- Ngoại trưởng Singapore tuyên bố: Trung lập không có nghĩa là giữ yên lặng. Nếu hiệp hội giữ yên lặng về những sự cố gần đây thì uy tín của ASEAN sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.


Hôm nay, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực. 

Các Bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

{keywords}
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra ở Myanmar. Ảnh: Reuters


Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Các Bộ trưởng đồng thời kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo giới phân tích, việc đồng thuận của các Ngoại trưởng ASEAN khi cùng bày tỏ quan điểm về Biển Đông là động thái phản ánh sự quan ngại cao độ về hành xử gây hấn của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ.

"Trên Biển Đông, sự cố mới nhất xảy ra là một vấn đề rất nghiêm trọng”, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam nói. "Có sự đồng thuận cao rằng ASEAN coi đây là vấn đề nghiêm trọng và cần ra một tuyên bố độc lập”. 

Ông Shanmugam khẳng định: "Trung lập không có nghĩa là giữ yên lặng. Nếu hiệp hội giữ yên lặng về những sự cố gần đây thì uy tín của ASEAN sẽ bị tổn hại nghiêm trọng”. 

Biển Đông là nơi Trung Quốc và 4 nước thành viên ASEAN (Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia) có chồng lấn trong tuyên bố chủ quyền. Trong đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm gần như toàn bộ vùng biển. Một số nước ASEAN như Singapore và Thái Lan dù không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng vẫn luôn thúc giục các bên liên quan kiềm chế.

Thái An