Tăng trưởng nhanh thúc đẩy các động cơ kinh tế đất
nước, nhưng cũng tạo ra mức lạm phát cao, đe dọa đến nền kinh tế quá
nóng.
Vương Kiện Nhân, 56 tuổi, một người đã về hưu ở Thượng Hải - thành phố hối hả với 20 triệu dân - nói rằng, trong nhiều năm, Trung Quốc được hưởng những lợi ích to lớn từ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nhưng cũng như nhiều người khác tại đây, ông than phiền về việc lạm phạt bắt đầu ăn dần ăn mòn những lợi ích ấy.
“Giá cả gia tăng quá nhanh”, ông Vương nói ở một khu chợ rau. “Rất tồi tệ khi giá cả lên xuống bất thường. Giá không ổn định sẽ làm người dân lo lắng và khiến xã hội bất an".
Một người mua hàng tại chợ rau Bắc Kinh. Giá thực phẩm tại
Trung Quốc đã tăng 11,7% chỉ riêng trong tháng 3. Ảnh: Getty Images
Bằng chứng mới nhất là cuối tuần trước, Trung Quốc tuyên bố kinh tế tăng trưởng 9,7% trong quý 1 năm nay - gần như là mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chính phủ nước này cũng cho hay, trong tháng ba, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng mạnh nhất trong 32 tháng.
Điều hòa tăng trưởng - bất khả thi?
Các nhà phân tích không ngạc nhiên vì những con số này, nhưng một số chuyên gia tin rằng con số thực tế có thể không phải như vậy nhằm giảm áp lực lạm phát. Ví dụ, cho vay ngân hàng tăng mạnh trong tháng qua, giá cả thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu thô tăng vọt. Chỉ tính riêng trong tháng 3, giá thực phẩm đã tăng 11,7%.
Để ngăn chặn sự phát triển quá nóng, Bắc Kinh đang nỗ lực “điều hòa tăng trưởng” và kiềm chế lạm phát. Trong suốt sáu tháng qua, chính phủ đã thắt chặt cho vay ngân hàng, gia tăng lãi suất, tăng trợ cấp nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, kết quả đạt được không đồng đều. Tăng trưởng đã chậm lại so với tốc độ 10% hàng năm năm ngoái, nhưng áp lực lạm phát không giảm bớt; trên thực tế nó còn tăng hơn nhiều. Một số nhà phân tích cho rằng, lạm phát không thể giảm cho tới tháng 6.
Mặc dù Bắc Kinh cam kết kiềm chế thị trường bất động sản, nhưng giá nhà đất tiếp tục leo thang, tăng trưởng ở nhiều vùng của Trung Quốc vẫn có động lực từ các dự án bất động sản và đầu tư mạnh của chính phủ vào cơ sở hạ tầng.
Trong quý 1 năm nay, đầu tư tài sản cố định - tiêu chuẩn đánh giá hoạt động xây dựng - tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và đầu tư bất động sản tăng 37%.
Giá xăng dầu cũng tăng nhanh chóng theo mức giá toàn cầu. Giá xăng dầu tại Trung Quốc tăng từ 3,82 USD/gallon (hay 1 USD/lít) năm 2009 lên khoảng 4,50 USD/gallon hiện nay. Giá cả xuất khẩu cũng tăng vì giá hàng hóa, nguyên liệu thô và nhân công gia tăng. Từ khi Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, những gì xảy ra ở các nhà máy sản xuất ven biển có thể tác động lớn tới giá cả những nơi khác của thế giới.
Thực tế là, ở những khu vực xuất khẩu lớn nhất của nước này, các ông chủ nhà máy vẫn than phiền về tình trạng thiếu công nhân và giá lao động cao hơn. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích tăng lương với hy vọng giảm bớt chênh lệch thu nhập giàu nghèo, nông thôn và thành thị. Nhưng điều này cũng làm gia tăng giá thành sản phẩm.
Theo rất nhiều nhà phân tích, chính phủ Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế lạm phát. “Bất chấp giai đoạn thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều năm nay, chính phủ không thể chứng kiến một nền kinh tế đi chậm lại”, Alistair Thornton, nhà phân tích tại IHS Global Insight nói. “Tình trạng lạm phát có thể tiếp tục tăng cao, giá cả đảo lộn, chính phủ sẽ cần phải đẩy mạnh lộ trình siết chặt hơn”.
Nợ khổng lồ
Sự bùng nổ hiện nay của Trung Quốc bắt đầu từ 2009, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi Bắc Kinh thúc đẩy tăng trưởng với gói kích cầu trị giá 4 nghìn tỉ USD và số tiền cho vay kỷ lục từ các ngân hàng nhà nước. Chính sách nới lỏng tiền tệ và đầu tư lớn vào các dự án địa phương đã làm sống lại tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời khiến cho giá cả nhà đất, thực phẩm lương thực cũng tăng cao.
Ngay từ đầu năm 2009, đã không có ít quan ngại về sức khỏe của tăng trưởng Trung Quốc, phần lớn là các lo lắng về giá bất đồng sản cao, cho vay ngân hàng lớn và sự đầu tư mạnh của các chính quyền địa phương có thể dẫn tới những khoản nợ khổng lồ.
Trong vài tháng gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế và ngày càng nhiều nhà kinh tế học cảnh báo rằng, bong bóng tín dụng và bất động sản Trung Quốc có thể làm chệch hướng tăng trưởng. Một số chuyên gia cho rằng, giá bất động sản tăng vọt cuối cùng có thể lao dốc, dẫn tới làn sóng những khoản nợ xấu tại các ngân hàng quốc doanh lớn.
Giờ đây, mối quan tâm chính của Trung Quốc là chống lạm phát, ngăn chặn giá nhà đất tăng cao có thể gây ra bất ổn xã hội. Bắc Kinh đã cam kết chi hàng tỉ USD trong ít năm tới để đảm bảo giá nhà đất hợp lý, đồng thời khẳng định làm mọi thứ có thể để ngăn chặn giá cả mọi thứ ngày một leo thang, thậm chí là yêu cầu các công ty không tăng giá hàng hóa.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, các biện pháp của chính phủ có thể gây hiệu ứng ngược. Ví dụ, không cho phép các công ty tăng giá hàng hóa có thể đẩy áp lực lạm phát đi xa hơn và tạo ra một thị trường méo mó.
Một chiến thuật khác mà chính phủ áp dụng là chi tiêu mạnh mẽ vào việc tưới tiêu tại các vùng khô hạn, trợ cấp nông nghiệp và giảm thuế, chi phí vận chuyển. Nhưng nhiều nông dân nói rằng, những biện pháp này không tỏ rõ tác dụng.
Trần Duy Hồng, 42 tuổi, người có nông trang trồng rau ở tỉnh Tứ Xuyên, cho hay, việc kinh doanh của ông bị ảnh hưởng lớn bởi giá dầu diesel và giá nguyên liệu thô tăng cao. Nhưng phần lớn vấn đề của ông là chi phí nhân công.
-
Thái An (Theo Nytimes)