- Năm nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán chuyên đề các nguồn thu khác của BV Bạch Mai - nơi mỗi năm thu vào khoảng 3.000 tỷ đồng.


Đây là thông tin được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vũ Văn Họa đưa ra khi được mời phát biểu tại phiên giải trình về chấp hành pháp luật liên quan phí, lệ phí của UB Tài chính - Ngân sách QH chiều 11/4.

Thu 3.000 tỷ đồng/năm

Phó Tổng KTNN thông tin: Mỗi năm BV Bạch Mai thu vào khoảng 3.000 tỷ đồng, đây là một con số rất lớn. Chuyên đề kiểm toán các nguồn thu khác của BV Bạch Mai năm nay sẽ đánh giá xem toàn bộ các khoản thu này "là như thế nào" (tổng thu từ phí, lệ phí trong toàn ngành y tế năm 2012 đạt 43.950 tỷ đồng, như vậy số thu của BV Bạch Mai chiếm tỷ trọng rất lớn - PV).

{keywords}
BV Bạch Mai là BV hạng đặc biệt của cả nước. Ảnh: TL

Ông Họa cho biết quá trình kiểm toán trong ngành y tế thời gian qua cho thấy có mấy vấn đề bất cập nổi lên: viện phí, giá giường bệnh tự nguyện như giá phòng ở khách sạn 5 sao nhưng chất lượng dịch vụ được cho là không tương thích.

"Không biết thẩm quyền quyết định giá này thế nào, có lẽ do các đơn vị tự quyết chứ Bộ Y tế không tham gia. Cuối năm nay KTNN sẽ có câu trả lời trước QH về những vấn đề này", ông Họa nói.

Ngoài ra, việc người bệnh trả tiền để được lựa chọn hội đồng khám, hội chẩn cũng được ông Họa đánh giá là bất cập.

Nóng không kém vấn đề tài chính bệnh viện là khu vực khám tự nguyện. Khu vực này sinh ra để đáp ứng nhu cầu người bệnh có điều kiện kinh tế nhưng thực tế là cán bộ y tế làm ở bộ phận khám chất lượng cao thì tâm lý phấn khởi hơn, phục vụ tốt hơn, khác với khu vực khám BHYT hoặc khám bình thường dẫn đến phân biệt.

Chấm dứt hợp tác công tư không rạch ròi tài chính

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi về lộ trình đưa viện phí ra khỏi nhóm danh mục phí và lệ phí, trở thành giá dịch vụ y tế. Khi thành giá sẽ ở mức cao hơn, sẽ tác động thế nào tới lộ trình BHYT toàn dân?

{keywords}
Việc hợp tác công tư trong y tế bộc lộ nhiều bất cập, gây lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu đối với người bệnh. Ảnh: C.Q

Ông Bùi Đặng Dũng - Phó chủ nhiệm UB này cũng nêu vấn đề giá khám chữa bệnh tự nguyện trong hệ thống BV công lập khác nhau nhiều và việc sử dụng nhiều máy móc được bác sỹ hùn hạp vốn hoặc DN đặt để khai thác dẫn tới lạm dụng, gây bức xúc lớn trong nhân dân.

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết khám chữa bệnh tự nguyện phát sinh từ nhu cầu người dân. "Nhưng nêu ra vấn đề về giá như trên tôi cũng thấy đúng. Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện rà soát và đưa ra đâu là nguyên lý để đặt ra giá này".

Thứ trưởng đánh giá việc phối hợp công - tư đã mang lại những tác động tích cực như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế song thừa nhận việc không rạch ròi về tài chính đã gây ra động lực để lạm dụng.

"Bộ Y tế đã ra thông tư 15 điều chỉnh, chấm dứt hợp tác công - tư theo cơ chế tài chính không rõ ràng như hiện nay để giảm bớt động cơ gây lạm dụng. Bản thân các bệnh viện cũng đưa ra các quy trình hướng dẫn, chẩn đoán, xét nghiệm cho phù hợp », ông Cường nói.

Về lộ trình chuyển từ viện phí sang giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng cho biết trong thời gian qua viện phí không tính đủ khiến dịch vụ y tế không được hoàn hảo. Hiện nay người dân mới nộp 3/7 yếu tố cấu thành viện phí.

Bộ Y tế đề xuất giá dịch vụ y tế phải tiến tới tính đúng, tính đủ mới đảm bảo cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh, chất lượng theo lộ trình: Từ 2014 -2016 tính đủ tiền lương và phụ cấp, từ 2018 trở đi sẽ tính đủ 7 yếu tố.

Kiểm toán các khoản thu ngành giáo dục

Tình trạng phí, lệ phí chồng chéo, không có trong danh mục cho phép của ngành giáo dục cũng nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB.

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư chất vấn trách nhiệm của Bộ GD-ĐT về tình trạng thu phí, học phí không đúng quy định và hướng xử lý khắc phục.

Theo quy định hiện hành, ngành giáo dục chỉ được thu học phí và lệ phí tuyển sinh. Nhưng thực tế có những khoản thu không được phép như phí học lại, học cải thiện điểm...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết những khoản trên không nằm trong phí và lệ phí, quan điểm của Bộ là phải chấn chỉnh. Nhưng thực tế, việc chuyển từ niên chế sang tín chỉ, được học lại, nâng bảng điểm dẫn đến tình trạng nếu học lại cơ sở GD phải dạy lại, ra đề chấm thi.

"Học phí hiện nay chưa tiếp cận được chi phí đào tạo, còn khoảng cách rất xa, đến 2015 xây dựng học phí ĐH cần tiệm cận hơn nữa chi phí đào tạo để hạn chế bất cập, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thì cho rằng nếu chỉ nhắm vào học phí thì rất khó trông đợi một cuộc cải cách trong giáo dục, đặc biệt về chế độ lương cho giáo viên, nếu không đổi mới cơ chế thì không thể huy động nguồn lực xã hội, nếu đổi mới thì phải chuyển hướng theo giá. Cần nghiên cứu đổi mới cấp phát ngân sách cho các cơ sở GD ĐH, hiện nay việc cấp phát đang tính bình quân, cần điều chỉnh theo hướng chỉ hỗ trợ người nghèo.

Theo Phó Tổng KTNN Vũ Văn Họa, năm nay KTNN sẽ làm kiểm toán chuyên đề về học phí, đánh giá toàn bộ học phí và các chính sách, khoản thu của ngành GD.

Cẩm Quyên