- Sau 8 tháng huấn luyện ở Trung Quốc, tháng 12 năm 1953, Tô Vĩnh Diện cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ để chuẩn bị tham chiến.
Tôi trở lại Điện biên sau hơn 10 năm.
Sở chỉ huy Mường Phăng, hầm De Castries, đồi A1, các nghĩa trang.. đều khang trang sạch đẹp chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Điện Biên một chiến thắng mang tầm vóc vĩ đại, mở ra một trang mới cho dân tộc Việt Nam nhưng khi vào nghĩa trang mới chạnh lòng vì những người làm nên chiến thắng đều không có tên tuổi. Cả một nghĩa trang mà chỉ có 4 anh hùng và ít người có tên trên bia mộ, còn lại là vô danh. Hầu hết tên các anh chỉ được ghi trên bức tường của nghĩa trang.
Cùng đoàn thắp hương kính viếng hương hồn các chiến sỹ, tôi tranh thủ thắp hương cho các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Trần Can. Tôi đứng lâu trước mộ anh hùng Tô Vĩnh Diện, nghĩ về chiến công của anh, nhớ về ngôi làng đã sinh ra anh. Thật ra trên sách báo vẫn lẫn lộn huyện của anh và ít ai biết được ngôi làng đã sinh ra anh thế nào.
Nghĩa trang liệt sỹ bên đồi A1 |
Làng cổ Lan Khê ngày xưa nay là xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ngày Tô Vĩnh Diện vào bộ đội vẫn còn là một xã của huyện Nông Cống. Sau này Triệu Sơn được hình thành bởi một số xã của Thọ Xuân cắt về và của Nông Cống cắt lên. Tên Triệu Sơn được đặt mang ý nghĩa là nơi mà Bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa.
Ngôi làng của Tô Vĩnh Diện có cách nay hơn 500 năm.
Ngày ấy sau cuộc khởi nghĩa Lê Lợi thắng lợi, chính quyền nhà Lê có chính sách khai khẩn đất đai. Một số trai làng của Thọ Xuân rủ nhau theo dòng sông nhà Lê (Sông Đào có từ thời Lê Hoàn) xuôi xuống đến vùng đất chân núi Nưa thì dừng lại khai phá. Đây là vùng núi non rậm rạp nhưng bằng phẳng. Ngày xưa Nguyễn Chích cũng đã từng luyện quân khởi nghĩa ở vùng này trước khi theo Lê Lợi.
Lan Khê ngày ấy sau này là xã Nông Trường có truyền thống hiếu học. Những người họ Nguyễn Hà trong những thanh niên đầu tiên đi khai phá và sau này cũng có nhiều người đỗ đạt nhất. Nguyễn Hiệu, Nguyễn Hoàn là hai cha con đều đỗ Tiến sỹ dưới thời Lê-Trịnh làm tới chức Thượng thư đứng đầu triều. Nguyễn Hoàn còn làm Tổng tài Quốc Tử Giám đã soạn nhiều bia Tiến sỹ trong đó.
Mặc dù quê hương có truyền thống lâu đời nhưng vẫn là vùng quê nghèo, chỉ thuần nông.
Gia đình Tô Vĩnh Diện không có đất. Anh sinh năm 1924, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ. Suốt 12 năm đi ở, phải chịu bao cảnh áp bức bất công.
Tô Vĩnh Diện là cậu bé rất năng động. Đi chăn bò cậu thường tụ tập nhau lại đánh trận giả. Cậu thường chỉ huy và gan lì. Đặc biệt, Diện có tài leo trèo. Đền Trại, nơi thờ quận công Nguyễn Hiệu là nơi tôn nghiêm, cây cối rậm rạp, chim về làm tổ nhiều. Nhưng dù là tổ ở tít ngọn cây cao hay nơi nóc đền, cậu thường trèo lên và bắt được.
Tuổi 17, 18 của Diện trùng với những ngày cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt nhất. Bộ đội về làng rất đông. Phong trào mẹ nuôi chiến sĩ được mở ra. Mẹ Tô Vĩnh Diện cũng như các bà mẹ khác đều nhận các anh làm con nuôi.
Chính trong những ngày đó, Diện cũng như các trai tráng của làng hiểu thêm đời chiến sĩ, gian khổ nhưng tự hào. Anh cùng một số thanh niên xung phong nhập ngũ vào năm 1949.
