Tuy đến Nhật Bản và Hàn Quốc trước, song động lực chính của chuyến công du Bắc Á của Thủ tướng Julia Gillard vẫn nằm ở Trung Quốc.

Ngày mai, 20/4, Thủ tướng Australia rời Canberra, bắt đầu chuyến công du kéo dài cả tuần tới khu vực Bắc Á. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực không ổn định, các nước tiếp tục điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc; Bắc Á “vật vã” tìm đường khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế toàn cầu, trong khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn trong tình trạng ảm đạm.

Một số nhà bình luận chính trị cho rằng chuyến thăm lần này là cơ hội lớn để Thủ tướng Gillard khởi động lại mối quan hệ vốn trúc trắc giữa Australia với các đồng minh an ninh và đối tác kinh tế hàng đầu ở châu Á. Đây cũng được xem là một trong những thách thức đối ngoại quan trọng nhất của bà Gillard kể từ khi trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên ở “xứ sở chuột túi”.

Thách thức Á châu

Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc - ba nước nằm trong lộ trình công du của bà Gillard - đều có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế đối với Australia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là những đối tác thương mại và xuất khẩu lớn nhất của Australia. Canberra đang đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) với cả Tokyo, Seoul và Bắc Kinh.

Kết quả chuyến thăm Bắc Á của Thủ tướng Gillard sẽ giúp Australia tăng cường quan hệ an ninh, đầu tư, thương mại với các nước trong khu vực. Ảnh: The Courrier-Mail
Hiện tại, đầu tư của Australia ở châu Á chưa nhiều. Tại Hàn Quốc và Trung Quốc, đầu tư của Australia mới đạt hơn 6 tỉ USD, còn ít hơn giá trị đầu tư vào quốc gia nhỏ bé Luxembourg. Mặc dù các tập đoàn, công ty Hàn Quốc đang giành nhiều hợp đồng ở tất cả các thị trường song sự hiện diện của các tổ chức tài chính Hàn Quốc ở Australia hầu như không đáng kể.

Chính vì vậy, chương trình nghị sự trong chuyến thăm Bắc Á của Thủ tướng Australia sẽ ưu tiên cho vấn đề tự do thương mại. Trước đó, Australia từng hy vọng FTA với Hàn Quốc sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Gillard. Song điều này đã phải trì hoãn do Hàn Quốc tập trung đối phó với dịch lở mồm long móng và quyết tâm kết thúc trước các hiệp định thương mại với Mỹ và EU.

Tờ The Australian dẫn lời Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Australia, ông Hugh White, nhận định rằng bà Gillard chọn Nhật Bản làm điểm dừng chân đầu tiên để tránh lặp lại sai lầm của cựu Thủ tướng Kevin Rudd khi đến thăm Trung Quốc trước rồi mới tới Nhật Bản - đồng minh thân cận nhất của Australia tại Bắc Á. Theo ông White, sẽ không đúng nếu nghĩ rằng Nhật Bản trở nên “ốm yếu” hoàn toàn sau thảm họa động đất và khó khăn kinh tế. “Nhật Bản vẫn là một quyền lực lớn ở châu Á” - ông White nói.

Trong chuyến thăm Tokyo, bà Gillard thảo luận với chính quyền Nhật Bản về những trợ giúp khắc phục thiên tai, nhấn mạnh sự ủng hộ của Australia đối với người dân đất nước Mặt trời mọc sau thảm họa sóng thần. Nhưng trọng tâm chuyến thăm vẫn là tìm kiếm các cách thức tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên, trong đó có việc thúc đẩy ký kết FTA, đồng thời xoa dịu căng thẳng giữa hai nước xung quanh vấn đề đánh bắt cá voi của Nhật Bản.

Tại Seoul, ngoài việc thảo luận hợp tác an ninh, kinh tế với Hàn Quốc, Thủ tướng Australia Gilard còn tái khẳng định sự ủng hộ của Australia đối với Hàn Quốc trong nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Giữ cân bằng quan hệ tay ba

Tuy đến Nhật Bản và Hàn Quốc trước song động lực chính của chuyến công du Bắc Á của bà Gillard vẫn nằm ở Trung Quốc. Nhiều nhà chính trị, ngoại giao Australia đã hối thúc Thủ tướng Gillard sớm thăm Trung Quốc bởi nước này ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt “cuộc chuyển dịch mang tính địa chấn” về ảnh hưởng kinh tế từ khu vực Đại Tây Dương và Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quốc gia đang trỗi dậy này coi Australia là nguồn cung cấp năng lượng và khoáng sản lớn, là mục tiêu cho những thử nghiệm trong quan hệ với phương Tây và các nước láng giềng.

Một số nhà quan sát cho rằng mục tiêu của bà Gillard tại Bắc Kinh là tìm cách giữ trạng thái cân bằng trong mối quan hệ tay ba Mỹ - Australia - Trung Quốc, theo cách “cẩn trọng, thành thạo” mà cựu Thủ tướng John Howard từng làm. Nhưng điều này không dễ thực hiện bởi cạnh tranh ảnh hưởng chính trị - kinh tế chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt.

Ông Ed Smith - Giám đốc quản lý Nhóm tư vấn Bắc Kinh - cho rằng có nhiều lĩnh vực mới mà Australia có thể chia sẻ kinh nghiệm với Trung Quốc như hỗ trợ từ thiện, y tế, phòng chống tai nạn giao thông, kiểm soát thuốc lá… Australia cũng có thể thử nghiệm các phát minh, sáng chế ở Trung Quốc rồi đưa ra thị trường quốc tế. Ông Smith thúc giục chính quyền Australia mở thêm lãnh sự quán ở Trung Quốc, ví dụ như tại tỉnh Tứ Xuyên, nơi có dân số nhiều hơn dân số của Anh và Đức.

Sau cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, bà Gillard sẽ phát biểu tại diễn đàn kinh tế do Hội đồng Doanh nghiệp Australia - Trung Quốc tổ chức. Diễn đàn này có sự tham dự của đoàn doanh nghiệp Australia đông đảo nhất từ trước tới nay thăm Trung Quốc.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, Thủ tướng Gillard cần gây được ấn tượng mạnh trong lần công du Bắc Á này để có thể bắt đầu tạo dựng danh tiếng và quyền lực riêng trên trường quốc tế, vốn bị lu mờ bởi các hoạt động có phần “lấn lướt” của ngài Ngoại trưởng Kevin Rudd.

Một cách tổng thể, kết quả chuyến thăm Bắc Á của bà Gillard sẽ giúp Australia tăng cường quan hệ an ninh, đầu tư, thương mại với các nước trong khu vực, đồng thời thể hiện cam kết hiện diện mạnh mẽ của Australia tại các diễn đàn như G-20, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á EAS và APEC.

Võ Giang