Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Ukraina dùng vũ lực chống lại những nhà hoạt động thân Nga? Liệu NATO sẽ can thiệp? Và Kremlin sẽ có những kế hoạch nào?

Chính phủ Ukraine dùng vũ lực

Ukraina đã quyết định dùng quân đội để đối phó với những người biểu tình thân Nga đang chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở miền đông nước này. Nguy cơ là ở chỗ việc chống lại sẽ dẫn đến tình trạng bạo lực lan rộng và - như Nga đã cảnh bảo - thậm chí xảy ra nội chiến.

{keywords}
Bất ổn tiếp tục lan rộng ở miền đông Ukraina. Ảnh: Reuters

Rất nhiều người ở đông Ukraina không thích chính phủ tạm quyền ở Kiev thay thế chính quyền của cựu tổng thống Viktor Yanukovych, kể cả họ không thuộc thành phần chủ trương ly khai hay tham gia phong trào biểu tình. Xung đột lan rộng có thể buộc nhà cầm quyền Ukraina phải đình chỉ hiến pháp và hoãn cuộc bầu cử tổng thống tháng tới - một dấu mốc rất quan trọng. Nó cũng có thể khiến Nga can thiệp trực tiếp.

Nga can thiệp

Sáp nhập Crưm từ tháng trước, Nga nhiều lần tuyên bố không có ý định điều quân tới Ukraina. Tổng thống Vladimir Putin sẽ không mạo hiểm châm ngòi một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, Duma đã cho phép ông được can thiệp quân sự nếu các lợi ích của Moscow bị đe dọa và Putin nói rằng, lợi ích đó bao gồm cả cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraina.

Tuy nhiên, một cuộc can thiệp quân sự toàn diện không phải là điều dễ dàng: lực lượng Ukraina ở vị trí tốt hơn để đối phó với Nga trên đất liền hơn là ở Crưm - nơi có các đơn vị đồn trú của Nga. Sự ủng hộ hành động của Nga tại Ukraina ít hơn là ở Crưm.

Mỹ, EU cấm vận mạnh tay hơn

Điều này rất có khả năng xảy ra. Washington tuyên bố rõ rằng, họ sẽ tăng cường các biện pháp cấm vận với Moscow nếu các hành động quân sự thân Nga ở miền đông Ukraina tiếp tục. Quyết định trừng phạt về năng lượng, ngân hàng, khai mỏ có thể mở sẵn trên bàn nghị sự.

Tuy nhiên, EU tới nay vẫn bất đồng về hành xử với Nga. Đức trông chờ vào Nga trong cung cấp khí đốt, Pháp có những hợp đồng quốc phòng và người Nga đầu tư khá lớn vào công nghiệp tài chính Anh. Sẽ rất khó để có thể vượt qua các bất đồng nếu Nga không can thiệp công khai vào cuộc khủng hoảng.

NATO vào cuộc

Rất khó xảy ra. Liên minh này nhiều lần bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng Ukraina. Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký NATO đã goi đó là “thách thức lớn nhất với an ninh châu Âu trong một thế hệ” và cảnh báo “hậu quả khôn lường”. NATO cần sự cứng rắn, nhất là sau khi thất bại trong việc ngăn chặn sáp nhập Crưm và phải trấn an các nước thành viên ở phía đông, đặc biệt ba nước Baltic. Họ đã ngừng mọi hợp tác với Nga, nhưng không có ý định bắt đầu một cuộc chiến.

Chọn lựa ngoại giao

Trong tình huống phức tạp và diễn biến nhanh chóng, rất khó có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cuộc đàm phán bốn bên hôm thứ năm tại Geneva là lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng, các nhà lãnh đạo Nga, EU, Mỹ và Ukraina ngồi lại với nhau. Bất ổn lan rộng và sự hỗn loạn ở miền đông Ukraina có vẻ giúp Nga “trên cơ” trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị phục vụ cho lợi ích của mình - và cho các nhóm thân Nga ở Ukraina - những người mong muốn hiến pháp mới tạo ra hệ thống liên bang với quyền tự chủ rộng lớn hơn cho các khu vực.

Thái An (theo Guardian)