- Dự thảo luật quy định điều kiện người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích của bên vợ hoặc chồng khiến ĐBQH băn khoăn đặt câu hỏi về ảnh hưởng quan hệ huyết thống. 

Dù được nhấn mạnh khía cạnh nhân đạo nhưng quy định chi tiết cho phép mang thai hộ như trong dự án luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) vẫn gây các tranh luận giữa ĐBQH tại phiên họp toàn thể UB Các vấn đề xã hội chiều 22/4.

{keywords}

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà. Ảnh: Minh Thăng

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà băn khoăn khoản 3a của điều 99 quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, quy định điều kiện người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích của bên vợ hoặc chồng khiến bà đặt câu hỏi về ảnh hưởng quan hệ huyết thống. "Giả định trường hợp nhờ em gái chồng mang thai hộ thì đứa trẻ sinh ra quan hệ huyết thống như thế nào?" - bà Hà chất vấn.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, "quy định phải là người thân thích có thể gặp phải tình huống thực tế mẹ vợ mang thai hộ con rể. Lúc đó đứa trẻ gọi là gì? Xét về y học có vẻ không có vấn đề nhưng về luân lý thì phải xem xét".

Một vấn đề được không ít ĐBQH nêu là điều kiện bắt buộc về tài chính của người nhờ mang thai hộ. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng phải coi điều kiện kinh tế như là điều kiện "thế chấp", ràng buộc đối với người nhờ mang thai hộ nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ được sinh ra.

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) lưu ý mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sử dụng đến phương pháp hỗ trợ sinh sản của y học trong thực tế hay gặp trường hợp sinh đôi, sinh ba hoặc trẻ sinh ra không may bị dị tật thì người nhờ mang thai hộ có nhận không? Theo ông Lập, phải quy định chặt chẽ tránh tình trạng né trách nhiệm của người nhờ mang thai hộ.

Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng mang thai hộ phải cân nhắc tất cả các khía cạnh. Người nhờ mang thai hộ là người có tiền mới làm được, nhất là sử dụng phương pháp sinh đẻ ngoài tự nhiên rất tốn kém. Bà đặt câu hỏi về sự bất bình đẳng có thể xảy ra giữa những người nghèo với người có điều kiện kinh tế, giàu có mắc cảnh không có con.

"Người giàu sung sướng hơn người nghèo nhưng bình đẳng về bệnh tật, tử vong và cả nguyện vọng có con. Nếu luật chưa đề cập hết thì có sự bất bình đẳng, cuối cùng chỉ có người giàu mới có quyền, có khả năng giải quyết vấn đề con cái" - bà Lan nói.

Phần lớn các ý kiến nhấn mạnh quy định mang thai hộ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của một số cặp vợ chồng với mong muốn được đảm bảo quyền làm cha mẹ chính đáng. Nhưng để tránh việc lợi dụng thương mại hóa và bảo vệ quyền lợi của các bên, quy định của dự thảo luật phải chặt chẽ.

Theo đó, các ĐB thống nhất điều chỉnh, bổ sung một số quy định như quyền của người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất à 60 ngày kể từ ngày sinh để đảm bảo sức khỏe sau khi sinh.

Dự thảo cũng bổ sung quy định bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con, nghĩa vụ hỗ trợ cho người mang thai hộ để chăm sóc sức khỏe sinh sản, bổ sung quy định thừa kế theo pháp luật của con trong trường hợp người nhờ mang thai hộ chết...

Bàn về luật BHYT, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nên triển khai gói BHYT dạng thẻ cơ bản dành cho mọi đối tượng có nhu cầu khám chữa bệnh thông thường và tách các nhu cầu cao hơn vào nhóm gói BHYT bổ sung (mà BHYT tư nhân, thương mại có thể bao phủ, thay vì chỉ Nhà nước).

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, giá dịch vụ y tế chừng nào còn chưa trở về giá trị thực thì chất lượng khám chữa bệnh không thể tốt. Mức đóng BHYT cơ bản hiện mệnh giá chỉ chiếm 4,5% lương (khoảng 30 USD) là mức thấp nhưng vẫn phải đảm bảo dịch vụ đầy đủ khiến chất lượng không thể tốt được. Bà cho hay, ở các nước để hưởng tương ứng hạng mục nhu cầu như ở Việt Nam phải chi 50-70 USD.

Linh Thư