cực như vậy, Lào sẽ có cân nhắc và điều chỉnh, ông Ngọc cho biết.
Tá Lâm