- Nguy cơ hàng triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài mất quốc tịch gốc nếu không đăng ký trước hạn 1/7 tới được đặt ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng nay (8/4).

>> Hàng triệu kiều bào có nguy cơ mất quốc tịch
>> Lấn cấn hạn chót đăng ký giữ quốc tịch cho kiều bào

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực của Bộ Tư pháp nói: Lịch sử nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh, vấn đề ổn định biên giới và việc di cư tự do trong những năm gần đây dẫn đến tình trạng không rõ ràng về quốc tịch không những với cộng đồng người VN ở nước ngoài mà còn đối với nhiều người dân ngay ở trong nước.

Năm 2008, một trong những điểm lớn bất cập mà Bộ Tư pháp xác định để đề xuất sửa luật Quốc tịch 1998 là tình trạng không rõ ràng về quốc tịch của cộng đồng người VN ở nước ngoài.

{keywords}
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực của Bộ Tư pháp. Ảnh: Chung Hoàng

"Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao thời điểm đó (năm 2008) có hơn 3 triệu người VN ở nước ngoài. Cho đến ngày hôm nay, thú thực là chúng ta chưa có số liệu chính xác là trong số những người VN định cư ở nước ngoài, bao nhiêu người vẫn giữ quốc tịch VN, bao nhiêu đã mất quốc tịch VN, bao nhiêu đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa mất quốc tịch VN... do người VN sống ở nhiều nước trên thế giới với nhiều hoàn cảnh khác nhau", ông Khanh nói.

"Về khía cạnh chính trị pháp lý, năm 2008 là đã đến lúc sửa luật Quốc tịch 1998. Theo đó, người VN định cư ở nước ngoài vẫn có quốc tịch VN trong vòng 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực phải đăng ký với cơ quan đại diện ngoại giao của VN ở nước sở tại. Đến hạn là ngày 1/7/2014 mà không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch VN".

Cục trưởng Nguyễn Công Khanh cho biết hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể trong số 4,5 triệu người VN định cư ở nước ngoài có bao nhiêu đã có quốc tịch nước ngoài mà vẫn còn quốc tịch VN.

"Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, cũng như qua nghiên cứu pháp luật các nước, có thể đánh giá là phần lớn người VN định cư ở nước ngoài hiện nay đã có quốc tịch nước ngoài, ví dụ Pháp, Mỹ, Úc, Canada... Pháp luật quốc tịch ở các nước này không bắt buộc công dân VN nói riêng và người nước ngoài nói chung bỏ quốc tịch gốc, nên công dân của VN vẫn còn quốc tịch. Vì pháp luật quốc tịch của VN từ năm 1945 đến nay chưa bao giờ quy định công dân VN nhập quốc tịch nước ngoài thì mặc nhiên mất quốc tịch VN. Đó cũng là đặc thù khác biệt với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức... về pháp luật một quốc tịch, do hoàn cảnh lịch sử nước ta".

Quy tắc một quốc tịch đã được đặt ra khi sửa luật năm 2008, nhưng để dư luận nước ngoài và cộng đồng người VN ở nước ngoài không hiểu sai về chính sách của ta nên mới thông qua thời hạn 5 năm trên, ông Khanh cho biết.

Theo Cục trưởng, từ năm 2009 khi hướng dẫn việc đăng ký giữ quốc tịch này, các Bộ Tư pháp, Ngoại giao đều nhận định dự báo số người đăng ký giữ quốc tịch VN sẽ không nhiều.

"Vì phần lớn người VN định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước ngoài, nhiều nước quy định rất chặt chẽ. Có lẽ đó là nguyên nhân căn bản khiến những người đồng thời có quốc tịch VN và nước ngoài phải lựa chọn".

Theo Bộ Ngoại giao báo cáo, mới có trên 6.000 người đăng ký giữ quốc tịch VN, nhưng không rõ trong số này, ai đang có và chưa có quốc tịch nước ngoài.

"Phần lớn người đã đăng ký chủ yếu ở Mỹ, Pháp, Úc, Canada... Những địa bàn theo nguyên tắc một quốc tịch thì rất ít người đăng ký giữ quốc tịch VN. Có lẽ do phần lớn bà con ta ở các nước này chưa được nhập quốc tịch nước sở tại, nếu không giữ quốc tịch VN, họ sẽ rơi vào tình trạng không quốc tịch rất bất lợi", ông Nguyễn Công Khanh nhận định.

Ông Khanh cho biết Bộ Tư pháp đang tập trung nghiên cứu nghiêm túc. Các phương án đều được đưa ra, như sửa luật, kéo dài thời gian đăng ký, thậm chí nếu không kịp sửa luật thì kiến nghị phương án ra sao...

Nhưng để chốt thì phải chờ đến chiều thứ Năm tuần tới (17/4), khi Bộ trưởng Hà Hùng Cường họp với các bộ ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, VP Chính phủ, VP Chủ tịch nước...

Mất quốc tịch có thể xin trở lại

Cục trưởng Nguyễn Công Khanh cũng trao đổi thêm với báo chí: Công dân VN không định cư ở nước ngoài, hoặc định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn hộ chiếu có hiệu lực thì không phải đăng ký. Chỉ những người có hộ chiếu hết hạn sử dụng mà chưa gia hạn lại mới phải đăng ký, như vậy đối tượng đã khoanh lại hạn chế. Việc thôi hay không thôi giữ quốc tịch VN thời gian qua phần lớn là do pháp luật các nước có người VN định cư quy định chứ không phải do pháp luật VN.

Để khắc phục tình trạng quá ít người đăng ký giữ quốc tịch, theo ông Khanh, giải pháp tối ưu là sửa luật Quốc tịch một cách bài bản nhưng việc này cần thời gian.

"Còn giải pháp tối ưu trước mắt là xin phép QH gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch. Nếu QH cho phép, chúng tôi cũng sẽ tính đến những hình thức đăng ký thuận lợi hơn cho bà con, ví dụ việc đăng ký qua mạng về lý thuyết là hoàn toàn thực hiện được, hay vấn đề lệ phí đăng ký...".

Còn nếu không có gì thay đổi, sau ngày 1/7 tới, những người không đăng ký sẽ mất quốc tịch VN, nếu muốn họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch VN. "Chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến việc này để tạo cơ chế thuận lợi cho những người mất quốc tịch do không đăng ký trước ngày 1/7 có thể dễ dàng trở lại quốc tịch VN", Cục trưởng nói.

Chung Hoàng