Giữa không khí giận dữ, tiếc thương, đau đớn của vụ chìm phà Hàn Quốc, chỉ một sơ suất nhỏ hay nhận xét không hợp thời của bất kỳ quan chức nào cũng có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp của họ.
Số người thiệt mạng liên tục gia tăng, thực tế là rất nhiều trẻ em đã tử nạn đã châm ngòi khiến sự bất mãn của người dân bùng thành lửa nóng. Bên cạnh mục tiêu tức thì như thuyền trưởng, đoàn thủy thủ, chủ phà, nỗi tức giận của người dân còn lan sang bất kỳ ai có vị thế, quyền lực hay ảnh hưởng.
Gần như có một sự đồng thuận rằng, vụ chìm phà đã lật giở những gì ẩn chứa sau câu chuyện thành công vĩ đại của nền kinh tế xứ kim chi. Đằng sau đó là một bộ máy chính quyền kém hiệu quả khiến cho các thảm kịch xảy ra.
Thân nhân người bị nạn tranh cãi với quan chức chính phủ Hàn Quốc khi họ thông tin về tình hình cứu hộ vụ chìm phà. Ảnh: NDTV |
Dấu hiệu rõ ràng đầu tiên của một trạng thái tinh thần dễ bị tổn thương, đó là khi Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-Won đến thăm thân nhân người mất tích sau khi chiếc phà Sewol nặng 6.825 tấn gặp nạn. Tại phòng tập thể dục trên đảo Jindo, nơi rất nhiều gia đình đang khắc khoải trông ngóng, phập phồng cầu nguyện và ngóng chờ tin tức, ông Chung đã bị chen lấn, xô đẩy, la ó phản đối, một số người còn ném chai nước vào ông.
"Đừng chạy trốn, ông Thủ tướng”, một người mẹ giận dữ, ngăn ông Chung khi ông cố gắng rời đi.
Sự giận dữ của người dân không nhằm vào cá nhân ông Chung mà bắt nguồn từ nhìn nhận rằng, ông đại diện cho cơ quan có trách nhiệm, rằng chính quyền của ông đã làm không đủ, không đúng vai trò họ đảm nhận.
Gián tiếp cũng chịu trận
Sự thất vọng của các gia đình được phản ánh trong phạm vi công chúng rộng hơn cũng như truyền thông báo chí, với hàng loạt bài viết, bình luận đặt câu hỏi, vấn đề rằng, thảm họa nói lên những gì mà Hàn Quốc đã đi qua và nơi nào sẽ đến. Nỗi đau, sự mất mát và câu hỏi trách nhiệm đã nhanh chóng hưởng đến bất cứ ai có hành động sai sót hay lỡ lời dù là gián tiếp.
Chung Mong-Joon, một nghị sĩ kỳ cựu đang tranh cử chức Thị trưởng Seoul đã cảm thấy buộc phải nói lời xin lỗi trên truyền hình sau khi con trai ông viết trên Facebook, chỉ trích cách hành xử “thiếu văn minh” của các thân nhân người bị nạn khi họ xô đẩy Thủ tướng. "Tôi xin lỗi một cách sâu sắc về các hành xử trẻ con của con trai tôi”, ông Chung nói sau khi bình luận của con ông bị “ném đá” dữ dội.
Tiếp đến là Song Young-Chul, quan chức cấp giám đốc tại bộ chịu trách nhiệm phản ứng thảm họa, người đã chụp hình ngay phía trước tấm bảng ghi tên những người tử nạn. Việc này bị các thân nhân nạn nhân phát hiện, buộc ông phải đệ đơn từ chức. Trong bầu không khí sôi sục, lá đơn được chấp thuận lập tức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Seo Nam-Soo đã hai lần bị chỉ trích vì hành xử không phù hợp; một lần gián tiếp sau khi trợ lý của ông đã rất “hăng hái” sắp xếp cho cuộc viếng thăm của ông tới đám tang một trong rất nhiều học sinh thiệt mạng vì phà chìm. Lần khác là khi người dân thấy tấm hình chụp ông ăn mỳ và ngồi trên một chiếc ghế trong phòng thể dục nơi các gia đình nạn nhân tập trung. Seo thậm chí bị lên án vì đã ngồi ghế trong khi các thân nhân nạn nhân ngủ trên sàn tập.
Ngoài ra, một quan chức cấp cao lực lượng phòng vệ bờ biển đã bị sa thải do phát ngôn hoan nghênh lực lượng này làm tốt khi cứu 80 người khỏi chiếc phà trước khi nó chìm hẳn. "Bình luận của ông có thể làm tổn thương gia đình các nạn nhân”, lực lượng này cho biết khi thông báo sa thải vị quan chức.
Trong tổng số 476 người có mặt trên phà Sewol, chỉ có 174 người thoát khỏi thảm nạn. Số người thiệt mạng là 171 người,131 người khác vẫn mất tích. Một quan chức cấp cao tại thành phố Busan cũng đã mất chức sau khi đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp yêu cầu tất cả cán bộ viên chức tránh đi nghỉ thời gian quốc tang.
Mới đây nhất, hôm 26/4, Thủ tướng Chung Hong-won đã nộp đơn từ chức vì cảm thấy có trách nhiệm trước thảm họa chìm phà Sewol. "Điều tôi nên làm là chịu trách nhiệm và từ chức", hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Chung trong một thông báo ngắn gọn.
Tuyên bố trên truyền hình, ông Chung đã xin lỗi gia đình các nạn nhân: "Trong quá trình tìm kiếm, các biện pháp của chính phủ là không thỏa đáng và khiến người dân thất vọng. Tôi nên chịu trách nhiệm về mọi điều khi là Thủ tướng".
Thái An tổng hợp