Tháng 3/1953, anh được triệu tập để tham gia lực lượng pháo phòng không sắp thành lập. Khi đơn vị cao xạ được thành lập, anh cùng đơn vị sang Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để huấn luyện. Anh được chỉ định là Trung đội phó thuộc Đại đội 829, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Sau 8 tháng huấn luyện ở Trung Quốc, tháng 12/1953, Tô Vĩnh Diện cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ để chuẩn bị tham chiến. Anh được điều về đại đội 827 làm Trung đội phó Trung đội 2, trực tiếp phụ trách Khẩu đội 3 thay Khẩu đội trưởng bị thương.
Khẩu đội anh được giao sử dụng khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681, thuộc loại pháo phòng không 37mm nòng, mẫu 61-K kiểu M1939 có gắn lá chắn đạn, do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cuối năm 1953 lớp học nhận nhiệm vụ lên đường hành quân về Việt Nam.
Đơn vị tập kết ở Bằng Tường, qua ngả Lạng Sơn về tập trung ở chiến khu Cao-Bắc-Lạng trong khí thế hừng hực chuẩn bị ra trận. Thấy bộ đội ta có súng to, nhân dân khắp vùng và những đoàn dân công hỏa tuyến ùn ùn kéo đến xem. Nhiều người đứng ngẩn người ra ngắm nghía và xin được mở bạt ra xem.
Có cụ già người Tày đã trên 70 tuổi, đến phân trần: “Bố ở cách đây hơn 10 cây số, nghe tin bộ đội mình nhận được súng to, cả bản sung sướng lắm. Phen này nhất định mình thắng to, bố phải nắm cơm đi bộ lên tận nơi xem cái súng to này. Các con phải cho bố xem nó tận nơi mới được”.
Để giữ bí mật cho hai loại pháo lựu 105mm và cao xạ 37mm lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, các đơn vị này đều hành quân vào ban đêm, liên tục trong các ngày 13, 14 và 15/1/1954, từ Tuần Giáo vào tập kết ở kilômét 63 đường 42.
Sau đó, từ vị trí tập kết, bộ đội phải kéo pháo bằng sức người trên đường quân sự mới mở, có chỗ phải vượt qua núi cao 1450m để vào trận địa cách xa vị trí tập kết 15km. Từ trưa ngày 16/1, được sự trợ giúp của bộ binh và công binh, các đơn vị bắt đầu kéo pháo, đến ngày 24/1 mới đưa được pháo vào trận địa.
Trong lúc kéo pháo cũng như lúc nghỉ dọc đường, Tô Vĩnh Diện luôn luôn nhắc đồng đội chuẩn bị chu đáo và tự mình đi kiểm tra tỉ mỉ đường dây kéo pháo, xem xét từng đoạn đường, từng cái dốc rồi phổ biến cho anh em.
Kéo pháo vào đã gian khổ, hy sinh, kéo pháo ra càng gay go ác liệt, anh đã đi sát từng người, động viên giải thích nhiệm vụ, giúp anh em xác định quyết tâm cùng nhau khắc phục khó khăn để đảm bảo thắng lợi.
Tác giả bên mộ anh hùng Tô Vĩnh Diện tại nghĩa trang liệt sỹ A1 |
Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối, đường hẹp và cong, Tô Vĩnh Diện cùng chiến sỹ Chi xung phong lái pháo. Nửa chừng dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng, lái cho pháo thẳng đường.
Nhưng một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, chiến sỹ Chi bị hất xuống suối. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em: “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo”. Anh đã lái pháo đâm vào vách núi, riêng anh bị bánh pháo chèn ngang người, nhờ đó đơn vị kịp ghìm giữ pháo dừng lại.
Quê hương Nông trường của Tô Vĩnh Diện trong kháng chiến chống Mỹ có thêm nhiều anh hùng và dũng sỹ. Cả xã có gần 100 liệt sỹ. Nông Trường vinh dự được phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày còn sống, ông cụ thân sinh ra Tô Vĩnh Diện đã được nhà nước cho lên thăm Điện Biên. Cụ đã rất xúc động thắp hương cho các chiến sỹ vô danh.
Cụ nói anh còn có tên trên bia mộ là may mắn hơn nhiều những đồng đội khác. Gia đình không đưa thi hài của anh về mà để anh mãi mãi bên những người đồng đội, mãi mãi với mảnh đất Điên Biên yêu dấu.
Nguyễn Đăng Tấn